Doanh nghiệp xe đạp chờ xuất hàng trở lại
09/07/2010 12:00
Thông tin Ủy ban châu Âu (EC) bãi bỏ việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng xe đạp Việt Nam vào thị trường EU được các doanh nghiệp trong nước kỳ vọng sẽ giúp phục hồi ngành công nghiệp xe đạp và đang tích cực chuẩn bị về nhân lực, linh kiện để có hàng xuất khi có yêu cầu từ đối tác.
Theo đại diện một số doanh nghiệp lắp ráp xe đạp thành phẩm, từ đầu năm đến nay họ đã theo dõi rất sát diễn biến tình hình của EC về việc thực hiện áp thuế chống bán phá giá. Trước những thông tin khả quan thu được, nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên hệ lại với các khách hàng cũ và các nhà cung cấp linh kiện trong nước, nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… nhằm chuẩn bị sẵn nguồn hàng.
Ông Võ Trung Chi, Chủ nhiệm phòng tổng giám đốc Công ty Con Rồng (Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai), cho biết các bạn hàng cũ của công ty tỏ ý sẽ lấy lại hàng nếu việc áp thuế chống bán phá giá được EC dỡ bỏ. Trong khi đó, các công ty sản xuất linh kiện, phụ tùng thì khẳng định sẵn sàng cung cấp hàng nếu doanh nghiệp có yêu cầu.
Cũng theo ông Chi, việc khôi phục sản xuất trở lại của những doanh nghiệp vốn giữ được hoạt động trong 5 năm qua sẽ không quá khó khăn vì cơ sở hạ tầng, máy móc đã có sẵn. Riêng về công nhân, nhiều người nghỉ việc trước đó hiện đã liên hệ, muốn được làm việc lại. “Thu hút nhân công có tay nghề, quen việc sẽ không khó với những đơn vị làm tốt tiêu chuẩn SA 8000 - tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, ông Chi nhận định.
Điều các doanh nghiệp đang chờ đợi là mức thuế mới sau khi thuế chống bán phá giá hết hiệu lực sẽ được EC áp dụng ở mức bao nhiêu, cao hơn hay thấp hơn mức thuế cũ?
Một lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất xe đạp khá hiểu về tình hình của các doanh nghiệp phía Nam cho biết chính sách thuế của EC trong 5 năm qua đã khiến một số doanh nghiệp sản xuất xe đạp trong nước phải chuyển sang Campuchia hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề, thậm chí một số doanh nghiệp phá sản. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ có cơ hội phục hồi, quay trở về Việt Nam làm ăn. Nguyên nhân là do họ vẫn còn cơ sở hạ tầng cũ và điều kiện đầu tư trong nước tốt hơn nhiều ở Campuchia (về an ninh, về trình độ lao động…).
Các doanh nghiệp lắp ráp xe đạp cũng cho biết, trong thời gian bị chống bán phá giá, họ đã chuyển hướng đầu tư phát triển thị trường trong nước cũng như tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu ngoài EU. Tuy sản lượng phục vụ cho các thị trường này là khá nhỏ, chỉ chiếm 5-10% lượng hàng xuất đi châu Âu thời gian trước nhưng đây là các thị trường tiềm năng, cần chú trọng. Vì vậy, trong thời gian tới, để có thể phát triển bền vững, các doanh nghiệp sẽ “đi bằng hai chân”, vừa xuất khẩu vừa đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
Các tin khác
- NÓNG: Mỹ - Trung giảm thuế đối ứng lẫn nhau 115% (13/05/2025)
- Tăng cảnh báo từ sớm, từ xa cho doanh nghiệp khi Ấn Độ siết phòng vệ (12/05/2025)
- Nông sản Việt trước bài toán tiêu chuẩn, chất lượng của EU (12/05/2025)
- Tìm cách gia tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ (12/05/2025)
- Tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều thị trường mới (12/05/2025)