Cốt-đi-voa - Thị trường tiềm năng cho hàng hoá Việt

18/01/2010 12:07 - 857 lượt xem

Năm 2008, trao đổi thương mại song phương giữa Cốt-đi-voa và Việt Nam đã tăng gấp đôi năm 2007, đạt 187,4 triệu USD trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Cốt-đi-voa 85,6 triệu USD hàng hoá các loại và nhập khẩu 101,5 triệu USD. Trong 11 tháng đầu năm 2009, trao đổi giữa hai nước đã đạt 203 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 137 triệu USD và nhập khẩu đạt 66 triệu USD.

Đôi nét về tình hình kinh tế Cốt-đi-voa

Cộng hoà Cốt-đi-voa (hay Bờ Biển Ngà) nằm ở khu vực Tây Phi, giữa Ga-na, Li-bê-ri-a, Ghi-nê, Mali, Buốc-ki-na Pha-xô, phía Bắc giáp Đại Tây Dương. Với diện tích 322.460 km2, Cốt-đi-voa có dân số là 18,5 triệu người, thủ đô là Yamoussoukro, nhưng thành phố Abidjan mới là trung tâm kinh tế. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức, đơn vị tiền tệ là đồng Franc CFA (FCFA).

Kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị vào tháng 9/2002, kinh tế Cốt-đi-voa đã đi xuống do bị cắt giảm phần lớn viện trợ từ bên ngoài (trừ viện trợ nhân đạo) dẫn đến nợ trong nước và nước ngoài tăng, lượng vốn FDI sụt giảm. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2007 đã góp phần phục hồi nền kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng là 1,7% năm 2007 và 2,3% năm 2008. GDP bình quân đầu người là 1100 USD. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài như điều kiện khí hậu và giá nguyên liệu trên thị trường quốc tế.

Hoạt động kinh tế của Cốt-đi-voa đã chống chọi khá tốt với cuộc khủng hoảng kinh tế thời gian qua. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng gần 16% năm 2009, song lạm phát vẫn giữ ở mức 3%. Tỷ lệ tăng trưởng GDP ước đạt 3,7% năm 2009 và dự kiến 4,2% năm 2010.

Kinh tế Cốt-đi-voa chủ yếu dựa vào nông nghiệp, lĩnh vực đóng góp gần 1/4 GDP và sử dụng 2/3 số dân lao động của cả nước. Cốt-đi-voa là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt ca cao, cà phê và dầu cọ lớn nhất thế giới. Sản xuất cao su cũng tăng liên tục trong những năm qua. Lĩnh vực sản xuất dầu lửa và khí đốt bắt đầu chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân với tỷ lệ tăng trưởng là 1,2% vào năm 2008. Ngoài ra còn có một số hoạt động khai thác khác như vàng, kim cương, nicken.

Lĩnh vực công nghiệp đóng góp 25% vào GDP. Các ngành công nghiệp chính gồm chế biến thực phẩm, dệt may, vật liệu xây dựng, phân bón, đóng hộp cá ngừ và lắp ráp ôtô, xe đạp, xe máy.

Lĩnh vực dịch vụ có mức tăng trưởng nhanh, đạt 3,1% năm 2009, đóng góp gần 50% GDP. Hiện nay, ngành viễn thông đang có sự phát triển mạnh mẽ.

Về ngoại thương, Cốt-đi-voa là trung tâm của các hoạt động thương mại tại khu vực Tây Phi. Nước này là thành viên của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) gồm 8 quốc gia áp dụng một biểu thuế đối ngoại chung (TEC). Cốt-đi-voa cũng tham gia Khu vực đồng Franc và ký Hiệp định đối tác kinh tế theo giai đoạn (APE) với Liên minh châu Âu vào tháng 11/2008 nhằm duy trì hệ thống ưu đãi thương mại giữa EU và nước này. Cốt-đi-voa mở cửa thị trường rộng rãi với các nước láng giềng và giữ vai trò là trung tâm nhờ có cảng trung chuyển quốc tế Abidjan.

