Doanh nghiệp Việt áp dụng phòng vệ thương mại: DN chỉ còn cách lên võ đài “so găng

23/10/2015 12:00 - 1355 lượt xem

Khi xóa bỏ hàng rào thuế quan thì phòng vệ thương mại (PVTM) trở thành “cứu cánh” cuối cùng để bảo vệ DN, hỗ trợ sản xuất trong nước. Với 15 FTA đã và đang ký kết, hàng rào thuế quan của hơn 50 nền kinh tế chiếm hầu như toàn bộ kim ngạch xuất nhập khẩu của VN hiện nay được gỡ bỏ.

Trong khi, DN Việt Nam mới chỉ 4 lần áp dụng công cụ PVTM để bảo vệ mình thì đã 94 lần bị DN nước ngoài sử dụng PVTM “tấn công”. Tính “so găng” thì tỷ lệ là 1/23,5. Thực tế này cho thấy, DN Việt Nam vẫn còn hiểu biết và áp dụng công cụ này một cách quá “khiêm tốn”.

DN kêu khó về tài chính

Vậy điều gì cản trở DN Việt Nam sử dụng các công cụ PVTM để tự bảo vệ mình trước hàng hoá nước ngoài? Đây là vấn đề được các chuyên gia Hội đồng tư vấn về PVTM, Trung tâm WTO và hội nhập – VCCI đang tập trung nghiên cứu để có lời giải đáp, cũng như kiến nghị đối với DN và Chính phủ. PVTM gồm 3 loại công cụ là chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ.

Theo số liệu của Trung tâm WTO và hội nhập – VCCI, tính đến tháng 10/2015, trong tổng số 4 lần áp dụng công cụ PVTM, chỉ 1 lần công cụ chống bán phá giá được áp dụng, 3 lần áp dụng biện pháp tự vệ và chưa có lần nào đối với chống trợ cấp. Tỷ lệ này khi DN VN là bị đơn tương đương 70, 17 và 7.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI lý giải, quy trình khởi kiện điều tra, tố tụng của các vụ chống bán phá giá, chống trợ cấp thường rất phức tạp. Các DN khởi kiện thường phải tốn nhiều công sức, thời gian cũng như chuẩn bị các điều kiện để tiến hành vụ kiện. Các DN phải chứng minh được đối tác cạnh tranh không lành mạnh, bán dưới giá thành sản phẩm hoặc được các Chính phủ trợ cấp…

Nhưng với biện pháp tự vệ thì lại khác, các DN chỉ cần chứng minh rằng có một số lượng hàng hóa nhập khẩu nhiều bất thường gây thiệt hại nghiêm trọng tới sản xuất trong nước. DN đề nghị Chính phủ điều tra, nếu thấy đúng thì áp dụng biện pháp tự vệ là tăng thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, hình thức này khiến Chính phủ phải bồi thường cho đối tác về thuế quan ở một mặt hàng khác. Mức bồi thường này phải tương đương những thiệt hại mà ngành áp dụng biện pháp tự vệ phải gánh chịu.

Kết quả điều tra của Hội đồng tư vấn về PVTM, Trung tâm WTO và hội nhập – VCCI cho thấy, có tới 86% số DN cho rằng nếu đi kiện thì mình sẽ gặp khó khăn trong huy động tài chính cho việc này (trong đó 52% cho là khá khó khăn, 34% cho rằng việc huy động này là rất khó khăn). Chỉ có 2% cho rằng chi phí kiện PVTM sẽ không là vấn đề lớn, 12% cho rằng dù có thể khó khăn nhưng không quá lớn.

Nếu muốn khởi kiện thì phải thu thập rất nhiều bằng chứng của cả phía nguyên đơn và bị đơn. Tuy nhiên có tới 62% DN cho rằng, họ sẽ gặp khó khăn ngay khi thu thập thông tin chứng minh thiệt hại trong ngành của mình. Tương tự như vậy, có tới gần 63% DN cho rằng gặp khó khăn trong việc thu thập thông tin về hiện tượng nhập khẩu ổ ạt vào thị trường nội địa. DN muốn đi kiện mà thu thập thông tin ngay phía mình còn kêu khó khăn còn nói gì đến việc thu thập thông tin phía bị đơn – bà Trang bình luận.

Vấn đề tập trung lực lượng để tham gia khởi kiện cũng là một câu chuyện không hề đơn giản đối với các DN Việt Nam. Để đủ điều kiện đi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, các DN nguyên đơn phải đại diện cho 25% thị phần trở lên và phải thu thập được chữ ký của DN nắm trên 50% thị phần. Đây cũng là một thách thức đối với những ngành không có nhiều DN lớn, DN thống lĩnh.

