Để kiện chống bán phá giá, ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện gì?

28/07/2009 12:00 - 4488 lượt xem

Phần lớn các vụ điều tra chống bán phá giá trên thực tế đều được khởi xướng bởi ngành sản xuất trong nước (hoặc đại diện của họ). ADP qui định chủ thể yêu cầu phải mang tính đại diện cho ngành sản xuất nội địa, tức là phải đáp ứng được các điều kiện sau:

- Yêu cầu tiến hành điều tra phải được sự ủng hộ của các nhà sản xuất trong nước chiếm tối thiểu 50% tổng sản lượng của SPTT được sản xuất ra bởi tổng số các nhà sản xuất đã bày tỏ ý kiến (tán thành hoặc phản đối) về việc điều tra; và

- Các nhà sản xuất tán thành cuộc điều tra chiếm tối thiểu 25% tổng sản lượng sản phẩm tương tự được ngành sản xuất trong nước làm ra.

ADP cũng ghi nhận khả năng người lao động tại các nhà máy trong nước sản xuất ra các SPTT hoặc đại diện của họ có thể tự nộp Đơn yêu cầu hoặc có ý kiến ủng hộ Đơn yêu cầu (nhưng không qui định gì về việc loại chủ thể này có thể có ý kiến phản đối Đơn kiện không).

Việc kiểm tra xem chủ thể yêu cầu có đáp ứng được các điều kiện này hay không sẽ được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền trong giai đoạn “tiền tố tụng” (giai đoạn kiểm tra các điều kiện sơ bộ trước khi ra quyết định chính thức bắt đầu vụ điều tra chống bán phá giá).

Trường hợp việc kiểm tra tính đại diện không thể tiến hành trên tất cả các nhà sản xuất nội địa do số lượng quá lớn thì cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu có thể kiểm tra mức độ ủng hộ hoặc phản đối Đơn kiện của các nhà sản xuất trong nước thông qua việc chọn mẫu thống kê hợp lý.

Quảng cáo sản phẩm