Đồng thời áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đường mía từ Thái Lan: Rủi ro thuế trùng thuế?

07/05/2021 12:00 - 383 lượt xem

Ngày 9 tháng 2 năm 2021, để ngăn ngừa thiệt hại cho sản phẩm đường mía của Việt Nam, Bộ Công thương Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu Thái Lan (“Quyết định 477”). Ngày 12 tháng 5 năm 2021 sắp tới, Bộ Công thương cũng sẽ tổ chức tham vấn về việc điều tra và áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tạm thời này. Trong khi đó, Điều VI.5 Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994 (“Hiệp định GATT 1994”) yêu cầu các thành viên Tổ chức thương mại Thế giới (“WTO”) có nghĩa vụ không áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với cùng một mặt hàng nhập khẩu (“nguyên tắc tránh đánh thuế trùng”). Bài viết phân tích nguyên tắc tránh đánh thuế trùng và, trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp.

WTO yêu cầu tránh đánh thuế trùng

Để thực hiện tự do hóa thương mại, WTO yêu cầu các thành viên WTO phải cắt giảm thuế nhập khẩu, dỡ bỏ hạn ngạch thuế quan. Do đó, để ngăn ngừa thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước do giảm thuế, bỏ hạn ngạch, WTO cho phép các thành viên WTO áp dụng một số biện pháp khắc phục mang tính chất tạm thời bao gồm: (i) biện pháp chống bán phá giá (khi doanh nghiệp nước ngoài bị kết luận bán phá giá); (ii)biện pháp chống trợ cấp (khi chính phủ nước ngoài trợ cấp, hỗ trợ tài chính hướng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa) và (iii) biện pháp tự vệ (khi hàng hóa nước ngoài gia tăng). Các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ thương mại đã được ghi nhận từ năm 1947 trong Hiệp định chung về thuế quan và thương mại 1994 (“Hiệp định GATT 1994”). Để tăng cường hiệu quả áp dụng, WTO đã cụ thể hóa các nghĩa vụ này trong các Hiệp định chống bán phá giá (“Hiệp định ADA”), Hiệp định chống trợ cấp (“Hiệp định SCM”).

Nhìn chung, theo các Hiệp định này, khi điều tra và áp thuế chống bán phá giá hay thuế chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu từ các thành viên khác của WTO, Việt Nam không có nghĩa vụ phải áp dụng trực tiếp Hiệp định GATT 1994, Hiệp định ADA và Hiệp định SCM để điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp các mặt hàng nhập khẩu. Như vậy, việc Việt Nam ban hành và áp dụng Luật quản lý ngoại thương 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, chứ không áp dụng trực tiếp các Hiệp định ADA và Hiệp định SCM, vào quy trình điều tra và áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là hoàn toàn phù hợp với nghĩa vụ thành viên WTO của Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam có nghĩa vụ phải làm pháp luật do mình ban hành phù hợp với các nghĩa vụ được quy định trong các Hiệp định nêu trên (Điều XVI.4 Hiệp định Marakesh thành lập WTO và Điều 18.4 Hiệp định ADA, Điều 32.5 Hiệp định SCM). Trong bối cảnh Việt Nam đã đồng thời áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu thì Việt Nam có nghĩa vụ phải tuân thủ nguyên tắc tránh đánh thuế trùng được quy định tại Điều VI.5 Hiệp định GATT 1994 “không một sản phẩm nào xuất xứ từ lãnh thổ của bất kỳ quốc gia ký kết nhập khẩu vào lãnh thổ của thành viên ký kết khác chịu cả thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp để bù đắp cho cùng một tình huống bán phá giá hoặc trợ cấp xuất khẩu”.

Theo Hiệp định SCM WTO, trợ cấp được phân loại thành 03 loại: (1) trợ cấp đèn đỏ (bị cấm) bao gồm một trong 02 nhóm nhỏ như (i) trợ cấp liên quan đến thưởng xuất khẩu và (ii) trợ cấp ưu tiên sử dụng hàng nội địa thay thế hàng nhập khẩu;2 (2) trợ cấp đèn vàng (có thể bị kháng kiện) như hỗ trợ tiếp cận quỹ đất, vốn vay cho toàn thể doanh nghiệp, không giới hạn xuất khẩu3 và (3) trợ cấp đèn xanh (không thể bị kháng kiện – đã hết hiệu lực từ 2003) như trợ cấp nghiên cứu khoa học nâng cao nâng suất sản xuất.4 Hay nói cách khác, hàng hóa nhận trợ cấp đèn vàng và trợ cấp đèn xanh không được xuất khẩu và sẽ chỉ tiêu thụ tại chính quốc gia cấp trợ cấp mà thôi. Do đó, không áp thuế chống trợ cấp đối với các loại hàng hóa nhận trợ cấp đèn vàng và đèn xanh.

