“Cuộc chiến” cá basa Việt Nam ở Italia

17/05/2009 12:00 - 1145 lượt xem


Theo TTXVN tại Rôma, trong khi báo chí Italia khẳng định nhiều nhà phân phối cá basa ở nước này đã gian lận, khi bán cá basa với tên gọi của các loại các khác có giá trị lợi nhuận cao hơn nhằm kiếm tiền.
 
Ông Carlo Petrini, nhà sáng lập tổ chức Slow Food, đã tổ chức hội chợ Slow Food để bảo vệ cá Italia trước sự xâm nhập ngày càng mạnh của một loại cá đến từ Việt Nam với một lợi thế cạnh tranh hết sức lớn với cá địa phương là giá cả.

Một cách rất logic, Slow Food xuất hiện và tìm cách bảo vệ nghề cá cũng như truyền thống ăn uống của người Italia bằng cách nâng cao những giá trị của thủy hải sản Địa Trung Hải –Italia có ba mặt giáp biển nhưng lại phải nhập 70% nhu cầu cá tiêu thu từ nước ngoài – và còn nhằm hạ thấp giá trị của các thủy hải sản nhập từ nước ngoài. Cá basa ở trở thành nạn nhân của một chiến dịch tuyên truyền sâu rộng có chủ đích nhắm vào các sản phẩm mà Slow Food cho rằng “nó có hại cho thói quen tiêu dùng của người Italia”, trong khi loại cá này đã thâm nhập vào hơn 130 thị trường trên thế giới và đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh sản phẩm. Tại Slow Fish, Petrini tiếp tục công kích cá basa trên truyền hình Italia. Ở một quầy cá đặt ở nơi thu hút sự chú ý của quần chúng, nhằm khuyến khích người tiêu dùng ăn các loại cá có ích cho sức khỏe, có một tấm bảng bằng giấy với dòng chữ lớn: “Không bán cá basa”. Đại diện của Slow Food giải thích rằng, đó không phải là phân biệt đối xử với cá basa, mà chỉ để “bảo vệ sức khỏe của người dân”!

Các chuyên gia Italia cho rằng, cá basa cần được đối xử một cách hợp lý hơn. Ông Massimo Bernacchini thuộc Công ty khai thác hồ cá Orbetello nhận xét, cần phải có thái độ xem xét kỹ càng đối với vấn đề cá basa và câu trả lời với cá basa phụ thuộc vào thị trường, với việc ngày càng nhiều người Italia mua cá này. Đại diện Sở Nông nghiệp vùng Piemonte, ông Gianfranco Corgiat Loia, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sức khỏe trong ăn uống là cần thiết, nhưng tẩy chay cá basa là không nên. Ông lấy ví dụ, nếu người Italia nói cá basa có nhiều acid béo gây đau tim, thì tại sao không lên án các sản phẩm đang tràn ngập thị trường Italia như bánh mì kẹp thịt kiểu Mỹ?

Cho đến nay, một trong những luận điểm chính của Slow Food là cá basa được nuôi ở sông Mê Công bị ô nhiễm nặng. Việt Nam chưa có bất cứ thông tin phản bác hoặc giải thích nào về tình trạng ô nhiễm dòng sông này.

Theo ông Trần Thanh Hải, Tham tán thương mại Việt Nam ở Italia, việc giải quyết vấn đề cá basa đòi hỏi sự tiếp cận với nhiều giới khác nhau ở Italia từ cấp chính phủ, các nhà khoa học, kinh doanh và báo chí cũng như người tiêu dùng. Trước mắt, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cần chuẩn bị một bộ công cụ truyền thông chuyên biệt bao gồm các hình thức khác nhau (sách, phim, tờ rơi, báo cáo, báo cáo tóm tắt…) để truyền tải nội dung thích hợp đến các đối tượng trên, không chỉ ở Italia mà còn cho tất cả các nơi khác nhập khẩu cá basa. Theo ông Hải, trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Italia sẽ tiếp tục trao đổi với Slow Food để làm rõ quan điểm về cá basa. Dự kiến, Thương vụ sẽ mời ông Petrini thăm Việt Nam để Slow Food hiểu hơn về quá trình nuôi cá basa ở Việt Nam.

Nguồn: Báo công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm