Da giày lỡ cơ hội vì phụ liệu

24/07/2014 12:00 - 643 lượt xem

Chỉ trong ít tháng gần đây, có đến 8 trong số 10 hãng túi xách hàng đầu thế giới đang đặt đại bản doanh sản xuất tại Trung Quốc đặt vấn đề chuyển đơn hàng qua Việt Nam, theo một nguồn tin từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso).

Song, phần lớn các DN Việt đều cho biết, họ không có đủ tiềm lực đầu tư phát triển mô hình sản xuất từ khâu đầu đến khâu cuối để đáp ứng yêu cầu đơn hàng của đối tác, nên chưa dám nhận lời.

Thực tế cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của ngành nửa đầu năm nay vẫn khá ổn. Xuất khẩu sản phẩm giày dép sang các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Bỉ, Đức... vẫn rất khả quan; kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường khác như Chile, Hy Lạp, Ba Lan cũng tăng mạnh. Nhưng bên trong vẻ ngoài dường như bình yên đó, vẫn tồn tại nhiều quan ngại.

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Tổng giám đốc Thai Binh Shoes, tỷ lệ nội địa hóa da thuộc chỉ 30%, da tổng hợp là 40%, các loại phụ liệu chỉ ở mức xấp xỉ 45%. Do phần lớn nguyên phụ liệu nhập khẩu đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, nguy cơ tiềm ẩn cho ngành là thiếu hụt công nghiệp phụ trợ để chủ động sản xuất.

Thực tế, thời gian qua, tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày có những bước tiến đáng kể. Tham vọng hơn, Lefaso đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa da thuộc, da tổng hợp, đế giày vượt 50% vào năm 2020 và 70% từ 2025, thông qua việc đẩy mạnh các chương trình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Thế nhưng, đây mới chỉ là dự tính, còn thực tế một số dòng giày cao cấp vẫn phải nhập nhiều vật tư, đặc biệt là da.

Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội Da giày TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố có khoảng 100 DN da giày, trong đó chỉ còn khoảng 10 nhà máy thuộc da có đăng ký, quy mô mỗi nhà máy khoảng 10 tấn da/ngày. Nhưng do da nguyên liệu trong nước có chất lượng không cao nên đa phần các DN phải dùng da nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ...

Tuy nhiên, nhìn vào số lượng đơn hàng xuất khẩu giày dép ngày càng tăng, các DN trong ngành gần đây mới giật mình tăng tốc xây dựng công nghiệp phụ trợ. Thực tế, việc phát triển công nghiệp phụ trợ của ngành da giày không khó vì nền tảng của Việt Nam cũng không thiếu nguồn nguyên liệu lĩnh vực này. Chỉ có điều chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo. Điều này dẫn đến suy nghĩ lâu nay của một số DN là nhập nguyên phụ liệu từ bên ngoài vào cho nhanh. Nhưng khi nền kinh tế cải thiện, NĐT nước ngoài tăng đặt hàng thì việc bị động nguyên phụ liệu sẽ cản bước phát triển của DN. Theo đó, các DN trong nước phải gấp rút tìm ra mô hình đầu tư công nghiệp phụ trợ nhanh nhất có thể.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Phó tổng giám đốc Công ty Liên Anh cho biết, phụ thuộc vào nguồn da nhập khẩu mãi cũng “mệt” nên công ty lên kế hoạch mua hẳn một nhà máy thuộc da ở Đồng Nai. “Chúng tôi đầu tư công nghệ tốt để phục vụ cho các đơn hàng của công ty”, bà Liên chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Trí Kiên, Giám đốc Công ty May - Túi xách Minh Tiến cho biết, để phát triển công nghiệp phụ trợ, DN không trông chờ chính sách mà phải chủ động. Do đó, DN này một mặt đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, mặt khác tìm kiếm đối tác trong nước để liên kết.

Với kinh nghiệm của mình, ông Viroj Sirithanasart, Chủ tịch Liên minh Hiệp hội Công nghiệp phụ trợ Thái Lan khẳng định, việc phát triển không khó vì Thái Lan đã trải qua tiến trình này. Ban đầu, bên cạnh hỗ trợ đào tạo nhân lực (DN chỉ góp 30% chi phí), nếu phát triển công nghiệp phụ trợ thì DN còn được vay vốn với lãi suất thấp (Nhà nước hỗ trợ một phần lãi suất). Chính phủ cũng hợp tác với các quốc gia khác để đưa DN đi học hỏi kinh nghiệm. Từ hình thành một nền công nghiệp phụ trợ phát triển, DN Thái Lan, đặc biệt DN trong lĩnh vực may mặc, da giày, túi xách liên tục thu hút được nhiều khoản đầu tư lớn từ các thương hiệu “đại gia” trên thế giới...

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

Quảng cáo sản phẩm