Doanh nghiệp FDI áp đảo xuất khẩu - Bài toán cũ, không dễ giải

26/05/2021 12:00 - 81 lượt xem

Xuất khẩu, đặc biệt là xuất siêu quá phụ thuộc khối DN FDI đã, đang và sẽ tiếp tục đặt ra không ít lo ngại cho XK bền vững của Việt Nam.

Công xuất siêu thuộc về khối FDI

Chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài hướng về XK đã tạo thuận lợi cho Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với thị trường quốc tế, nâng cao rõ rệt năng lực XK, đặc biệt là trong công nghiệp. Theo Bộ Công Thương, năm 2001, XK của DN FDI đạt 45,2% tổng kim ngạch, kể cả dầu thô. Tỷ trọng XK của DN FDI tăng dần, đạt cao nhất khoảng 71,4% vào năm 2018.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương phân tích, đặc điểm của kinh tế Việt Nam là thu hút rất mạnh FDI. Rất nhiều DN FDI định hướng XK nên tỷ trọng XK tăng nhanh. Họ có thị trường, quan hệ đối tác, có công nghệ, quản lý tốt, tiềm lực tài chính mạnh hơn... Bởi vậy, trong nhiều năm qua, DN FDI liên tục tăng trưởng tỷ trọng XK cũng như DN FDI có tăng trưởng XK luôn cao hơn DN nội địa là điều dễ hiểu.

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục xuất siêu với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại là Việt Nam xuất siêu cao chủ yếu do DN FDI. “Nhiều năm nay, DN FDI xuất siêu cao, DN nội địa nhập siêu lớn. Hiệu của 2 bên là xuất siêu của nền kinh tế. Xuất siêu là do DN FDI, thành tích XK là do DN FDI quyết định”, chuyên gia Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Vào dịp cuối năm 2020 khi đánh giá tổng kết lại cả quá trình công tác năm 2020 và 5 năm 2016-2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã thẳng thắn chỉ rõ: “Nhìn chung, XK vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối DN FDI. Do sản xuất và XK của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, XK của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh”.

Chú trọng kết nối DN FDI và DN nội

Trên thực tế, nhìn lại quá trình XK xuyên suốt có thể thấy, sau khi DN FDI tăng trưởng XK liên tục và áp đảo hoàn toàn DN nội địa, từ năm 2018, DN nội bắt đầu vươn lên mạnh mẽ tạo ra sự thay đổi đáng kể trong tăng trưởng XK. “Cụ thể, năm 2018, khối DN trong nước XK khoảng 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, cao hơn mức tăng trưởng XK chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối DN FDI (kể cả dầu thô) là 12,9%”, Bộ Công Thương đánh giá.

Tại thời điểm đó, chuyên gia Lê Quốc Phương khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan không giấu nổi sự hồi hởi chia sẻ: “2018 là năm đầu tiên, DN trong nước tăng trưởng XK cao hơn khối DN FDI. Lần đầu tiên, xu hướng liên tục giảm về tỷ trọng của DN trong nước trong XK so với DN FDI tạm thời đảo chiều. Tỷ trọng của DN FDI liên tục tăng trong nhiều năm thì lần đầu tiên cũng đã tạm dừng lại, giảm xuống. Đây là điều rất đáng mừng. Kết quả đảo chiều kể trên, một phần do nỗ lực của chính DN, một phần do các giải pháp của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, nâng năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho DN”.

Sự vươn lên mạnh mẽ của DN nội tiếp tục được duy trì trong năm 2019 khi trong tổng kim ngạch hàng hóa XK 263,45 tỷ USD của cả năm, khu vực kinh tế trong nước đóng góp 82,10 tỷ USD, tăng 17,7%, chiếm 31,2% tổng kim ngạch XK; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 181,35 tỷ USD, tăng 4,2%, chiếm 68,8%.

Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực nêu trên chưa đạt sự ổn định và không kéo dài quá lâu. Bằng chứng là ngay năm 2020, trong tổng kim ngạch XK hàng hóa đạt đạt 281,5 tỷ USD, khu vực kinh tế trong nước chỉ đóng góp 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch XK; còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, vươn lên chiếm 72,2%. Ngay 4 tháng đầu năm 2021, DN FDI tiếp tục thể hiện vị thế áp đảo trong “bức tranh” XK hàng hoá khi XK đạt 78,14 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 75,2% tổng kim ngạch XK; còn khu vực kinh tế trong nước đạt 25,77 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 24,8% tổng kim ngạch XK.

Chuyên gia Lê Quốc Phương đánh giá, thời gian qua, DN Việt có cải thiện về tỷ trọng XK nhưng quá chậm, chưa ổn định. Điểm yếu cố hữu của DN nội vẫn là nhập siêu. Từ đó cho thấy xu thế cải thiện của DN Việt trong cơ cấu XK chưa đủ để đánh giá bền vững, còn phải nỗ lực nhiều. Chính phủ phải hỗ trợ rất nhiều, chính sách phải phù hợp trong khuôn khổ các cam kết quốc tế. Ngoài ra, bản thân DN cũng phải nỗ lực để cải thiện vị thế trong XK.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài, không có quốc gia nào phát triển được nếu chỉ trông vào đầu tư nước ngoài. Nếu không tự lực, cứ trông cậy vào đầu tư nước ngoài thì mãi mãi sẽ rơi vào thế khó; phải lớn mạnh hơn bằng cách xây dựng thương hiệu mạnh hơn về công nghiệp cho riêng mình.

Một số chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm, thời gian tới phải khuyến khích các DN tư nhân mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao nhằm củng cố nền tảng công nghiệp trong nước. Việt Nam thu hút vốn FDI phải áp dụng theo phương pháp "may đo" phù hợp. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đưa ra những ưu đãi về thuế, cơ chế, đổi lại yêu cầu rõ ràng phải có tác động, lan toả đến DN trong nước về chuyển giao công nghệ…

Đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, thời gian tới cần quan tâm và chú trọng hơn trong việc kết nối giữa DN FDI với DN trong nước, đưa DN trong nước tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi giá trị cho DN FDI tạo ra. Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung vào một số hướng giải pháp như: Hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho các DN FDI sở hữu các dây chuyền, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị cao đến đầu tư ở Việt Nam; chú trọng phát huy tác động lan tỏa của các DN FDI đối với sản xuất trong nước.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã trao đổi, khuyến khích DN FDI lớn liên doanh, liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa thông qua các nhà cung cấp trong nước; chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị hiện đại cho DN trong nước thông qua các dự án liên doanh, liên kết trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng…
 
Quảng cáo sản phẩm