Ba khách hàng chính của Cốt-đi-voa là Đức, Ni-giê-ri-a và Hà Lan. Năm 2008, Cốt-đi-voa xuất khẩu 7,7 tỷ USD, chủ yếu là ca cao (chiếm 40% thu xuất khẩu), nhiên liệu khoáng sản và dầu lửa, xe hơi, gỗ, hạt điều, bông, tàu thuyền. Ba nước cung cấp chính của Cốt-đi-voa là Pháp, Ni-giê-ri-a và Trung Quốc. Năm 2008, tổng giá trị nhập khẩu của nước này đạt 5,3 tỷ USD với các mặt hàng chính gồm có xăng dầu, máy móc thiết bị và lương thực. Theo điều tra của FAO, Cốt-đi-voa là nước tiêu thụ gạo lớn trên thế giới. Nhu cầu về gạo đã tăng gấp ba lần từ 300.000 tấn năm 1990 lên 750 nghìn tấn năm 2003 và lên tới 900.000 tấn năm 2006. Ước tính mỗi người dân tiêu thụ khoảng 60 kg/người/năm trong khi sản xuất trong nước chỉ đạt 20-30.000 tấn/năm.

Mặc dù trải qua gần 1 thập kỷ bất ổn chính trị nhưng Cốt-đi-voa vẫn là một nền kinh tế hàng đầu khu vực Tây Phi. Nước này tiếp tục duy trì vai trò là nhà cung cấp chính cho các nước láng giềng như Ghi-nê, Mali, Buốc-ki-na Pha-xô v.v… Cảng Abidjan và tuyến đường sắt nối TP Abidjan (Cốt-đi-voa) với thủ đô Ouagadouro (Buốc-ki-na Pha-xô) tiếp tục là con đường xuất nhập cảnh ưu tiên, nhất là đối với những nước không có biển nằm sâu trong lục địa.

Đầu năm 2010, với việc Ngân hàng thế giới (WB) và một số tổ chức đa phương cam kết giảm nợ và cho vay thêm các khoản tín dụng cho nước này, cùng với những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế thế giới, dự báo kinh tế Cốt-đi-voa sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Cốt-đi-voa

Việt Nam và Cốt-đi-voa thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 6/10/1975 nhưng hai bên còn chưa lập đại sứ quán hay lãnh sự quán.

Nhận thấy đây là một thị trường có nhiều tiềm năng xuất nhập khẩu, tháng 06/2008, Bộ Công Thương Việt Nam đã tổ chức đoàn giao thương và xúc tiến thương mại tại Cốt-đi-voa do Thứ trưởng Lê Dương Quang dẫn đầu. Trong thành phần đoàn, ngoài các cán bộ của Bộ Công Thương còn có 12 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nông sản, dệt may, sản phẩm gỗ, cơ khí, dược phẩm, đồ nhựa, giấy in, xe đạp, xe máy v.v… Đầu tháng 9/2009, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cũng đã tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 4 do Liên hiệp hội Điều châu Phi (gọi tắt là ACA) tổ chức tại thành phố cảng Abidjan của Cốt-đi-voa.

Về quan hệ thương mại, trong những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đã không ngừng tăng cao. Cụ thể, năm 2008, trao đổi thương mại song phương đã tăng gấp đôi năm 2007, đạt 187,4 triệu USD trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Cốt-đi-voa 85,6 triệu USD hàng hoá các loại và nhập khẩu 101,5 triệu USD. Các sản phẩm mà Việt Nam bán sang thị trường này gồm có gạo (75,4 triệu USD), sắt thép (4,7 triệu USD), chất dẻo nguyên liệu (1,5 triệu USD), sản phẩm cao su (1,3 triệu), hàng dệt may (1,2 triệu), săm lốp ôtô, xe đạp, xe máy (1 triệu) v.v… Đồng thời, Việt Nam mua từ Cốt-đi-voa chủ yếu là hạt điều (73,2 triệu USD), gỗ và sản phẩm gỗ (11,8 triệu), bông các loại (11,2 triệu USD), sắt thép phế liệu (3,8 triệu USD) v.v… Còn trong 11 tháng đầu năm 2009, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi giữa hai nước đã đạt 203 triệu USD trong đó Việt Nam xuất khẩu 137 triệu USD và nhập khẩu 66 triệu USD hàng hoá các loại.

Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc

 

Quảng cáo sản phẩm