Đẩy mạnh biện pháp phòng vệ thương mại: Bảo hộ nông sản trong nước

28/12/2020 12:00 - 154 lượt xem

Thời gian gần đây, số vụ việc về điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được Bộ Công Thương đẩy mạnh, qua đó đã tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ nhiều ngành sản xuất trong nước, người lao động, nông dân.

Thực hiện cam kết của Việt Nam trong ASEAN (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA) liên quan tới việc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo WTO) và triển khai Nghị quyết số 130/NQ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ, ngày 13 tháng 11 năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 23/2019/TT-BCT bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho các nước ASEAN kể từ năm 2020.

Theo Bộ Công Thương, kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan cho ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng rất nhanh, trong 8 tháng đầu năm đạt gần 950.000 tấn, tăng hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, lượng đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, chiếm gần 90,4% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam. Lượng nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 860.000 tấn trong 8 tháng đầu năm 2020 (trong khi lượng nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2019 chỉ là 145.000 tấn, cả năm 2019 là 300.000 tấn).

Việc nhập khẩu tăng nhanh đã dẫn tới sản lượng đường của tất cả các doanh nghiệp sản xuất đường của Việt Nam đều sụt giảm rất mạnh trong niên vụ 2019/2020. Sản lượng đường niên vụ 2019 ước đạt chưa tới 800.000 tấn so với sản lượng 1,2 triệu tấn của niên vụ 2018/2019. Vì vậy, có dấu hiệu cho thấy ngành sản xuất trong nước đang chịu thiệt hại nghiêm trọng, đáp ứng một số tiêu chí cơ bản để khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại (PVTM).

Ngay sau khi bãi bỏ hạn ngạch thuế quan, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường theo dõi sát tình hình nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đồng thời hỗ trợ ngành sản xuất trong nước chuẩn bị thông tin cần thiết để nộp hồ sơ khởi xướng điều tra PVTM.

Ngày 20/8/2020, Bộ Công Thương nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan (Hồ sơ) của đại diện ngành sản xuất trong nước. Sau khi thẩm định Hồ sơ theo đúng quy định pháp luật, thông báo cho các bên liên quan (kể cả Chính phủ Thái Lan) có ý kiến ngày 21/9/2020, Bộ Công Thương đã quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan.

Đại diện Cục PVTM, Bộ Công Thương - nêu rõ, trong bối cảnh ngành mía đường đang phải chịu thiệt hại nghiêm trọng do hàng hóa nhập khẩu gây ra thì việc khởi xướng, điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường nhập khẩu là thực hiện quy định của Luật Quản lý ngoại thương, phù hợp với chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển ngành đường cũng như quy định của WTO và các Hiệp định FTA.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các Hiệp định thương mại tự do (FTA ) và pháp luật Việt Nam cho phép sử dụng các biện pháp PVTM để đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước. Việc áp dụng các biện pháp PVTM luôn có tác động hai chiều, đó là có lợi cho đối tượng này và bất lợi cho đối tượng khác. Cả 2 hướng này đều được luật pháp quốc tế (các quy định của WTO, FTA) và pháp luật Việt Nam tính đến.

Theo Cục PVTM, Bộ Công Thương sẽ thực hiện điều tra, áp dụng các biện pháp này (nếu có) theo đúng quy định pháp luật, dựa trên nguyên tắc công khai, minh bạch, coi trọng việc thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước, xác định tác động kinh tế-xã hội của biện pháp, tính tới lợi ích dài hạn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua cũng xuất hiện xu hướng nhập khẩu các sản phẩm đường lỏng chiết suất từ tinh bột ngô (HFCS) có độ ngọt gấp 1,3 đến 1,5 lần đường mía và giá chỉ bằng 80% giá đường mía. Việc nhập khẩu này đã có dấu hiệu gây thiệt hại cho hoạt động của ngành sản xuất đường mía của Việt Nam. Chính vì vậy, căn cứ trên hồ sơ của đại diện ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm đường lỏng HFCS nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào Việt Nam.

Thời gian gần đây, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như các đề án, chương trình lớn, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành, Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khởi xướng nhiều vụ việc. Riêng trong 2 năm 2018, 2019 và 12 tháng 2020 Việt Nam đã khởi xướng 13 vụ việc PVTM, lớn hơn so với các vụ việc trước đây đã khởi xướng điều tra.

Cục trưởng Cục PVTM Lê Triệu Dũng - khẳng định, các biện pháp này đã tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ nhiều ngành sản xuất trong nước như thép, nhôm, gỗ; nhất là một số mặt hàng vừa áp dụng điều tra có vai trò trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước, người lao động, nông dân như áp dụng biện pháp tự vệ, chống bán phá giá đối với bột ngọt, đường lỏng và đường mía.

Tuy vậy, đại diện Cục PVTM - khuyến nghị, các biện pháp PVTM chỉ được áp dụng có thời hạn, cho tới khi môi trường cạnh tranh công bằng được thiết lập trở lại. Do đó, để phát triển bền vững thì yêu cầu quan trọng nhất là về dài hạn ngành mía đường cần nâng cao tính cạnh tranh của mình để có thể phát triển trong bối cảnh nền kinh tế đã hội nhập sâu, rộng hiện nay.
 
Quảng cáo sản phẩm