Căng thẳng thương mại Mỹ với Canada, Mexico, Trung Quốc: Doanh nghiệp Việt chủ động ứng phó
04/02/2025 10:37
Việc Mỹ đe dọa áp thuế mới lên hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc gây lo ngại về căng thẳng thương mại toàn cầu. Bởi bất kỳ quốc gia nào có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu. Việt Nam không phải ngoại lệ.
Ngoài ra theo các chuyên gia, việc giá cả hàng hóa leo thang, sức mua của người tiêu dùng suy giảm có thể sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc vào xuất khẩu và dòng vốn FDI.
Khi các quốc gia tăng thuế lẫn nhau, không chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu bị tác động, mà còn có nguy cơ xuất hiện thêm các biện pháp phi thuế quan khác.
Doanh nghiệp Việt lo bị "văng miểng"
"Các doanh nghiệp Việt Nam không nên vội mừng vì không nằm trong các quốc gia áp thêm thuế hoặc các mặt hàng bị đánh thuế chưa rơi vào nhóm xuất khẩu chủ lực.
Bởi lẽ sớm hay muộn, chiến lược mặc cả trong đàm phán thương mại của Mỹ sẽ nhắm đến các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn" - TS Nguyễn Quốc Việt, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận định.
Theo ông Việt, khi các biện pháp thuế quan và trừng phạt qua lại giữa các nền kinh tế lớn leo thang, giá cả hàng hóa sẽ tăng mạnh.
Doanh nghiệp sẽ buộc phải chuyển phần thuế này vào giá bán, khiến người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu chi phí cao hơn. Đã có những phân tích chỉ ra rằng mỗi người dân Mỹ sẽ chịu thêm một khoản chi phí không nhỏ do chính sách áp thuế.
Đây cũng có thể là lý do khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lo ngại lạm phát quay trở lại, buộc phải cân nhắc việc trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất.
Một điểm đáng lưu ý là chính quyền Mỹ, đặc biệt dưới thời Trump 2.0, có xu hướng sử dụng thuế suất như một công cụ mặc cả trong quan hệ thương mại. Bất kỳ quốc gia nào có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ đều có thể trở thành mục tiêu. Việt Nam không phải ngoại lệ.
Ông Hoàng Mạnh Cường, đồng sáng lập kiêm giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Vinaxo - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh trái cây sấy, nhận định rằng Trung Quốc và Mexico đang là hai đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Việt Nam trong ngành hàng này tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên thách thức không chỉ đến từ các quốc gia này mà còn từ chính những hoạt động thương mại ngay trên lãnh thổ Việt Nam.
"Một mối nguy tiềm ẩn lớn mà chúng ta phải đối mặt là việc các DN nước ngoài, đặc biệt là từ Ấn Độ và Trung Quốc đến Việt Nam mở nhà xưởng, thực hiện tạm nhập tái xuất hoặc đơn giản là đóng gói lại sản phẩm từ Trung Quốc rồi xuất sang Mỹ dưới nhãn mác "made in Vietnam" để né thuế. Nếu không kiểm soát chặt chẽ, điều này có thể ảnh hưởng ngành xuất khẩu", ông Cường cảnh báo.
Phải chủ động cải thiện nội lực
Một hệ quả tất yếu của căng thẳng thương mại là sự dịch chuyển sản xuất. Theo TS Nguyễn Quốc Việt, các doanh nghiệp Đông Bắc Á có thể chuyển một phần sản xuất sang Đông Nam Á để né thuế, từ đó làm gia tăng thâm hụt thương mại giữa các nước đó và Mỹ.
Nếu khoảng cách giữa xuất khẩu vào Mỹ và nhập khẩu từ Mỹ ngày càng lớn, Việt Nam có thể bị "soi kỹ" hơn.
Tuy nhiên, đây cũng có thể là một cơ hội chiến lược. Với vị thế là điểm đến hấp dẫn của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ đầu tư mạnh hơn vào thị trường nội địa.
Không chỉ nhằm khai thác thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp này còn có thể coi Việt Nam như một cửa ngõ để tiếp cận sâu hơn vào Đông Nam Á.
Nếu thu hút được những doanh nghiệp hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm hay giáo dục của Mỹ, Việt Nam có thể định vị mình là một trung tâm dịch vụ của khu vực.
Điều này không chỉ giúp cân bằng thương mại mà còn tạo ra động lực tăng trưởng mới.
"Việc cân bằng thương mại với Mỹ không thể diễn ra ngay lập tức với các nước trong khu vực. Nhưng nếu có những biện pháp khéo léo và mở cửa thị trường một cách phù hợp, đây có thể trở thành động lực và tạo ra không gian tăng trưởng mới mà Việt Nam đang hướng tới", TS Việt nhận định.
Nhưng để tận dụng cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng và giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng thương mại, theo các chuyên gia, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách môi trường kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đây sẽ là nền tảng giúp Việt Nam không chỉ thu hút đầu tư chất lượng, mà còn từng bước trở thành một trung tâm sản xuất và dịch vụ chiến lược trong khu vực.
Ông Hoàng Mạnh Cường đánh giá chính quyền Mỹ ngày càng quan tâm đến việc cân bằng cán cân thương mại và những thay đổi về chính sách có thể tác động mạnh đến ngành xuất khẩu.
"Các doanh nghiệp chỉ có thể làm tốt nhất phần việc của mình, nhưng để đảm bảo cân bằng cán cân thương mại, điều mà Tổng thống Trump quan tâm nhất, cần có sự điều chỉnh từ chính sách vĩ mô", ông Cường nói.
Việc các nước khác lợi dụng nhãn mác "made in Vietnam" để tái xuất không phải là câu chuyện mới.
Chính quyền Donald Trump trước đây từng đưa ra cảnh báo về vấn đề này. "Chúng tôi hy vọng Chính phủ năm nay sẽ có sự định hướng đúng đắn, kịp thời và hiệu quả để lèo lái ngành xuất khẩu, đặc biệt là thế mạnh của Việt Nam là nông sản, vươn mạnh để cạnh tranh", ông Cường nói.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Các tin khác
- Thái Lan khởi xướng rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế CBPG giá đối với mặt hàng thép các bon cán nguội từ Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan (05/02/2025)
- Trung Quốc áp thuế trả đũa Mỹ, thổi bùng thương chiến (05/02/2025)
- Phản ứng của thị trường toàn cầu sau đòn thuế quan của ông Trump (05/02/2025)
- Dự báo những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2025 (05/02/2025)
- Ngành dệt may Việt Nam: Mục tiêu 48 tỷ USD và thách thức xanh hóa (05/02/2025)