Đồ gỗ hướng đến thị phần trung và cao cấp của Nhật
09/10/2009 12:00
Nhật hiện nay là thị trường lớn chỉ sau Mỹ và châu Âu. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Nhật tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ Expo năm nay, Thương vụ Việt Nam tại Nhật đã đưa đoàn 14 doanh nghiệp gỗ Nhật sang tìm hiểu thị trường và ký kết hợp đồng với phía Việt Nam. Nhân dịp này, TBKTSG Online đã phỏng vấn Tham tán Vũ Văn Trung về triển vọng thâm nhập thị trường Nhật.
So với những lần tổ chức trước, gần nhất là Expo 2008, ông có nhận xét gì về đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ (TCMN) Việt Nam tại Expo 2009?
Không chỉ riêng tôi mà những doanh nghiệp Nhật đã từng tham gia Expo 2008 đều thấy rằng Expo năm nay được tổ chức bài bản và tốt hơn rất nhiều. Điều đó thể hiện qua quy mô, số lượng các gian hàng, sản phẩm phong phú với chất lượng và mẫu mã đều có sự tiến bộ, đặc biệt là cách thức doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng cũng chuyên nghiệp hơn.
Nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật dự Expo 2008 cũng trở thành đối tác của doanh nghiệp gỗ và TCMN Việt Nam sau đó. Hơn nữa, nhiều năm qua đồ gỗ cũng được xem là một trong những nhóm mặt hàng xuất khẩu nhận được sự ưu tiên hỗ trợ của Chính phủ bằng các văn bản pháp quy hỗ trợ thủ tục xuất khẩu, thuế suất… Công tác xúc tiến thương mại cũng được chú ý hơn, các thương vụ nước ngoài đều cố gắng cập nhật và cung cấp thông tin thường xuyên, giới thiệu khách hàng cho doanh nghiệp.
Những yếu tố trên kết hợp với những thuận lợi từ việc được hỗ trợ thuế suất (còn 0%) từ Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật, chắc chắn sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang Nhật tăng nhanh trong tương lai gần.
Nhưng có ý kiến rằng đồ gỗ Việt Nam sang Nhật nhiều năm qua chủ yếu nằm ở phân khúc hàng thấp cấp chứ chưa thể vươn đến trung và cao cấp?
Vấn đề này thật ra cũng dễ hiểu, vì thật sự trong thời gian qua sản phẩm đồ gỗ và TCMN tuy có tiến bộ về chất lượng và mẫu mã nhưng muốn thành công, không chỉ riêng ở thị trường Nhật mà cả những thị trường khác, doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư thật sự nghiêm túc ở tất cả các khâu từ nguyên liệu cho đến tiếp thị sản phẩm, có thế mới nâng “tầm“ sản phẩm được. Mà điều này tôi nghĩ chỉ có lợi cho doanh nghiệp vì sản phẩm sang Nhật nổi tiếng có giá bán tốt, hàng càng cao cấp giá càng cao thì lợi nhuận càng lớn. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là bỏ dòng thấp cấp mà chỉ lo dòng trung và cao cấp.
Bên cạnh đó, một điều quan trọng đối với doanh nghiệp lần đầu tiếp cận thị trường thì cần phải kiên trì, đi từ giao dịch nhỏ, sản phẩm có giá vừa phải và nhất là giao dịch phải hết sức nghiêm túc vì người Nhật trong giai đoạn tìm hiểu rất kỹ tính và nguyên tắc.
Như vậy, khả năng thành công ở phân khúc trung và cao cấp vẫn nằm trong tầm tay của doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?
Hoàn toàn có thể. Nhật hiện nay là thị trường lớn chỉ sau Mỹ và châu Âu. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu sang Nhật tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là một con số đáng kể chứng tỏ sản phẩm Việt Nam vẫn tăng trưởng ở thị trường này trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Hơn nữa, với những gì doanh nghiệp thể hiện qua hội chợ lần này, tôi tin triển vọng sẽ rất lớn cho đồ gỗ và TCMN Việt Nam tại Nhật.
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)