Vẫn hiểu lơ mơ

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, rất nhiều DN taxi của Hiệp hội taxi tại Hà Nội, Hiệp hội taxi TP HCM bức xúc muốn khởi kiện chống bán phá giá đối với taxi Uber và Grab taxi. Không ít DN taxi cho rằng, họ bị Grab taxi cạnh tranh không lành mạnh, được Cty mẹ ở nước ngoài trợ giá. Giá dịch vụ taxi Grab được đưa về dưới giá thành dịch vụ.

Vấn đề này đã được bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hội đồng tư vấn về PVTM, Trung tâm WTO và Hội nhập – VCCI khẳng định, các DN taxi không thể kiện chống bán phá giá được. Trước tiên các công cụ PVTM chỉ áp dụng với hàng hóa chứ chưa mở rộng ra với dịch vụ. Thứ nữa, đây là vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh. DN taxi muốn khởi kiện thì nộp đơn theo trình tự tranh chấp về cạnh tranh ở trong nước.

Một vấn đề mà dư luận thời gian qua rất chú ý đó là thông tin Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ đang chuẩn bị các bước để khởi kiện DN Mỹ bán phá giá thịt gà tại Việt Nam. Đại diện Bộ NN-PTNT cho biết, thịt gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua đã chiếm tới 7 – 8% sản lượng trong nước. Về mặt sản lượng, DN Việt Nam đủ điều kiện để khởi kiện gà nhập khẩu từ Mỹ (điều kiện 3% trở lên được khởi kiện).

Tuy nhiên, để khởi kiện một vụ việc PVTM đối với một sản phẩm hàng hóa còn phải hội tụ nhiều điều kiện, nhiều căn cứ nữa. Đơn cử như thông tin về việc nhập khẩu thịt gà từ Mỹ đã làm thiệt hại thế nào đối với sản xuất trong nước. Tất cả các số liệu đều phải tính toán được cụ thể…

Cũng theo bà Trang, thông tin về sản xuất thịt gà ở Mỹ còn khó khăn hơn gấp bội thông tin trong nước. Chúng ta không thể chỉ chụp ảnh và lấy thông tin từ một vài siêu thị của Mỹ bán thịt gà của họ mà coi đó là chứng cứ được. Việc thu thập thông tin, chứng cứ đang là trở ngại hàng đầu đối với các DN. Muốn có thông tin từ phía đối tác, DN phải chuẩn bị một nguồn lực đáng kể. Trong khi các DN của nhiều quốc gia đã coi PVTM là một trong những giải pháp mang tính chiến lược phát triển, thì dường như các DN Việt Nam chưa có bất kỳ chuẩn bị vật chất gì sẵn sàng cho việc sử dụng công cụ khởi kiện PVTM khi cần thiết.

Đánh giá về các điều kiện khởi kiện của DN Việt Nam, bà Trang cho rằng, kiện PVTM không phải là “cuộc chơi” của mỗi DN riêng lẻ, nó là “cuộc chơi tập thể”. Đây là chiến lược, là hành động của từng ngành sản xuất nội địa. Để sử dụng công cụ này, các DN phải tập hợp lại với nhau, thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa liên quan (cho sản phẩm liên quan).

Đối với vấn đề thông tin, các cơ quan nhà nước như Hải quan, Cục Quản lý cạnh tranh đều cần phải cung cấp những thông tin đầy đủ và chính xác cho DN khi khởi kiện. Những thông tin không liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật quốc gia thì phải cung cấp kịp thời cho cộng đồng DN, như thông lệ quốc tế. DN cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cả về tài chính và con người phục vụ cho công cụ PVTM. DN phải hiểu rằng, đây chính là việc mà họ phải làm để bảo vệ mình và không có ai làm thay. Thật buồn khi hiện vẫn còn tới trên 25% DN đề nghị Chính phủ hỗ trợ. DN không biết rằng, nguyên tắc của WTO không cho phép Chính phủ hỗ trợ DN đi kiện PVTM.
 
