EU có thể điều tra chống gian lận thương mại đối với giày da

23/08/2007 12:00 - 1398 lượt xem

Từ tháng 10/2006, EU đã áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng giày da có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc. Mặc dù những biện pháp này tác động tích cực đối với doanh số của ngàng sản xuất giày trong Liên minh, Uỷ ban Châu Âu vẫn nghi ngờ các nước đang lấn tránh việc thực hiện các biện pháp đó.
Theo Uỷ ban, hàng hoá có xuất xứ từ Việt Nam và Trung Quốc đã thâm nhập thị trường Châu Âu thông qua nước thứ ba, như Cam-pu-chia, Ma-lai-xia và Ma-cao vì kim ngạch xuất khẩu mặt hàng giày của những nước này tăng lên sau khi EU áp dụng biện pháp chống bán giá. Nếu nghi ngờ của Uỷ ban có cơ sở, điều này có nghĩa là đang diễn ra hiện tượng lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày (mức thuế suất 16,5% đối với hàng Trung Quốc và 10% đối với hàng Việt Nam).

Hiện nay, có thông tin cho rằng Văn phòng Chống gian lận thương mại của Liên minh Châu Âu (OLAF) đang tiến hành điều tra chống gian lận đối với mặt hàng giày nhập khẩu vào EU từ Cam-pu-chia, Ma-lai-xia và Ma-cao. Uỷ ban đặc biệt chú ý tới Ma-cao vì nước này vốn không có năng lực sản xuất lớn đối với hàng giày dép nhưng đã đạt mức tăng trưởng 1700% trong vòng 1 năm (từ 2005 đến 2006).

Việc OLAF khởi xướng điều tra có thể kéo theo hoạt động điều tra chống lẩn tránh thuế của các bộ phận phụ trách tự vệ thương mại của Uỷ ban. Nếu Uỷ ban kết luận có hiện tượng lẩn tránh thuế chống bán phá giá thì giày dép xuất khẩu từ các nước bị coi là nơi « chuyển khẩu » của mặt hàng giày xuất xứ từ Việt Nam hoặc Trung Quốc cũng sẽ phải chịu thuế khi thâm nhập vào thị trường EU.
Theo tdctrade.com

23/8/2007

Nguồn : Gide Loyrette Nouel (Brussels)
Quảng cáo sản phẩm