Cỗ máy xuất khẩu tìm trợ lực mới

12/01/2024 01:49 - 4 lượt xem

Dù tiếp tục xuất siêu nhưng cỗ máy xuất khẩu đang giảm tốc cho thấy xuất khẩu cần thay đổi tư duy để không bị tụt lại trong cuộc chơi mới.


Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với thặng dư ước đạt 26 tỉ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022. Ảnh: Quý Hòa

 

Dù tiếp tục xuất siêu nhưng cỗ máy xuất khẩu đang giảm tốc cho thấy xuất khẩu cần thay đổi tư duy để không bị tụt lại trong cuộc chơi mới.

 

Dù xuất khẩu lỗi hẹn mục tiêu tăng trưởng 6% nhưng  tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỉ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỉ USD, nhập khẩu 328,5 tỉ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với thặng dư ước đạt 26 tỉ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022. Có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD (11 tháng), trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 66% tổng kim ngạch.

 

Chủ lực xuất khẩu trước nguy cơ bị qua mặt

 

“Thặng dư thương mại tuy đạt kỷ lục 26 tỉ USD nhưng xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu”, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nói.

 

Bên cạnh đó, chất lượng xuất khẩu còn nhiều vấn đề, như mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Khu vực sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên phụ liệu của Việt Nam từ hầu hết các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

 

Hiện tại, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ đứng ở vị trí thứ 4, thứ 5 và thứ 6 trong các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, 3 mặt hàng này xuất khẩu 37,496 tỉ USD, 23,932 tỉ USD và 15,857 tỉ USD, tăng tương ứng 14,5%, 34,8% và hơn 7%. Tuy nhiên, trong 11 tháng năm 2023, các mặt hàng trên mới xuất khẩu được 28,961 tỉ USD, 17,36 tỉ USD và 11,487 tỉ USD, giảm tương ứng 12,7%, 17,7% và 18,4%.

 

Sự sụt giảm này có một phần là do thương mại thế giới các mặt hàng này suy giảm, nhưng quan trọng hơn là Việt Nam đã bị các đối thủ chiếm lĩnh thị phần. Sau dệt may đã bị Bangladesh soán ngôi, những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gỗ, da giày cũng có nguy cơ bị vượt qua. Hiện nay, các đối thủ xuất khẩu như doanh nghiệp của Bangladesh, Indonesia, Philippines, Pakistan, Ấn Độ... có lợi thế hơn khi chi phí sản xuất rẻ hơn. Chẳng hạn, chi phí tiền lương công nhân may mặc của Việt Nam đang ở ngưỡng 300 USD/người/tháng, cao hơn nhiều so với Bangladesh (95 USD/người/tháng).

 

Việt Nam có lợi thế là đã ký kết và thực thi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) nhưng chưa khai thác được bao nhiêu. Bởi vì nguyên liệu để sản xuất ra hàng dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ chủ yếu vẫn phải nhập khẩu, chủ yếu từ những nước không nằm trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết, nên không được hưởng ưu đãi về thuế quan do không đáp ứng được quy tắc xuất xứ.

 

Nhập cuộc luật chơi mới

 

Kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng chậm, tổng cầu sụt giảm khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên thế giới ngày càng cạnh tranh hơn. Có thể thấy, Việt Nam phải chuẩn bị cho giai đoạn không thể cạnh tranh bằng lương nhân công giá rẻ, mà cạnh tranh bằng cách đáp ứng quy trình sản xuất của nhà nhập khẩu, như giảm phát thải carbon, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...

 

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Việt Nam đã ký FTA với 53 quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Do vậy, thiếu đi chiến lược bài bản trong chuyển đổi xanh, dệt may sẽ dần làm mất đi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành.

 

Nhưng vấn đề là hiện hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thiếu vốn đầu tư chuyển đổi sản xuất xanh. Chưa kể, ngành dệt may sẽ đối diện với hàng loạt khó khăn trong thời gian tới như áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”; Đạo luật chống lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA) cho ngành sợi... Đây là bài toán khó khi sang năm 2024, ngành dệt may Việt Nam vẫn quyết tâm đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỉ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.

 

Tương tự, theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP.HCM, một trong những thách thức đối với ngành công nghiệp gỗ hiện nay là bảo đảm mục tiêu bền vững môi trường trong nước và cam kết quốc tế của Việt Nam. Chẳng hạn, thị trường Nhật yêu cầu sản phẩm gỗ khi xuất sang thị trường này phải có chứng chỉ bền vững. Thị trường Đức yêu cầu cung cấp các chứng nhận liên quan đến nguồn gốc sản phẩm, tình trạng sử dụng lao động, tiền lương, xử lý chất thải...

 

Thời gian tới, chỉ có sản phẩm xanh, sản phẩm không gây mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất mới đủ điều kiện để xuất khẩu vào thị trường khó tính. Vì vậy, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ bắt buộc phải khắc phục các điểm khó để chuyển đổi xanh nếu muốn tồn tại trên thị trường. Dù quan trọng như vậy nhưng vẫn còn doanh nghiệp chưa nhận ra tầm quan trọng của các tiêu chí xanh nên còn chậm chuyển đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Trong khi đó, theo Viforest, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,5-2 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ từ các nước nhiệt đới, có rủi ro về pháp lý. Con số này đã tăng lên 40% trong tổng sản lượng gỗ nhập khẩu của ngành.

 

Ba thập niên qua, xuất khẩu đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Quy mô xuất khẩu tăng từ 96,91 tỉ USD năm 2011 lên 336,31 tỉ USD năm 2021, tăng hơn 3,46 lần, giúp Việt Nam có mặt trong bản đồ xuất nhập khẩu thế giới. Tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong GDP năm 2021 chiếm 92% (năm 2011 là 72,7%). Tuy nhiên, động lực tăng trưởng của xuất khẩu đang chững lại vì những rào cản về lao động giá rẻ, tài nguyên đang bị bào mòn.

 

Nhiều mặt hàng như cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, đồ gỗ... vào nhóm xuất khẩu trên tỉ USD, nhưng tăng trưởng lại chủ yếu nhờ tăng quy mô, sản lượng; nhiều sản phẩm vẫn xuất thô, nhất là cà phê. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU đang tập trung phần lớn vào một số ngành hàng tiêu biểu như cà phê, hạt điều. Điều này sẽ là rủi ro nếu người tiêu dùng EU thay đổi thói quen tiêu dùng, như giảm uống cà phê sẽ ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

 

Bên cạnh đó, tính chất quy mô nhỏ, manh mún của nông nghiệp Việt Nam gây khó khăn cho đầu tư vào kiểm soát chất lượng, tiếp cận thị trường và các lĩnh vực quan trọng khác. Vì vậy, theo ông Ywert Visser, thành viên Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng Thủy sản EuroCham, để khắc phục những thách thức trên, gia tăng thị phần nông sản Việt Nam tại EU, doanh nghiệp cần có chứng chỉ đảm bảo như GLOBAL GAP để vào các siêu thị EU, cùng đó là đạt được các tiêu chuẩn xã hội như GRASP, SMETA.

 

Vì vậy, xúc tiến xuất khẩu xanh sẽ là chủ đề của các chương trình xúc tiến thương mại trong thời gian tới, vừa đảm bảo mục tiêu xuất khẩu, vừa gia tăng giá trị xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Chiến lược này phù hợp với định hướng tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, hài hòa mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng, ổn định xã hội, bảo vệ tốt môi trường.

 

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho biết: “Song song với việc nâng cao năng lực để đáp ứng những tiêu chuẩn mới thì các bộ, ngành liên quan sẽ phải nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đưa ra những tiêu chuẩn, quy định về chuyển đổi xanh, thế nào là xanh đối với từng lĩnh vực cụ thể, thế nào là Bộ chỉ số về chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại”. Chính phủ cần có những trợ lực nhất định đặc biệt trong giai đoạn đầu khi thực hiện các quy định bắt buộc về kiểm kê phát thải nhà kính. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có các cơ chế khuyến khích, các ưu đãi về thuế với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo phương thức carbon thấp, quản lý chuỗi cung ứng một cách bền vững thông qua các chứng chỉ carbon, ESG; thúc đẩy phát triển ngành sản xuất bao bì thực phẩm xanh, thân thiện với môi trường...

 

Đã đến lúc cần phải thay đổi toàn diện ở cả quy trình sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường của mọi loại hình doanh nghiệp xuất khẩu, đến các chính sách hỗ trợ trực tiếp từ phía Chính phủ trong chuyển đổi xanh. Với Việt Nam, tăng trưởng xanh không chỉ là lựa chọn tất yếu mà còn là cơ hội để bắt kịp xu thế phát triển của thế giới.

 

Nguồn: Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư

Quảng cáo sản phẩm