Cẩn trọng với kiện chống trợ cấp

30/06/2009 06:31 - 900 lượt xem

Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ về vụ kiện chống trợ cấp đầu tiên đối với Việt Nam sẽ không chỉ liên quan tới mặt hàng túi nhựa (PE) đựng hàng bán lẻ mà sẽ ảnh hưởng đáng kể tới các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam sang Mỹ. Phóng viên Báo Đầu tư đã có cuộc phỏng vấn luật sư Jay Eizenstat* và John Magnus** thuộc Công ty luật Miller & Chevalier (Mỹ) về vụ kiện này.
Cuối tháng Tư vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã tuyên bố khởi xướng điều tra vụ kiện chống trợ cấp đối với mặt hàng túi nhựa đựng hàng bán lẻ nhập khẩu từ Việt Nam. Đâu sẽ là những ảnh hưởng của vụ kiện này đối với việc xuất khẩu hàng hoá nói chung của Viêt Nam sang Mỹ?
Jay Eizenstat: Vụ kiện chống trợ cấp (CVD) này sẽ có ảnh hưởng lớn tới Việt Nam, bởi vì trong vụ việc chống trợ cấp đầu tiên này, bên khởi kiện đã yêu cầu và Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tạm thời đồng ý áp dụng luật chống trợ cấp đối với hàng túi nhựa từ Việt Nam. Thực tế là DOC đã có đánh giá rằng có thể mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với hàng hoá Việt Nam. Điều đó khiến cho vụ kiện này mang tính tiền lệ, với tầm quan trọng tương tự như vụ kiện đối với vụ giấy không bọc nhập khẩu từ Trung Quốc diễn ra từ năm 2007.

Kể từ năm 2007, DOC đã chấp nhận hơn 10 đơn kiện chống trợ cấp liên quan tới hàng hoá Trung Quốc và phán quyết đưa ra trong tất cả các trường hợp đó đều bất lợi cho Trung Quốc. Chính vì vậy, quyết định của DOC trong vụ điều tra chống trợ cấp này sẽ có ảnh hưởng lớn, không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực xuất khẩu mặt hàng túi nhựa.

Nếu DOC tìm được những bằng chứng liên quan tới các loại trợ cấp nêu ra trong đơn kiến nghị, các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam bao gồm cả những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như đồ gỗ, dệt may, thuỷ sản có thể sẽ là mục tiêu của những vụ kiện chống trợ cấp tiếp theo. Sẽ là tai hại hơn nếu kết quả điều tra của DOC cho thấy các chương trình trợ cấp bị cáo buộc của Việt Nam không chỉ dành cho ngành sản xuất túi nhựa, mà còn liên quan tới rộng khắp các lĩnh vực xuất khẩu khác.

Thêm vào đó, đáng lưu ý là Canada gần đây vừa đưa ra quyết định sơ bộ khẳng định mặt hàng giày không thấm nước của Việt Nam bán phá giá vào nước này. Các nhà sản xuất giày dép của Mỹ có thể sẽ muốn theo đuổi vụ kiện và cáo buộc rằng, các nhà sản xuất giày dép của Việt Nam vừa bán phá giá vừa nhận trợ cấp của Chính phủ.

Thêm vào đó, DOC sẽ phải đưa ra sự lựa chọn mang tính phương pháp luận cho việc tính toán mức độ trợ cấp trong vụ kiện CVD đầu tiên và lựa chọn này, có nhiều khả năng sẽ được tiếp tục sử dụng trong những vụ kiện tiếp theo. Những quyết định như vậy sẽ bao gồm việc có sử dụng hay không và có xây dựng những ngưỡng chuẩn ngoài nước như DOC đã làm với những chương trình hỗ trợ về đất đai và các khoản vay ngân hàng ở Trung Quốc. Những ngưỡng chuẩn ngoài nước thường khiến cho việc tính toán mức độ trợ cấp bất lợi hơn cho nước bị kiện.

Xin ông cho biết điều tra này dự kiến sẽ kéo dài bao lâu và những diễn tiến vừa qua của vụ việc này?
John Magnus: Điều tra của DOC có thể kéo dài khoảng 1 năm hoặc lâu hơn một chút.Cho đến nay, DOC đã xem xét kiến nghị và thấy rằng, kiến nghị này là có cơ sở và quyết định mở một cuộc điều tra chống trợ cấp bao gồm việc điều tra toàn bộ khoảng 10 chương trình trợ cấp nêu trong kiến nghị. DOC đã đưa ra các bản câu hỏi cho các bên liên quan, trong đó có Chính phủ Việt Nam.

Những bản câu hỏi này khá dài và phức tạp, đòi hỏi sự tham gia và phối hợp của nhiều bộ, ngành. Đồng thời với việc tiến hành điều tra, DOC đang tiếp tục thu thập ý kiến công chúng về việc có nên áp dụng luật chống trợ cấp đối với Việt Nam. Theo luật của Mỹ, nếu có cơ sở và vẫn trong hạn định thời gian cho phép, bên khởi kiện trong thời gian tới, vẫn có thể đưa ra các cáo buộc mới và DOC có thể bổ sung những nội dung mới này trong cuộc điều tra của mình.

Đâu là lý do khiến cho DOC quyết định hoãn việc đưa ra phán quyết ban đầu dự kiến vào ngày 24/6 sang ngày 28/8?
Jay Eizenstat: Thông thường, theo luật của Mỹ, DOC sẽ đưa ra phán quyết ban đầu trong vòng 65 ngày sau khi tuyên bố bắt đầu điều tra. Tuy nhiên, DOC cũng có quyền trì hoãn việc đưa ra quyết định này trong khoản thời gian không muộn hơn 130 ngày kể từ ngày bắt đầu điều tra nếu bên khởi kiện yêu cầu gia hạn. Trong trường hợp này, bên khởi kiện đã đề nghị gia hạn và DOC đã đồng ý.

Động cơ của việc xin gia hạn vẫn chưa rõ ràng. Có thể bên khởi kiện muốn bổ sung thêm thông tin cho DOC, hoặc cần thêm thời gian để chuẩn bị cho việc nộp các tài liệu liên quan của mình, hoặc muốn kết hợp thời hạn nộp các tài liệu của vụ chống bán phá giá và chống trợ cấp cùng một lúc (mặt hàng túi nhựa của Việt Nam vừa bị kiện chống trợ cấp và phá giá).

Theo ông, khả năng thắng của Việt Nam trong vụ kiện này ra sao?
John Magnus: Việt Nam chỉ có thể thắng trong vụ kiện này khi phán quyết của DOC chỉ ra rằng, Việt Nam không chịu sự áp dụng của luật chống trợ cấp của Mỹ hoặc Việt Nam chịu sự áp dụng của luật này, nhưng không cáo buộc nào về trợ cấp do bên khởi kiện đưa ra là có giá trị (nghĩa là mức độ trợ cấp trong vụ này bằng 0 hoặc không đáng kể).

Tuy nhiên, các khả năng kể trên là khá thấp. Việt Nam cũng có thể tránh thuế chống trợ cấp đối với mặt hàng túi nhựa, nếu có thể giành thắng lợi trong cuộc điều tra về mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, dựa trên những số liệu chúng tôi có được, khả năng này cũng rất thấp. Việt Nam có thể giành được thắng lợi một phần, nếu một số trong những chương trình bị điều tra được kết luận là không có trợ cấp.

Để chuẩn bị tốt cho vụ kiện này, đâu là những việc mà Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cần làm?
Jay Eizenstat: Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin liên quan tới các câu hỏi của DOC. Đối với Chính phủ Việt Nam, vì đây là vụ kiện CVD đầu tiền, việc trả lời các bảng câu hỏi đòi hỏi việc phân bổ đáng kể những nguồn lực và sự phối hợp nhiều bộ, ngành.

Ngoài ra, những nỗ lực này còn liên quan tới việc xác định tìm ra quy trình đưa ra quyết định những ngành, doanh nghiệp nào đã được hưởng hoặc không được hưởng trợ cấp, đồng thời làm sáng tỏ việc phân bổ thực sự các lợi ích trong mỗi chương trình trợ cấp bị điều tra. Biên soạn và công bố những tài liệu này là một thách thức và có lẽ không dễ dàng đối với chính phủ.

* Jay Eizenstat từng là Giám đốc phụ trách các vấn đề hải quan tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tại Washington.
* John Magnus từng là Chủ tịch Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế thuộc Hiệp hội Luật gia Mỹ.
Nguồn: www.vir.com.vn
Quảng cáo sản phẩm