Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tỷ giá đồng Nhân dân tệ

22/09/2010 12:00 - 922 lượt xem

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng trở lại khi cuối tuần trước, Washington kêu gọi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tiến hành điều tra các chính sách thương mại không công bằng của Bắc Kinh.

Đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, trong tình trạng thâm hụt thương mại Mỹ gia tăng đã khiến các nghị sĩ Mỹ gây thêm sức ép với Chính phủ nước này đòi phải có các biện pháp cứng rắn hơn với Trung Quốc trong các vấn đề thương mại, trước hết vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT).

Trong khi đó, hội đồng cố vấn cấp cao của Trung Quốc lại lên tiếng cảnh báo rằng, Mỹ sẽ thất bại trong cuộc chiến thương mại nếu nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc liên quan tới vấn đề tỷ giá giữa đồng NDT và đôla Mỹ.

Ông Ding Yifan, Cố vấn chính sách cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu phát triển của Trung Quốc cho biết, Trung Quốc có thể đáp trả lại bằng việc bán 1.500 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và việc này sẽ đẩy lãi suất ở Mỹ lên cao.

Nhận định của ông Ding Yifan được đưa ra tại một diễn đàn ở Bắc Kinh phản ánh quan điểm cho rằng, nước Mỹ đang suy yếu và việc xuất khẩu hàng hóa và vốn của Trung Quốc tăng cao sẽ giúp nước này ở vị trí “chiếu trên”.

Tuy nhiên theo ông Gabriel Stein (Trung tâm nghiên cứu Lombard Street) thì cho rằng: “Quan điểm này là hoàn toàn sai lầm. Bài học của những năm 1930 đã chỉ ra rằng, những nước có thặng dư thương mại nhưng cầu nội địa yếu sẽ hứng chịu thất bại”. Ông cũng cảnh báo rằng, việc Trung Quốc bán trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ chỉ là một hành động vô ích và đem lại tác dụng không mong muốn cho chính sách đồng NDT hiện nay của Trung Quốc.

Theo tờ New York Times, chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang chuyển từ thái độ mềm mỏng sang lập trường cứng rắn hơn đối với các chính sách thương mại và tiền tệ của Trung Quốc. Mỹ cáo buộc, Trung Quốc đã định giá thấp đồng nội tệ để hỗ trợ các nhà xuất khẩu trong nước được hưởng lợi bất hợp lý. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ ông Timothy Geithner đã 3 lần từ chối việc đưa Trung Quốc vào danh sách các nước thao túng tỷ giá tiền tệ.

Báo New York Times mới đây nêu lên, đồng NDT đã tăng giá được khoảng 1% so với USD, kể từ khi Bắc Kinh cam kết linh hoạt tỷ giá hồi tháng 6 năm nay. Còn theo Ủy ban Ngoại hối Trung Quốc, tỷ giá NDT đứng ở mức 6,725 NDT/USD, tăng 128 điểm cơ bản, tương đương 0,19%, cao hơn kỷ lục trước đó 6,7378 NDT/USD. Nhìn vào số liệu trên đây nhiều nhà phân tích ở Mỹ cho rằng so với thời gian cam kết của Trung Quốc linh hoạt tỷ giá thì giới hạn tăng giá vẫn quá hạn hẹp.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Geithner đã có lần tuyên bố Trung Quốc đã hành động quá chậm chạp trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của nước này. Và gần đây, ông Geithner cho biết Chính phủ Mỹ đang nghiên cứu các biện pháp mà Washington có thể sử dụng nhằm thúc ép Bắc Kinh hành động mau chóng hơn nữa để nâng giá trị của đồng NDT lên đúng giá trị thực so với đồng USD.

Ông C.Fred Bergsten, Giám đốc Viện Kinh tế thế giới Peterson, cho rằng Mỹ cần tác động đến Liên minh châu Âu và các quốc gia như Brazil, Nga và Ấn Độ để cùng tạo áp lực buộc Trung Quốc nới tay hơn với đồng NDT, đồng thời thuyết phục Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có biện pháp trừng phạt Trung Quốc nếu quốc gia này không chịu nhượng bộ.

Một số ủy ban chủ chốt của lưỡng viện Mỹ đã cân nhắc các dự luật áp đặt các biện pháp trả đũa nhằm vào hàng hóa Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn bị cho là giữ giá đồng NDT quá thấp để hỗ trợ xuất khẩu.

Các nhà lập pháp Mỹ cũng đang xem xét một dự luật dựa vào đó có thể trừng phạt Bắc Kinh bằng cách đánh thuế vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và những biện pháp khác nhằm gây áp lực buộc Trung Quốc thả nổi đồng NDT.

Những đánh giá trên được xem là những tuyên bố cứng rắn nhất từ trước đến nay của Washington về những tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, các hiệp hội thương mại cho biết hiện chưa có bất kỳ phương pháp nào được công nhận để quyết định nên làm thế nào khi tỷ giá hối đoái của một nước không do thị trường quyết định, do đó giá trị NDT ở mức nào là hợp lý là ý kiến chủ quan và đơn phương, cũng tiềm tàng khuynh hướng chính trị hóa.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, Diêu Kiên, vừa qua đã tuyên bố, việc thông qua thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ để xác định Trung Quốc thao túng tiền tệ là không hợp lý. Phía Trung Quốc cho rằng, các chính trị gia Mỹ đang dùng vấn đề chính sách thương mại của Trung Quốc để ghi điểm trong cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, tờ Telegraph của Anh lại lien tiếp đăng tải, Hội đồng cố vấn cấp cao của Trung Quốc lên tiếng cảnh báo Mỹ sẽ thất bại trong cuộc chiến thương mại, nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc liên quan tới vấn đề tỷ giá NDT.

Nguồn: Báo công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm