Doanh nghiệp muốn hưởng lợi từ ACFTA cần lưu ý gì về xuất xứ hàng hóa?

09/04/2021 12:00 - 186 lượt xem

Thông tư số 12/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (ACFTA) có nhiều điểm cần lưu ý.

Cụ thể, đối với Quy tắc xuất xứ hàng hóa: Hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ; ngoài tiêu chí "Hàm lượng giá trị khu vực" (RVC), quy tắc chung áp dụng thêm tiêu chí xuất xứ chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số (CTH); quy định về De Minimis (tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa); nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế được cho nhau.

Đối với Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa: Về thời hạn trả lời, kiểm tra xác minh xuất xứ hàng hóa, trường hợp cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của nước xuất khẩu không trả lời trong thời hạn 90 ngày sau ngày nhận được thư đề nghị xác minh của cơ quan hải quan nước nhập khẩu, cơ quan, tổ chức cấp C/O của nước xuất khẩu có thể gửi văn bản đề nghị gia hạn thêm 90 ngày.

Đối với Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR): Ngoài quy tắc xuất xứ chung, PSR được xây dựng trên Phiên bản HS năm 2017, bổ sung tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với nhiều dòng hàng.

Nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất hàng hóa đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan có thể đề nghị cơ quan, tổ chức cấp C/O kiểm tra, xác minh xuất xứ trước khi xuất khẩu. Kết quả kiểm tra, xác minh định kỳ hoặc khi cần thiết, được chấp nhận như chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu sau này. Việc kiểm tra này có thể không cần áp dụng đối với hàng hóa dễ dàng xác định được xuất xứ thông qua bản chất của hàng hóa đó.

Cơ quan, tổ chức cấp C/O tiến hành kiểm tra từng trường hợp đề nghị cấp C/O để bảo đảm rằng: Đơn đề nghị cấp C/O và C/O mẫu E được khai đầy đủ theo quy định tại mặt sau C/O mẫu E và được ký bởi người có thẩm quyền; Xuất xứ hàng hóa phù hợp với quy định tại Thông tư này; Các thông tin khác trên C/O mẫu E phù hợp với chứng từ kèm theo; Mô tả hàng hóa, số lượng và trọng lượng hàng hóa, ký hiệu và số kiện hàng, số kiện và loại kiện hàng được kê khai phù hợp với hàng hóa xuất khẩu; Nhiều mặt hàng có thể được khai trên cùng một C/O mẫu E, phù hợp với quy định và pháp luật Nước thành viên nhập khẩu với điều kiện từng mặt hàng phải đáp ứng các quy định về xuất xứ đối với mặt hàng đó.

Ngoài ra, về kiểm tra sau, cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu có thể đề nghị kiểm tra ngẫu nhiên hoặc khi có lý do nghi ngờ tính xác thực của chứng từ hay tính chính xác của các thông tin liên quan đến xuất xứ của hàng hóa có liên quan hoặc một vài phần của hàng hóa đó. Đề nghị kiểm tra phải làm bằng văn bản, gửi kèm bản sao của C/O mẫu E có liên quan và nêu rõ lý do cũng như bất cứ thông tin bổ sung nào cho thấy các chi tiết trên C/O này có thể không chính xác, trừ trường hợp kiểm tra ngẫu nhiên;

Cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu có thể trì hoãn việc cho hưởng ưu đãi thuế quan trong khi chờ kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu có thể áp dụng các thủ tục hành chính cần thiết bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu cao hơn hoặc yêu cầu nhà nhập khẩu đặt cọc một số tiền tương ứng và cho phép thông quan hàng hóa, với điều kiện hàng hóa này không thuộc diện cấm hoặc hạn chế nhập khẩu và không có nghi ngờ về gian lận xuất xứ;

Cơ quan hải quan hoặc cơ quan, tổ chức cấp C/O của Nước thành viên xuất khẩu phản hồi ngay về việc nhận được đề nghị kiểm tra và có ý kiến trả lời không muộn hơn 90 ngày sau ngày nhận được đề nghị kiểm tra. Trường hợp không trả lời được trong thời hạn này, cơ quan hải quan hoặc cơ quan, tổ chức cấp C/O của Nước thành viên xuất khẩu có thể đề nghị bằng văn bản về việc gia hạn thêm 90 ngày nữa với điều kiện việc đề nghị gia hạn được thực hiện trong thời hạn 90 ngày đầu tiên.

Trường hợp cơ quan hải quan Nước thành viên nhập khẩu không đồng ý với kết quả kiểm tra theo quy định tại khoản 1 Điều này, Nước thành viên nhập khẩu có thể đề nghị kiểm tra thực tế tại nước thành viên xuất khẩu.

Trước đó, ngày 21/11/2015, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc ký Nghị định thư sửa đổi Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Malaysia (ACFTA). Sau khi ký Nghị định thư sửa đổi ACFTA, các Nước thành viên tiếp tục đàm phán Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) và tiến hành chuyển đổi PSR sang Phiên bản HS 2017.
 
Quảng cáo sản phẩm