Cuộc đua xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ngày càng khốc liệt, Việt Nam không nên gò ép số lượng

17/03/2023 04:09 - 140 lượt xem

Cuộc đua xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc ngày càng khốc liệt khi Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia... cùng tham gia. Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt không nên gò ép về số lượng, mà phải ưu tiên số 1 cho chất lượng và thương hiệu.

 

Cuộc chạy đua xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

 

Sầu riêng vốn là loại trái cây kén người ăn và có giá cao, tuy nhiên loại quả này lại được người tiêu dùng Trung Quốc đón nhận nồng nhiệt, coi sầu riêng là “vua” của các loại trái cây.

 

Cơn sốt sầu riêng càng trở nên nóng hơn sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, giúp Trung Quốc dễ dàng nhập khẩu trái cây tươi từ các quốc gia Đông Nam Á, tờ SCMP thông tin.

 

Theo số liệu thống kê của trang Produce Report, năm 2022 Trung Quốc chi khoảng 14,6 tỷ USD cho nhập khẩu trái cây, tăng 8% so với năm 2021. Trong đó, nhập khẩu sầu riêng chiếm gần 30%, tương đương 4 tỷ USD. Hiện, Thái Lan đang là nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc với 3,85 tỷ USD, chiếm khoảng 96% kim ngạch nhập khẩu.

 

Ngay sau khi sầu riêng Việt Nam được cấp “visa” vào Trung Quốc vào tháng 7/2022, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã đạt 190 triệu USD trong năm 2022, thị phần của sầu riêng Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

 

Không riêng Thái Lan hay Việt Nam, một số thủ phủ sầu riêng khác như Malaysia, Philippines, Campuchia,… cũng đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu vào Trung Quốc.

 

Hãng thông tấn xã của Philippines cho biết ngày 4/1/2023, Bộ Nông nghiệp Philippines và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc. Có ít nhất 4 doanh nghiệp Trung Quốc đã cam kết mua sầu riêng của Philippines trong năm 2023 với giá trị lên tới 260 triệu USD.

 

Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết nước này chuẩn bị khoảng 7.500 tấn sầu riêng để xuất khẩu sang Trung Quốc, nguồn cung chủ yếu từ 59 trang trại và hộ nông dân tại thành phố Davao và các tỉnh Davao del Sur, Bắc Cotabato với tổng diện tích sầu riêng khoảng 400 ha. Sự mở cửa của thị trường 1,4 tỷ dân là cơ hội cho ngành nông nghiệp Philippines hồi phục sau đại dịch.

 

Một thông tin khác được chú ý trên thị trường rau quả Đông Nam Á gần đây là tập đoàn nông nghiệp PLS Plantainon (Malaysia) và MYFARM Inc (Nhật Bản) đã hợp tác thành lập liên doanh trồng 1.000 ha sầu riêng.

 

Giá trị của thương vụ hợp này này lên tới 429 triệu ringgit (tương đương 95 triệu USD), đây được xem là khoản đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực trồng sầu riêng ở Malaysia cho đến thời điểm này.

 

Theo đó, MYFARM là tập đoàn công nghệ nông nghiệp của Nhật Bản chuyên tái tạo đất nông nghiệp và kinh doanh nông sản, hạt giống, đào tạo và chuyển giao công nghệ, trong khi đó tập đoàn PLS Plantation đang sở hữu và quản lý nhiều đồn điền lớn nhất Malaysia. Sự “bắt tay” của hai ông lớn trong ngành nông nghiệp được kỳ vọng sẽ đưa sầu riêng Malaysia lên nấc thang mới.

 

Chiến lược cạnh tranh của các đối thủ

 

Ở một thị trường hấp dẫn nhưng cũng đầy cạnh tranh như Trung Quốc, mỗi quốc gia sẽ có chiến lược để giữ thị phần cho riêng mình.

 

Trao đổi với người viết, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết khi ngôi vương về sầu riêng bị đe dọa, Thái Lan kiểm tra gắt gao hơn với những lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc về cả chất lượng, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… không để sản phẩm kém chất lượng ảnh hưởng đến uy tín của sầu riêng Thái Lan.

