Chưa nắm bắt hết cơ hội từ WTO
14/01/2010 08:31
Ông Ngô Quang Xuân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên phó đoàn đàm phán Chính phủ và Đại sứ VN tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho biết như trên sau 3 năm VN gia nhập WTO
* Phóng viên: Là người trực tiếp tham gia đàm phán nhiều năm, ông đánh giá thế nào về tác động sau 3 năm VN gia nhập WTO?
- Ông Ngô Quang Xuân: Vào WTO (VN gia nhập WTO ngày 11-1-2007), VN đã trưởng thành lên rất nhiều vì mình phải tự nâng mình lên theo “chuẩn” chung để đáp ứng yêu cầu của sân chơi thế giới, từ tư tưởng nhận thức đến hệ thống luật pháp... Chúng ta cũng đạt được những thành công nhất định trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, VN được đánh giá cao hơn trong con mắt của các đối tác nước ngoài. Đó là những mặt tích cực. Bên cạnh đó, chúng ta cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội và phải đối phó với khá nhiều rủi ro khi bước vào sân chơi chung toàn cầu.
* Trong quá trình đàm phán để gia nhập WTO, có lúc chúng ta phải sử dụng đòn cân não để giành được những lợi ích tốt nhất. Khi là thành viên của WTO, VN có tận dụng tốt những cơ hội đem lại như đã từng thành công trên bàn đàm phán?
- Tôi cho rằng chúng ra chưa tận dụng tốt các cơ hội lớn từ WTO do chưa có sự chuẩn bị tốt. Rõ nhất là thị trường xuất khẩu của VN được mở rộng nhưng lại chưa có những mặt hàng mũi nhọn để “mặc cả” với đối tác. Vì ta xuất khẩu chủ yếu là nguyên liệu, hàng gia công chứ chưa tạo được sự khác biệt bằng chất lượng, giá cả, chủng loại để không trùng lắp với hàng hóa của nhiều nước khác.
Tuy chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng sự chuẩn bị cho gia nhập WTO chưa được đầu tư xứng đáng cả về sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hóa, nền kinh tế và nguồn nhân lực. VN là thành viên thứ 150, như vậy có 149 thị trường mở cửa cho mình vào nhưng mức độ chiếm lĩnh chưa được bao nhiêu. Chẳng hạn, tại diễn đàn Quốc hội vừa thảo luận về Luật Trọng tài kinh tế cho thấy đội ngũ này của chúng ta còn thiếu và yếu. Hiện nay, nếu xảy ra một vụ kiện quốc tế đối với một loại hàng hóa, sản phẩm VN, nói thật là người ta chưa đủ tin tưởng để thuê trọng tài trong nước và mình cũng chưa đủ sức làm được. Các kỳ họp Quốc hội gần đây cũng đều cho rằng công tác dự báo của ta còn yếu nên các cơ chế cố vấn giúp Chính phủ và Nhà nước chưa thực sự hiệu quả và kịp thời. Bởi vậy, điều hành của chúng ta vẫn ở mức độ xử lý tình thế hơn là chủ động chiến lược. Vấn đề này về lâu dài rất nguy hiểm. Chính phủ đã nhận rõ điều này và trước mắt đề ra 5 nhóm giải pháp cho giai đoạn phát triển tới đây, trong đó đặt mục tiêu tiếp tục giữ ổn định vĩ mô.
* Ông có cho rằng bất ổn kinh tế vĩ mô cuối năm 2008, đầu năm 2009 vừa qua là tác động tiêu cực do VN vào WTO và đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới?
- Không hoàn toàn do WTO. Và tuy ta đã hội nhập nhưng cũng chưa sâu và rộng. Nếu là hội nhập sâu rộng thì thị trường tài chính, hệ thống ngân hàng, đồng tiền của mình phải gắn kết chặt với các nền kinh tế bên ngoài. Cũng vì chưa hội nhập mạnh mẽ nên ta không nằm trong “tâm bão”. Nhưng qua cuộc khủng hoảng vừa rồi cũng nhận thấy điểm yếu của kinh tế VN là phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chủ yếu từ những thị trường rất lớn đóng vai trò quyết định trong kinh tế thế giới mà như chúng ta đã chứng kiến các thị trường này trong khủng hoảng như thế nào. Do đó, thị trường xuất khẩu hàng hóa của VN đã bị co lại trước sức mua của các nền kinh tế bên ngoài bị giảm sút. Hơn nữa, sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp VN còn yếu, chưa đủ sức vươn ra bên ngoài hoặc hội nhập tốt hơn. Trước tình hình này, việc Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành phải có những biện pháp hữu hiệu nhằm khơi dậy thị trường nội địa, tạo sự cân bằng giữa thị trường bên trong và bên ngoài là một hướng rất đúng đắn.
* VN cần làm gì để biến thách thức thành cơ hội, giảm bớt những tác động tiêu cực trong thời gian tới. Vấn đề của VN khi gia nhập WTO tính đến thời điểm này là gì?
- Chúng ta chưa thực sự tham gia vào các nhóm đàm phán theo lợi ích chung. Ví dụ, trong WTO có nhóm các nước đang phát triển, nhóm các nước sản xuất nông nghiệp, nhóm các nước mới gia nhập... Trước đây, trong quá trình đàm phán, chúng tôi được sự chỉ đạo sát sao, cụ thể của Trung ương, Chính phủ và sự phối hợp với các bộ, ngành rất chặt chẽ, kịp thời. Nhưng sau khi đàm phán gia nhập WTO xong, bộ máy cơ chế này hầu như không còn và sự chỉ đạo thực hiện cam kết WTO trở nên rời rạc.
Càng hội nhập, càng thấy có những rủi ro phải đối phó. Hàng rào kỹ thuật của chúng ta không đủ mạnh để hỗ trợ cho sản xuất trong nước. Cũng do nhận thức chưa đầy đủ nên chính sách không rõ ràng, không đồng bộ, tổ chức thực hiện không chặt chẽ, dễ gây ra thiệt hại cho kinh tế. Các nghị quyết của Quốc hội đã nói nhiều về vấn đề này, hy vọng sau 3 năm gia nhập, chúng ta sẽ nghiêm túc rà soát để chấn chỉnh lại. Mặt khác, vấn đề ưu tiên là chúng ta cần tiếp tục chuẩn bị cho kịp các nguồn lực tiếp theo, đặc biệt là nguồn nhân lực cho giai đoạn phát triển hậu khủng hoảng. Làm được như vậy, những kết quả đạt được từ thực hiện cam kết và khai thác các tiềm năng do WTO mang lại trong thời gian tới sẽ bền vững hơn.
Cần phải có chính sách nhất quán
Theo ông Ngô Quang Xuân, VN đã mở cửa thị trường tài chính và sắp tới sẽ phải mở cửa rộng hơn theo lộ trình cam kết. Khi nhà đầu tư tài chính nước ngoài ào vào nhanh và mạnh mẽ, thị trường tài chính VN có thể phải đối mặt với nhiều rủi ro mới. Phải lường trước được khả năng này để đối phó tốt nhất. Chúng ta cần phải có chính sách nhất quán, cần phải gắn bó chặt chẽ thị trường tài chính với thị trường tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ thành một hệ thống thống nhất, không tách rời.
Nguồn: Báo Người lao động
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)