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của mình vào thị trường nước ngoài với giá không công bằng. Trong đó, trợ cấp xuất khẩu cũng là một cách để doanh nghiệp xuất khẩu bù lỗ. Do đó, WTO cho rằng, nếu doanh nghiệp nhận tiền của chính phủ để bù lỗ cho chi phí sản xuất và bán phá giá thì khi áp thuế chống bán phá giá, hàng hóa sẽ phải tăng giá, thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất hàng tương tự của quốc gia nhập khẩu đã được loại trừ. Lúc này, WTO yêu cầu nếu quốc gia nhập khẩu vẫn tiếp tục áp thuế chống trợ cấp thì cơ quan có thẩm quyền của họ phải có nghĩa vụ loại bỏ những thiệt hại do bán phá giá gây nên và để lúc này thuế chống trợ cấp chỉ dùng để loại bỏ thiệt hại do trợ cấp xuất khẩu gây nên mà thôi. Như vậy, thuế chống bán phá giá cũng là thuế nhập khẩu bổ sung và thuế chống trợ cấp cũng là thuế nhập khẩu bổ sung. Do đó, WTO hoàn toàn hợp lý khi yêu cầu các thành viên của mình phải đảm bảo không áp dụng “thuế trùng thuế” đối với cùng một mặt hàng nhập khẩu từ các thành viên WTO.

Trên thực tế, nhiều thành viên WTO cũng kiện lên Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (“Cơ quan DSB”) về việc bị vi phạm nguyên tắc này. Chẳng hạn như, Argentina đã kiện Peru vì Peru đã áp dụng cả thuế chống bán phá giá (Quyết định số 189-2016/CDB-INDECOPI ngày 19/10/2016) và thuế chống trợ cấp (theo Quyết định số 011-2016/CDB-INDECOPI ngày 25/01/2016) đối với sản phẩm dầu sinh học (“biodiesel”) nhập khẩu từ Argentina.5

Và, tính đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc là thành viên WTO khởi kiện bị vi phạm nguyên tắc này nhiều nhất bởi vì các thành viên WTO (như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu…) đã nhiều lần đồng thời áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc.6 Cụ thể, trong vụ kiện Trung Quốc với Hoa Kỳ (DS368), Hoa Kỳ cho rằng vỏ xe GPX của Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ với giá không công bằng gây thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp vỏ xe trong nước của Hoa Kỳ và áp thuế chống bán phá giá 29.93% và thuế chống trợ cấp là 14%. Trung Quốc khởi kiện Hoa Kỳ ra Cơ quan DSB của WTO bởi vì việc áp thuế đồng thời chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm này của Hoa Kỳ bằng phương pháp đặc biệt áp dụng đối nước có nền kinh tế phi thị trường (từ chối sử dụng giá của Trung Quốc, mà chỉ sử dụng giá từ các quốc gia khác thay thế cho giá hàng hóa của Trung Quốc) như là biện pháp trừng phạt hai lần.7
 
Áp dụng đồng thời thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp: Việt Nam đã tránh thuế trùng thuế?

Ở Việt Nam, mía đường là một trong những ngành công nghiệp lâu đời nhưng năng lực cạnh tranh vẫn còn nhiều thấp. Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam không thể tiếp tục bảo hộ bằng chính sách thuế nhập khẩu và hạn ngạch thuế quan. Do đó, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp để tự do thương mại ngành mía đường (như cắt giảm thuế nhập khẩu đường còn 5%; bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu đường mía từ ngày 1/1/2020 đối với các nước ASEAN …) và đồng thời hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh (nâng cao chất lượng giống mía, cơ giới hóa …). Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, giá mía nguyên liệu, giá đường nhập khẩu vào Việt Nam vẫn thấp hơn giá mía nguyên liệu, giá đường thành phẩm do Việt Nam sản xuất.

