Doanh nghiệp Việt Nam còn hai điểm yếu

28/01/2015 12:00 - 751 lượt xem

(SGGP).- Ngày 27-1, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Thách thức phát triển doanh nghiệp năm 2015”. Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) cho rằng, mặc dù đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đóng góp ngân sách nhà nước và ổn định kinh tế xã hội nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam còn rất hạn chế về quy mô, vốn, công nghệ, trình độ quản lý dẫn đến hạn chế về năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích, DNNVV Việt Nam cũng giống như mọi DNNVV các nước. Tuy nhiên DNNVV Việt Nam có 2 điểm yếu hơn so với các nước. Thứ nhất, cùng có số lượng như nhau nhưng DNNVV Việt Nam lại đóng góp cho GDP thấp hơn các nước. Thứ hai, nếu nhìn chung trong nền kinh tế thế giới, DNNVV Việt Nam rất ít, DN lớn lại càng ít hơn. Chính vì vậy, chúng ta không có nhiều lợi thế để tham gia vào chuỗi hội nhập và hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp Việt Nam rất thấp cả về mặt công nghệ và kỹ năng quản trị.

Dự báo về năm 2015, TS Võ Trí Thành khẳng định, lạm phát sẽ thấp, chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt hơn, nhưng đây cũng là một năm khó khăn trong bối cảnh đồng USD rớt giá mạnh. Ngoài ra, còn nhiều khó khăn trong chính sách tài khóa, phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, phải cơ bản dựa vào luật chơi thị trường - đó là một thị trường tự do sâu, mạnh nhưng cũng là một thị trường kỷ luật, giám sát mạnh mẽ hơn.

Nếu xét về tốc độ hội nhập trong vòng 20 năm qua (từ 1995 đến 2015) thì Việt Nam đã làm được khá nhiều thông qua việc các FTA đã ký kết như: Nhật Bản; Chile; cùng ASEAN ký kết. Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), những FTA đã ký kết thì hầu như chỉ tập trung vào thuế, mức độ tự do bị hạn chế hơn. Còn đặc trưng của các FTA sắp tới với Liên minh châu Âu hay TPP, phạm vi bao phủ sẽ rộng hơn, mức độ tự do hóa mạnh hơn và tác động không chỉ xuất nhập khẩu mà còn ở thị trường và thể chế.

Các FTA thế hệ mới là cạnh tranh bình đẳng, cạnh tranh thắt chặt với doanh nghiệp nhà nước; minh bạch thủ tục mua sắm công, giải quyết tranh chấp... Năm 2015 là năm cuối cùng để thực hiện giảm các dòng thuế về 0% đối với hầu hết các mặt hàng, còn các FTA khác sẽ được cắt giảm rất mạnh. Doanh nghiệp cần phải biết rõ đang mở cửa đến đâu để có lộ trình cho sự chuẩn bị nhằm vượt qua những tiêu chuẩn cần thiết và khó khăn.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, năm 2015 Việt Nam sẽ kết thúc việc đàm phán và ký Hiệp định TPP, FTA với các đối tác và chính thức bước vào lộ trình cạnh tranh quốc tế một cách hoàn toàn nhất với đầy cam go, thách thức cũng như nhiều tín hiệu tích cực.

Nguồn: SGGP
Quảng cáo sản phẩm