Cơ hội lớn cho phát triển kinh tế các nước trên Tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây
28/06/2009 12:00
Tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) dài 1.450km, qua 13 tỉnh, thành phố của 4 quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Bắt đầu từ cảng Mawlamge Bang Mon (Myanmar) đến điểm cuối cùng là cảng Đà Nẵng (Việt Nam).
Đây là tuyến xuyên Á ngắn nhất, thuận lợi nhất nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, thế nhưng trong nhiều năm qua tuyến đường kinh tế này vẫn còn nhiều ách tắc do thủ tục hải quan, chính sách biên giới... Nhưng quan trọng nhất là sự khác biệt trong Luật Giao thông đường bộ giữa các nước trong khu vực. Điều đó sẽ được”phá dỡ” vào ngày 1/7/2009 này.
Ông Nguyễn Thành Vượng- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Bộ Văn Hoá- Thể thao- Du lịch cho biết, theo thống kê, cứ 5 khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thì một đến bằng đường bộ, do đó việc cho phép ô tô tay lái bên phải (thường gọi là tay lái nghịch) vào Việt Nam và ngược lại bắt đầu từ ngày 1/7/2009 có ý nghĩa rất lớn, không những trong lĩnh vực du lịch mà cả việc vận tải hàng hoá. Để đạt được điều này, đã có nhiều cuộc tranh luận pháp lý nhiều năm nay của chuyên viên các nước trong khối Asean. Tuy đạt được sự đồng thuận cách đây 3 năm nhưng phải đến hôm nay mới có hiệu lực. Điều đó phù hợp với thoả thuận Asean, thông lệ quốc tế!
Ngày 12/6 vừa qua, chuyến vận tải khách bằng xe tay lái bên phải thử nghiệm đầu tiên từ Thái Lan đã qua Lào vào Việt Nam ở cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) không cần xe cảnh sát dẫn đường đã thông xe thành công. Đáng quan tâm hơn, nội dung hiệp định còn cho phép áp dụng cơ chế kiểm tra nhanh tại cửa khẩu đối với các xe chở hàng. Cụ thể, xe chở hàng không cần phải bốc dỡ hàng xuống để kiểm tra khi quá cảnh, giúp giảm đáng kể thời gian cũng như chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp 3 nước.
Ông Sekson Yongvanit (Trung tâm Nghiên cứu du lịch vùng sông Mêkông - Thái Lan) cho rằng, chỉ riêng về du lịch, quyết định này giúp Việt Nam hưởng lợi lớn, nhất là các tỉnh miền Trung- nơi có đến 5 di sản văn hoá, thiên nhiên của Việt Nam được tổ chức quốc tế công nhận. Lợi thế chiều dài bờ biển đẹp, nhiều bãi tắm tốt của miền Trung và Quảng Trị - tỉnh đầu cầu xuyên Á phía Việt Nam - là cả một sức hấp dẫn, lôi cuốn du khách rất lớn! Còn về vận tải hàng hoá, lâu nay các doanh nghiệp vùng Đông - Bắc Thái Lan phải vận chuyển hàng đến cảng BangKok hoặc cảng LaemChabang xấp xỉ 850 km, trong khi đến cảng Việt Nam giảm hơn 1/3 đoạn đường, chỉ xấp xỉ 500 km.
Để đón đầu sự kiện này, nhiều năm nay, các nước trong khu vực, nhất là ba nước Việt Nam- Lào- Thái lan đã có những động thái tích cực thúc đẩy cải cách các chính sách xuất nhập cảnh qua biên giới như miễn visa cho khách đi du lịch lẫn nhau trong 30 ngày- Hiệp định giao thông xuyên biên giới của các nước tiểu vùng sông Mêkông cũng như hiệp định giao thông đường bộ song phương giữa Lào và Thái Lan, Lào và Việt Nam. Thực hiện kiểm dịch hải quan một cửa theo thỏa thuận giữa các nước GMS (Tiểu vùng sông Mê Kông) đang được áp dụng thí điểm tại Dansavanh (Lào) và Lao Bảo (Việt Nam).
