Chủ động chọn đối tác FTA
18/04/2011 12:00
Khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký và có hiệu lực, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các đối tác sẽ bền vững hơn, doanh nghiệp hai bên sẽ có thêm cơ hội hợp tác. Việt Nam cũng sẽ có thêm các luật lệ thương mại tốt để thu hút đầu tư.
Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hứa hẹn những lợi ích kinh tế, song cũng đặt ra nhiều thách thức. Theo ông Nguyễn Đình Hoàn, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế - Văn phòng Chính phủ, tham gia đàm phán FTA, không phải lúc nào chúng ta cũng đạt tới phương án tối đa. Có những vấn đề đất nước và nền kinh tế phải chấp nhận ở một mức độ nào đó. Nhưng trong đàm phán các FTA, cần xem xét phương án sàn là gì, phương án tối đa như thế nào? Các FTA phải dựa trên một số nguyên tắc cơ bản và mục tiêu là làm thế nào để thu hút vốn, công nghệ, mở cửa dịch vụ, nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp (DN) để tạo ra những sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tham gia các FTA, dường như các đối tác tận dụng được cơ hội còn ta thì không?
Đấy là vấn đề đặt ra. Hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế nâng cao được một bước về năng lực cạnh tranh nhưng chưa đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình hội nhập. Các hệ thống luật pháp, hệ thống chính sách theo yêu cầu hội nhập chưa hoàn thiện trong khi khả năng cạnh tranh của các sản phẩm còn yếu… Chúng ta cũng chưa có được Chiến lược đàm phán FTA, dù đã ký tới 6 FTA với các quốc gia và khu vực. Vấn đề của chúng ta hiện nay không phải là thị trường mà là chúng ta sẽ đưa cái gì ra thị trường, sản phẩm nào có thể nằm được trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Với chủ trương hội nhập toàn diện, theo ông, thời gian tới, chúng ta đã thực sự chủ động trong việc lựa chọn đối tác đàm phán các FTA?
Tôi cho là chưa. Các FTA được ký vẫn dựa trên cơ sở đề xuất, gợi ý của các nước, các khu vực. Trong cách tiếp cận, lâu nay chúng ta vẫn phụ thuộc vào các cuộc thăm cấp cao, hai bên đặt vấn đề nghiên cứu đàm phán FTA. Ở đây, có trách nhiệm của chúng tôi và những đơn vị xây dựng đề án viếng thăm của lãnh đạo cấp cao.
Vậy còn sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với các FTA?
Tham gia đàm phán các FTA, Chính phủ sẽ xác định các nguyên tắc thương mại, trong đó có các nguyên tắc về thuế quan và các ưu đãi. Đây là những vấn đề doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Trên thực tế, người thực hiện các FTA là doanh nghiệp và họ cũng chính là đối tượng hưởng lợi. Tuy nhiên, một FTA được ký cũng đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường. Doanh nghiệp sẽ thua ngay trên sân nhà nếu không tự nâng cao sức cạnh tranh.
Khi tham gia đàm phán các FTA mới, chúng ta cần làm gì?
Theo tôi, chúng ta cần chủ động tìm kiếm các đối tác có tiềm năng, khả năng đáp ứng cho chúng ta về vốn, kỹ thuật như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Khi đã xác định như vậy, chúng ta nên tập trung nguồn lực.
Mặt khác, việc kiện toàn tổ chức về tác kinh tế quốc tế là hết sức cần thiết. Vì vậy, các cơ quan liên quan cần coi đây là vấn đề cấp thiết, khẩn trương xây dựng một tổ chức phù hợp với giai đoạn mới, bối cảnh mới để sớm đề xuất vào nhiệm kỳ mới của Chính phủ và Quốc hội khóa XIII.
Trong năm nay, Việt Nam sẽ tham gia đàm phán FTA với Liên minh Châu Âu (EU), ông có nhận định gì?
Hiện chúng tôi chưa nhận được thông báo về phương án đàm phán với EU.Về mặt chính trị, năm ngoái, Thủ tướng đã chủ động đặt vấn đề khởi động đàm phán FTA với EU. Tôi cho rằng, chúng ta nên tập trung cho việc phán FTA với châu Âu. Thị trường có 500 triệu dân này có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa.
Tuy nhiên, đàm phán là một cuộc thương lượng, mặc cả và hai bên đều phải có lợi. Nếu chúng ta cứ sợ vấn đề này, vấn đề kia thì không bao giờ có thể tiến hành đàm phán được. Việt Nam là nước đang phát triển, được các đối tác dành ưu đãi nhất định. Điều này, được công nhận trong Hiệp định Đối tác và hợp tác giữa EU và Việt Nam (PCA). Trong đàm phán FTA cũng sẽ lấy cái đó làm một nguyên tắc trong đàm phán. Qua đó, xác định phương án sàn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)