DN còn thiếu thái độ hợp tác trước các vụ kiện PVTM
LS Phạm Lê Vinh – Cty Luật TNHH ATIM:
Là luật sư đã từng tham gia vụ kiện PVTM, tôi cho rằng, điều mà các DN đang thiếu đầu tiên là thái độ hợp tác trước các vụ kiện PVTM. Kể cả tư cách nguyên đơn hay bị đơn, nhiều DN còn rất kém về thái độ tiếp cận. Về nguyên tắc luật Việt Nam và quốc tế, dù khởi kiện hay bị kiện thì cơ quan điều tra cũng rất cần có thông tin. Vậy mà có trường hợp, cơ quan điều tra nước ngoài yêu cầu cung cấp thông tin nhưng bị DN Việt Nam từ chối. DN cho rằng, thông tin đó không liên quan đến mình và đứng ngoài cuộc. Tuy nhiên, phía đối tác sẽ lấy cơ sở của việc không cung cấp thông tin này để áp đặt thông tin làm chứng cứ có lợi cho họ.
Bên cạnh đó, các DN Việt Nam còn có tâm lý ngại kiện tụng, đặc biệt kiện tụng với nước ngoài. Đây là điều DN phải vượt qua. Bởi vì khi tham gia sân chơi chung, DN buộc phải chấp nhận sẽ có kiện tụng. Kiện PVTM là một hoạt động bình thường, phải có trong các quan hệ thương mại.
Hiện nay, các DN, hiệp hội thường không biết tìm kiếm thông tin ở đâu khi tham gia các vụ kiện PVTM. Nên chăng VCCI và Cục Quản lý Cạnh tranh cần cung cấp thông tin nhiều hơn, thậm chí có thể nêu lên dấu hiệu về chống bán phá giá, chống trợ cấp để các DN xem xét và soi vào. DN cần biết để phân biệt từ bản thân hoạt động của mình có bị rơi vào chống bán phá giá, trợ cấp… hay không?
Ngoài ra, bản thân các DN VN đều nhỏ lẻ nên tính liên kết rất kém. Do đó rất cần vai trò của hiệp hội. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam, hiệp hội lại chưa thể hiện được vai trò nhiều. Trong khi đó, mỗi hiệp hội thì có nhiều ngành hàng khác nhau. Vì vậy, việc liên kết giữa các DN và giữa các DN trong hiệp hội cần theo hướng phân nhóm cụ thể liên quan đến từng lĩnh vực, từng sản phẩm. Đây là những nhóm DN mà khi khởi kiện hoặc bị khởi kiện PVTM sẽ thuộc cùng một đối tượng.
 
Không chỉ do lỗi của DN chưa quan tâm
Ông Lê Anh Ba – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam:
Đúng là PVTM trách nhiệm đầu tiên là của DN. Cũng phải thừa nhận rằng đến giờ phút này, DN Việt Nam còn hiểu biết và sử dụng công cụ này một cách rất hạn chế. Tuy nhiên, nếu đổ hết lỗi tại DN là chưa đúng. Các cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm khi để DN chưa hiểu sâu, chưa mặn mà đối với PVTM. Cái gì cũng có hai mặt, DN chưa hiểu vì chưa được cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời.
Cứ nói hiệp hội DN là kênh thông tin, nguồn thông tin đối với DN. Nhưng hiệp hội lấy đâu nguồn thông tin để cung cấp cho các hội viên. Hiệp hội phải có nơi cung cấp thông tin một cách chính thống đầy đủ từ phía những cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng thực tế nếu muốn có thông tin đôi khi DN và hiệp hội DN phải đi mua theo các kênh khác nhau. Đã có những vụ kiện, nhiều thông tin của ngay chính chúng ta lại do đối tác cung cấp trong khi DN trong nước thì không có.
Thông tin liên quan đến PVTM hiện còn rất chung chung và sơ sài. DN VN hầu hết là DNNVV nên không đủ nguồn lực để nghiên cứu sâu từng vấn đề cụ thể của PVTM. Trước tiên là vấn đề trình tự của một vụ kiện PVTM, DN thấy có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, sản phẩm nhập khẩu bị bán phá giá, bị trợ cấp không biết sẽ triển khai ra sao, gặp ai…
Chính sách pháp luật của nhà nước cũng cần quan tâm đến vấn đề này. PVTM không chỉ đem lại lợi ích cho DN mà cho cả nền kinh tế. Các cơ quan quản lý cũng cần phải hiểu DN, phải biết DN đang yếu ở đâu, thiếu cái gì, vì sao chưa áp dụng công cụ PVTM. Nếu WTO không cho nhà nước hỗ trợ trực tiếp thì hỗ trợ về mặt tuyên truyền, về mặt chính sách để DN không vi phạm nguyên tắc mà vẫn tạo điều kiện cho DN áp dụng PVTM…
 
Ngày 17/10/2015
Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
Quảng cáo sản phẩm