Dân Nga ưa chuộng cá tra

20/04/2009 11:03 - 1027 lượt xem

Nếu cá tra Việt Nam không vào Nga, không chỉ DN Việt Nam khó khăn mà các nhà nhập khẩu Nga cũng gặp khó vì không thể tìm ra hàng cá tra khác thay thế với giá hợp lý.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương - người dẫn đầu đoàn làm việc của Bộ NN&PTNT tại Nga từ ngày 11 đến 15-4 đã có cuộc trao đổi với báo chí.

 Nội dung cụ thể mà phía Việt Nam đạt được là gì, thưa ông? 

 Để thủy sản xuất khẩu trở lại Nga, đoàn công tác đã ký bản ghi nhớ, cam kết phải giám sát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm. 

 Sẽ có 30 doanh nghiệp thủy sản được xuất khẩu vào Nga và dự kiến chuyến hàng đầu tiên xuất sang Nga sẽ đi trong tháng này. Theo kết quả đàm phán, trong năm 2009 Việt Nam sẽ xuất khẩu vào thị trường Nga 100.000 tấn thủy sản với tổng giá trị hơn 200 triệu USD. Dự kiến tháng 5 và tháng 6, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ xuất 20.000 tấn cá philê sang Nga với tổng giá trị khoảng 40 triệu USD. 

 Điểm mới của lần đàm phán này so với trước là có hai doanh nghiệp tôm được phép xuất khẩu vào Nga.

 Kết quả của cuộc đàm phán với Nga mở ra cơ hội gì cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trước tình hình kinh tế đang khó khăn?

 Nga được xác định là thị trường trọng điểm về xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu cá tra.

 Trong năm 2008, doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga hơn 118.000 tấn với giá trị 188 triệu USD. Đến thời điểm tạm dừng nhập khẩu thì cá tra Việt Nam đã có mặt ở khắp nước Nga, từ thành thị đến nông thôn. 

 Tôi từng sang Nga nhiều lần và thấy thức ăn chế biến từ cá tra không thể thiếu được trong mỗi bữa ăn của người dân Nga. Việc mở lại thị trường trọng điểm như Nga được xem là tiền đề để xuất khẩu thủy sản, tiếp tục giữ vững thị phần tại thị trường truyền thống và mở rộng tại thị trường mới.

 Khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới?

 Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm nay sẽ khó hơn năm trước do sức mua của các thị trường bị yếu đi. 

 Có những khó khăn về xuất khẩu mặt hàng này mà trước đây chúng ta chưa từng lường trước được. Riêng về các thị trường xuất khẩu thủy sản, theo nhận định, doanh nghiệp Việt Nam chưa phải là bế tắc nhưng chắc chắn sẽ gặp khó khăn do sức mua yếu và đối tác thanh toán chậm. Ngoài ra đối với mặt hàng thủy sản, rào cản về kỹ thuật ngày càng khó khăn thêm.

 Hiện mặt hàng thủy sản Việt Nam đang được ưa chuộng tại thị trường Tây Ban Nha, Ba Lan, châu Âu... Mới đây nhất, theo thông tin từ doanh nghiệp, Mỹ lại bắt đầu chú ý tới mặt hàng thủy sản của Việt Nam. 

 Vừa qua, cơ quan chức năng của Mỹ đã giảm thuế nhập khẩu thủy sản cho một số doanh nghiệp Việt Nam. Đây được xem là tín hiệu tốt cho ngành thủy sản Việt Nam.


Nguồn: http://cafef.vn


 

 

Quảng cáo sản phẩm