Vào tháng 9/2020, Cục phòng vệ thương mại Bộ Công thương Việt nam đã căn cứ vào Luật Quản lý ngoại thương 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thụ lý Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) của một số doanh nghiệp sản xuất đường mía của Việt Nam và tiến hành điều tra bán phá giá và trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan có mã số HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.99.10. Đến ngày 9/2/2021, Bộ Công thương đã áp thuế chống bán phá giá (đường tinh luyện là 48,88% và đường thô là 33,88%) và thuế chống trợ cấp đối với Trade Remedies Authority mía đường nhập khẩu từ Thái Lan.8

WTO đã từng khẳng định “vi phạm nguyên tắc thuế trùng thuế không nhất thiết sẽ xảy ra đơn thuần chỉ bởi vì thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đều cùng áp dụng đối với cùng một sản phẩm. Nhưng, về bản chất, thuế trùng thuế dùng để chỉ hoàn cảnh mà việc áp dụng đồng thời cả thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với cùng một sản phẩm nhập khẩu dẫn đến hệ quả là triệt tiêu trợ cấp xuất khẩu đến hai lần”. 5 Như vậy, khi Việt Nam đồng thời áp dụng cả thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, nếu muốn chứng minh Việt Nam không vi phạm nguyên tắc thuế trùng thuế, chúng ta có nghĩa vụ chứng minh Việt Nam không triệt tiêu trợ cấp xuất khẩu của Thái Lan hai lần!!

Trong bối cảnh, các quy định của Luật quản lý ngoại thương 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa cụ thể hóa nguyên tắc tránh đánh thuế trùng theo yêu cầu của Điều VI.5 Hiệp định GATT 1994. Hơn thế nữa, hồ sơ câu hỏi do Cục phòng vệ thương mại gửi cho doanh nghiệp vẫn chưa thể hiện được thông tin tránh đánh thuế trùng trong việc xác định mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.6 Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam có viện dẫn một số chương trình trợ cấp do chính phủ Thái Lan thực hiện, bao gồm cả trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp thông thường, (ví dụ như chương trình miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu và các chương trình hỗ trợ nông dân đường mía của chính phủ Thái Lan…).

Thuế chỉ đang tạm thời?

Chúng tôi cho rằng cần phải rà soát đồng bộ việc áp dụng cùng lúc thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía bởi vì nhiều lý do. Thứ nhất, như đã phân tích, theo WTO, nghĩa vụ loại bỏ “thuế trùng thuế” là nghĩa vụ chủ động của các thành viên WTO khi đồng thời áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một mặt hàng nhập khẩu bị điều tra. Do đó, Việt Nam cần phải ghi nhận chi tiết hơn về sự chủ động này trong Luật quản lý ngoại thương 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành để phòng ngừa trường hợp Việt Nam bị kiện vì luật Việt Nam không phù hợp với nghĩa vụ của WTO theo các Hiệp định của WTO (as such violation). Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng cần rà soát trong từng hồ sơ điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của một mặt hàng nhất định, Việt Nam đã phân tích những chương trình, thuật toán, phương pháp mà Việt Nam sử dụng để loại trừ khả năng Việt Nam đã đánh trùng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên cùng một thiệt hại, cùng một hành vi bán với giá không công bằng để phòng ngừa Việt Nam bị kiện vì thực tiễn áp dụng luật vi phạm với nghĩa vụ của Việt Nam theo WTO (as applied violation). Thứ hai, hai loại thuế này sẽ làm giá đường mía tăng cao hơn. Về lý thuyết, điều này sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành của những ngành công nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất khác và người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng, bị thiệt hại. Trong khi đó, Luật quản lý ngoại thương đã khẳng định “cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ phải xác định tác động của biện pháp chống bán phá giá đối với kinh tế xã hội – Điều 80 khoản 4). Và, cuối cùng, không kém phần quan trọng đó là, Quyết định 477 chỉ là quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời. Việt Nam có quyền rà soát và điều chỉnh theo hướng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khác nếu Việt Nam có đủ chứng cứ cho rằng đường mía của Việt Nam đã đang bị thiệt hại nghiêm trọng để tránh rủi ro vi phạm nguyên tắc “thuế trùng thuế”.
 
TS. Lê Thị Ánh Nguyệt - Tiến sỹ Luật, Partner in Lac Duy & Associates, thành viên Hội đồng khoa học của VIAC.

1 Quyết định 477/QĐ-BCT về việc áp thuế CBPG và thuế CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

2 Điều 3 Hiệp định SCM.

3 Điều 5 Hiệp định SCM.

4 Điều 8 Hiệp định SCM.

5 WT/DS379/AB/R, đoạn 541.

6 Quyết định 2466/QĐ-BCT ngày 21/9/2020

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn bản in ngày 22/04/2021
Quảng cáo sản phẩm