Để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn gạo: Cần điều hành linh hoạt
06/08/2009 12:00
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (HHLTVN), tính đến cuối tháng 6, các doanh nghiệp (DN) đã ký kết hợp đồng xuất khẩu (XK) hơn 5 triệu tấn gạo.
Việt Nam đang được đánh giá là nhân tố chủ lực trong XK gạo với dự báo khoảng 6 triệu tấn trong năm nay, mức kỷ lục trong vòng 21 năm qua. Gạo Việt Nam trở thành mặt hàng nông sản duy nhất liên tục tăng trưởng với tốc độ cao trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Tín hiệu khả quan
Thị trường gạo thế giới đang rất ổn định và thuận lợi cho Việt Nam. Hai quốc gia dẫn đầu về XK gạo là Thái Lan và Ấn Độ hiện vẫn chưa XK trở lại. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam từ các nước vẫn đang ở mức cao.
Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, mặc dù thị trường gạo có lúc rơi vào tình trạng ảm đạm trong quý II, nhưng vào cuối quý đã khởi sắc bằng những đơn hàng XK lớn.
Phi-líp-pin sẽ nhập khẩu thêm 350.000 tấn gạo ngoài 1,5 triệu tấn đã mua của Việt Nam. Châu Phi dự kiến sẽ mua 400.000 tấn, trong đó, 300.000 tấn từ Việt Nam trong tháng 7 và tháng 8...
Theo báo cáo, lượng gạo XK 6 tháng đầu năm 2009 của Việt Nam đã đạt 3,8 triệu tấn với kim ngạch 1,8 tỷ USD, tăng trên 57% về số lượng và gần 25% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo trong nước đang có xu hướng tăng do các DN đang tích cực thu mua lúa đẩy mạnh XK.
Theo dự báo, một số nước đã có dấu hiệu XK gạo trở lại nhất là Thái Lan và Ấn Độ. Khi gạo Thái Lan, Ấn Độ đưa ra thị trường, giá giảm là điều tất yếu. Cũng theo dự báo, vụ đông xuân cả nước được mùa, tăng 0,3 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái; vụ hè thu năm nay cũng sẽ được mùa.
Từ nay đến cuối năm, sau khi trừ dự trữ giống, chăn nuôi, bảo đảm an ninh lương thực, sản lượng gạo hàng hóa còn lại có thể bán ra khỏi Đồng bằng sông Cửu Long là 2 triệu tấn.
Việc Thái Lan và Ấn Độ có thể tái XK gạo sẽ làm nguồn cung trên thị trường dồi dào hơn, dẫn đến giá gạo của Việt Nam (vốn phụ thuộc vào giá thị trường thế giới) sẽ có xu hướng giảm.
Bộ Công thương đánh giá, do diễn biến cung, cầu gạo trên thế giới nên giá gạo sẽ cao ở những tháng đầu năm và thấp ở những tháng cuối năm. Lúc này là thời điểm hợp lý để có thể đẩy mạnh XK và vươn tới mục tiêu 6 triệu tấn gạo trong năm 2009, đồng thời, sẽ bảo đảm cho người dân lãi tới 30% như chỉ đạo của Chính phủ.
Linh hoạt trong điều hành
Tuy nhiên, diễn biến thị trường có thể biến động, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Trên thực tế, thị trường lúa gạo hay bất cứ một ngành hàng nào đều có những biến chuyển rất nhanh, khó lường trước. Dự báo giá gạo vẫn là thách thức đối với các nhà quản lý cũng như giới kinh doanh mặt hàng này, vì vậy, cần theo dõi sát thị trường để có sự điều hành hợp lý.
Thông thường vào giữa quý III hằng năm, Tổ điều hành XK gạo dựa vào ba yếu tố: sản lượng lúa gạo trong nước, thị trường và lượng gạo cần thiết bảo đảm an ninh lương thực để trình Thủ tướng phê duyệt lượng gạo XK.
Năm nay, nếu bảo đảm ba yếu tố kể trên thì việc cho phép XK 6 triệu tấn gạo sẽ không có gì khó khăn. Trước mắt, Bộ Công thương đã đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND các tỉnh, HHLTVN đánh giá lại lượng lúa gạo hàng hóa cần tiêu thụ 6 tháng cuối năm để điều chỉnh chỉ tiêu định hướng hoặc mua tạm trữ để giao Tổ điều hành XK gạo điều hành linh hoạt lượng XK phù hợp từng thời điểm.
Bộ Công thương cũng đề xuất phương án triển khai việc thu mua nhằm bảo đảm lúa gạo của nông dân được tiêu thụ kịp thời, không bị ứ đọng.
Theo phương án này, các cơ quan liên quan sẽ tổng hợp và xác định lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ theo từng địa phương, từng chủng loại, nhưng phải đáp ứng yêu cầu thống nhất mức giá mua vào, bảo đảm lợi nhuận cho nông dân. UBND các tỉnh, các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ và tạo thuận lợi để DN đẩy mạnh thu mua và tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa một cách thông suốt, hiệu quả nhất.
Trong điều hành XK gạo, cần sớm điều chỉnh và khắc phục hàng loạt vấn đề còn bất cập. Trong đó, quan trọng nhất là chấn chỉnh hoạt động điều phối, công tác thông tin giữa các bộ, ngành hữu quan và HHLTVN; thường xuyên cập nhật thông tin, dữ liệu về diễn biến tình hình thực tế liên quan tới sản xuất, lưu thông, thị trường...
Ngoài ra, cần củng cố hệ thống cơ sở dữ liệu, giá thành, giá bán thích ứng yêu cầu của hoạt động XK gạo. Tổ điều hành XK gạo cần tiếp tục tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
Cơ chế thu mua tạm trữ nên được xây dựng thành kế hoạch dài hạn mang tầm quốc gia kèm theo chính sách hỗ trợ các DN chọn thời điểm giá tốt nhất để xuất khẩu.
Nguồn: http://cafef.vn
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)