Ông Nguyễn Văn Dùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã đưa ra những con số khá phấn chấn: Các quốc gia có hành lang kinh tế Đông - Tây đi qua đã đón trung bình 15 triệu lượt khách quốc tế/năm. So với năm 1998, đến nay, khách quốc tế đến 4 nước Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam đã tăng gấp đôi; tốc độ tăng trưởng luôn ở mức 2 con số trên dưới 20%/năm. Chỉ riêng cửa khẩu đường bộ Lao Bảo năm 2006 có 188.044 lượt khách xuất nhập cảnh thì năm 2007 tăng lên 262.550 lượt người, trong đó 50% là nhập cảnh và 4 tháng đầu năm 2009 đã có 71.358 lượt khách xuất nhập cảnh. Ông Dùng cho biết thêm, hiện nay Cầu Hữu Nghị III nối Nakhonphanom (Thái lan) với Khăm Muộn (Lào) đang xây dựng. Khi cầu này hoàn thành đưa vào sử dụng chắc chắn lượng khách và hàng hoá xuất nhập cảnh vào nước ta sẽ còn tăng trưởng mạnh. Theo dự báo, lượng khách du lịch quốc tế đến các quốc gia trên EWEC đến năm 2010 là 27 triệu lượt, năm 2020 là 55 triệu lượt. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên (Việt Nam) đến năm 2010 là 2,5 triệu lượt khách quốc tế và 10 triệu lượt khách du lịch nội địa, đến năm 2020 các chỉ tiêu này tăng lên gấp đôi.
Tuy vậy, vận chuyển đường bộ trên tuyến EWEC này vẫn chưa phải là hoàn toàn thuận lợi. Ông Nguyễn Thành Vượng cho biết thêm, cuối tháng 7/2009 sẽ có một hội nghị giữa 3 nước tìm tiếng nói chung về phương thức khai thác tuyến vận tải đường bộ này làm sao cho tất cả đều hưởng lợi. Trong đó có 3 vấn đề sẽ được đặt lên bàn nghị sự: Một là, thống nhất giờ làm việc của Hải quan các cửa khẩu, không thể để tình trạng đóng, mở cửa khẩu lệch pha như hiện nay. Hai là, kiểm tra người và phương tiện qua mạng nhằm rút ngắn thời gian. Ba là, thống nhất lộ trình tuyến du lịch của 3 nước vào cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) ra cửa khẩu đường 8 (Hà Tĩnh) lên Viêng Chăn (Lào) và kết thúc ở Thái Lan qua cửa khẩu Nọng Khai, tránh trường hợp chỉ “mượn đường” qua Lào.
Mới đây, tại Cửa Lò- Nghệ An, phát biểu tại cuộc họp du lịch biển đảo miền Trung (ngày 2/6), vị Chủ tịch Hiệp hội Du lịch vùng Đông Bắc Thái Lan cho biết, người Thái Lan có thói quen thích tự lái, việc cho phép ô tô Thái Lan vào Việt Nam là cơ hội cho doanh nghiệp Thái, Việt kiều Thái Lan về Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tốc độ bị khống chế, từ Nakhonphanom (Thái Lan) về thành phố Vinh (Việt Nam) chỉ 350 km nhưng chạy mất cả ngày làm khách mệt mỏi. Chưa nói đến trên tuyến còn thiếu trạm dừng chân, bảo dưỡng xe, thủ tục hải quan lâu lắc chiếm quá nhiều thời gian, nhiều loại phí ở cửa khẩu cũng làm du khách nản lòng…
Hy vọng, cùng với sự “phá dỡ” về rào cản vận chuyển đường bộ, sắp tới, những rào cản khác cùng sẽ được cải thiện, lúc đó con đường xuyên Á này sẽ chứng minh được hiệu quả của nó, đúng là một Hành lang kinh tế Đông- Tây.
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)