 

Nước này cũng khuyến cáo và hướng dẫn người dân thu hoạch sầu riêng đúng thời điểm để làm sao khi đến tay người tiêu dùng Trung Quốc quả sẽ chín mềm, dậy mùi, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

 

“Những ai cắt sầu riêng non quá sẽ bị phạt, thậm chí truy tố trách nhiệm hình sự. Họ làm rất gắt để bảo vệ thương hiệu sầu riêng Thái Lan”, ông Nguyên nói.

 

Ngoài việc nâng cao chất lượng, phương thức vận chuyển sầu riêng sang Trung Quốc cũng là yếu tố Thái Lan đang chú trọng. Thái Lan đang tính đến việc vận chuyển sầu riêng bằng đường sắt, mỗi chuyến tàu hoả có thể chở 50-100 container sầu riêng sang Trung Quốc, điều này có thể giúp nước này cạnh tranh với Việt Nam về thời gian vận chuyển.

 

Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, sầu riêng của Thái Lan thua Việt Nam ở việc không rải mùa được và quãng đường vận chuyển xa hơn. Tuy nhiên, họ đang chủ động tăng độ khô tối thiểu của cơm sầu phải đạt 35% thay vì 32%, nâng cao chất lượng chính là cách “ra đòn, phản ứng nhanh” trong cuộc đua với sầu riêng Việt Nam.

 

“Người Thái đã đưa ra tiêu chuẩn để cạnh tranh với sầu riêng của Việt Nam. Họ không xuống giá, không tặng quà cho ai mua sầu riêng, mà họ cạnh tranh bằng tiêu chuẩn”, bà Vũ Kim Hạnh nói.

 

Ngoài việc cạnh tranh về sản lượng, kim ngạch xuất khẩu, cuộc chiến về thương hiệu sầu riêng cũng đang diễn ra ở thị trường Trung Quốc. Thái Lan có sầu riêng Monthong, Malaysia có giống Musang King, Black Thorn… trong khi Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu quốc gia về mặt hàng này.

 

Đại diện Công ty Thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu) cho rằng tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ Thái Lan, Malaysia do xuất khẩu chính ngạch muộn hơn so với các đối thủ. Mặt khác, hai nước này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô hơn Việt Nam, thương hiệu sầu riêng cũng mạnh hơn Việt Nam.

 

Sầu Việt không nên gò ép số lượng mà quên chất lượng, thương hiệu

 

Trong khi các đối thủ mạnh như Thái Lan, Malaysia đều có động thái nâng cao chất lượng, củng cố thương hiệu thì ở Việt Nam lại ghi nhận hiện tượng phát triển nóng cây sầu riêng. Ngay sau khi loại quả này được xuất khẩu vào Trung Quốc,  diện tích sầu riêng tăng lên nhanh chóng, thậm chí nhiều nông dân còn chặt bỏ cây cà phê, hồ tiêu để trồng sầu riêng.

 

Các chuyên gia cho rằng ngành sầu riêng Việt Nam sẽ phải có những chiến lược rõ ràng hơn, thay vì chạy đua theo số lượng. Bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho rằng một số doanh nghiệp trong nước đang “gò ép” số lượng mà quên đảm bảo chất lượng.

 

“Tôi đến một kho hàng sầu riêng và thấy nhiều quả vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy thì khả năng cao sẽ bị trả lại. Không những thế, việc xuất hàng không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành hàng. Việc một số doanh nghiệp mượn mã số để xuất khẩu sẽ gây hậu quả rất lớn”, bà My cảnh báo.

 

Do vậy, bà My cho rằng việc đảm bảo chất lượng sầu riêng là ưu tiên số 1 khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, khi có thương hiệu, giá trị của trái sầu riêng sẽ cao hơn gấp nhiều lần.

 

“Một trái sầu riêng Việt hiện được bán với giá 200.000 đồng/kg, nhưng nếu thương hiệu sầu Việt được đăng ký sở hữu trí tuệ tại các nước thì giá sẽ cao hơn. Đơn cử như trái sầu riêng gai đen của Malaysia có thể bán với giá 1.000 USD/trái. Thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn nguyên liệu đơn thuần”, bà My nói.

 

Nguồn: VietnamBiz

Quảng cáo sản phẩm