Doanh nghiệp SME cần làm gì để tránh rủi ro khi "xuất khẩu online"?

11/09/2023 04:43 - 9 lượt xem

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam cần chủ động cập nhật công cụ và kiến thức để xuất khẩu trực tuyến thành công, tránh rủi ro khi đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu trực tuyến.

 

Thời gian qua, không ít trường hợp doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải những tranh chấp, thậm chí bị mất hàng khi xuất khẩu quốc tế.

 

Vào tháng 7/ 2023, theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), các doanh nghiệp là thành viên của VPA khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang UAE gồm tiêu, quế, hồi, hạt điều đã có đến 4 container, trị giá 400.000 USD bị mất trắng tại cảng Jebel Ali, UAE.

 

Trước tình trạng trên, ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 693/CĐ-TTg về việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường UAE.

 

Không chỉ có doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng hồ tiêu nói riêng mà với đa phần các doanh nghiệp các doanh nghiệp SME tại Việt Nam hiện nay, theo các chuyên gia, rủi ro đặt ra là thường trực khi xâm nhập thị trường quốc tế, nhất là khi việc đưa thương mại điện tử (TMĐT) vào xuất khẩu ngày càng phổ biến hiện nay.

 

Cụ thể, các chuyên gia đã chỉ ra một số hạn chế chủ yếu của các doanh nghiệp SME Việt Nam trong ngoại thương gồm còn thiếu năng lực về thẩm định đối tác, pháp chế, rà soát hợp đồng,...

 

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), việc chuyển đổi sang xuất khẩu trực tuyến cũng gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Với khả năng tài chính và nguồn nhân lực hạn chế, các doanh nghiệp này rất cần sự hỗ trợ nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức để có thể từng bước dịch chuyển kinh doanh sang môi trường trực tuyến được hiệu quả.

 

Chia sẻ quan điểm trên, ông Tạ Dũng Trí - Phó Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP. Hà Nội nhận định việc đưa TMĐT vào xuất khẩu hiện đặt ra không ít khó khăn và thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề về cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, kỹ năng quản lý TMĐT còn hạn chế, và quy trình hải quan và vận chuyển quốc tế có thể khó khăn và phức tạp. Đây là những vấn đề cần chú trọng để nâng cao hiệu quả của xuất khẩu trực tuyến và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

 

Từ thực trạng nêu trên, các chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp SME khi thực hiện các hoạt động như xuất nhập khẩu hàng hóa cần sẵn sàng về khả năng ngoại thương như ngoại ngữ để giao tiếp trực tiếp với các đối tác xuyên biên giới cũng như cần tìm hiểu và nắm chắc các quy định pháp luật liên quan của quốc gia nơi có doanh nghiệp nhập hàng để tránh bị động.

 

Tận dụng tối đa các nền tảng TMĐT trực tuyến

 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp SME Việt Nam cũng cần cập nhật những công nghệ mới nhất trong việc giới thiệu sản phẩm cũng như tận dụng tốt những công cụ của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như dịch vụ Đảm bảo Thương mại (Trade Assurance) của Alibaba.com vừa ra mắt dành cho thị trường Việt Nam để tránh bị rơi vào thế yếu.

 

Được biết, dịch vụ này yêu cầu người mua hàng thực hiện thanh toán tại thời điểm mua hàng, khoản thanh toán này sẽ được Alibaba.com giữ lại dưới dạng ký quỹ, và chuyển cho nhà cung cấp sau khi người mua hàng xác nhận đã nhận được đơn đặt hàng đúng với yêu cầu của họ trong một khoảng thời gian hợp lý.

 

Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, đội ngũ nhân viên của dịch vụ Trade Assurance sẽ hỗ trợ nhà cung cấp và người mua hàng đạt được giải pháp dựa trên những bằng chứng được đưa ra. Từ đó, các nhà cung cấp sẽ hạn chế được việc phải tham gia vào các cuộc chiến pháp lý kéo dài và tốn kém, điều mà vốn dĩ các SME thường không đủ khả năng để chi trả.

 

Mới đây, tại CIFTIS 2023, ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nhận định: “Chúng tôi đánh giá rất cao những sáng kiến của Alibaba.com dành cho thị trường Việt Nam, nhằm mục đích hỗ trợ nhà bán hàng Việt Nam và các SME xuất khẩu ra toàn thế giới. Thông qua việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ với công nghệ hiện đại sẽ giúp nhà bán hàng có thể tập trung hơn vào chuyên môn của mình bằng cách giảm thiểu thời gian và công sức dành cho các quy trình trong quá trình giao dịch”.

 

Ông Nông Đức Lai cũng hy vọng rằng nền tảng thương mại điện tử B2B toàn cầu này sẽ tiếp tục giới thiệu các giải pháp sáng tạo giúp sản phẩm Việt Nam tiếp cận ra thế giới. Những nỗ lực như vậy sẽ không chỉ giúp người bán hàng Việt Nam tăng cường sự hiện diện quốc tế, mà còn nâng cao khả năng hiển thị và nhận thức về sản phẩm Việt Nam với người mua hàng toàn cầu.

 

Lý giải về việc giới thiệu dịch vụ Trade Assurance đến thị trường Việt Nam, ông Roger Luo, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Alibaba.com nói: “Việt Nam là một trong những thị trường nhà cung cấp có tiềm năng rất lớn của Alibaba.com, với năng lực sản xuất mạnh mẽ và danh mục sản phẩm đa dạng, thu hút được sự quan tâm lớn từ thế giới”.

 

Cũng theo ông Roger Luo, dịch vụ này nhằm mục đích thúc đẩy niềm tin giữa các nhà cung cấp Việt Nam và người mua hàng không chỉ trong nước mà còn trên toàn thế giới, đồng thời đơn giản hóa quy trình giao dịch. Bằng cách đó, nâng cao hiệu quả và mở ra những cơ hội kinh doanh mới, góp phần vào sự phát triển và thành công cho các nhà cung cấp Việt Nam.

 

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Quảng cáo sản phẩm