EU không thúc ép Việt Nam tham gia FTA
27/11/2009 12:00
Ông Rupert Schlegelmilch - Vụ trưởng Vụ Thương mại với ASEAN, Hàn Quốc và Ấn Độ, hôm 25.11 có mặt tại Hà Nội để bàn thảo khả năng đàm phán FTA giữa EU và Việt Nam.
Trao đổi với báo chí, ông Rupert khẳng định: "EU không sử dụng thuế bán phá giá làm đòn bẩy để thúc ép Việt Nam tham gia FTA với EU".
- Cuộc đàm phán FTA cấp khu vực giữa EU và ASEAN đang lâm vào bế tắc. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính?
- Nguyên nhân là do tính đa dạng của ASEAN. Mỗi nước trong số 10 thành viên ASEAN luôn có kỳ vọng khác nhau đối với cách tiếp cận khu vực về đàm phán FTA. Nhóm nước phát triển hơn có các mục đích khác với các nước còn lại.
- Có vẻ như EU đã từ bỏ cách tiếp cận mang tính khu vực và chuyển sang đàm phán FTA song phương với từng thành viên ASEAN? Ông nhận thấy quan điểm của các nước - trong đó có VN, về cách tiếp cận này như thế nào?
- Chúng tôi đã thấy tín hiệu từ chính phủ các nước quan tâm tới FTA với EU, trong đó có VN. Xoá bỏ các rào cản thương mại là mục tiêu mà chúng tôi đang hướng tới. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, EU không quyến rũ hay chào hàng FTA mà cần phải đảm bảo lợi ích từ cả hai phía.
- Ý tưởng về đàm phán FTA song phương giữa EU với VN đã được đề xuất từ năm ngoái. Các cuộc xúc tiến đàm phán đến nay đã đạt được những tiến triển gì?
- Chúng tôi đã có các cuộc tiếp xúc sơ khởi với phía VN từ tháng tư năm ngoái và đến giờ đã có những hiểu biết khá tốt về kỳ vọng của mỗi bên. Về phía EU, chúng tôi cần có 1 thoả thuận mang tính chính trị giữa các thành viên, để tạm ngừng cách tiếp cận khu vực và chuyển sang cách tiếp cận mới. Mùa hè vừa rồi, chúng tôi mới có được những thủ tục rõ ràng. Nói cách khác, cách đây hơn 1 năm, FTA song phương chỉ là một trong số nhiều ý tưởng thăm dò, và giờ là giải pháp duy nhất mà chúng tôi sẽ áp dụng.
- Ông nói tới tinh thần tự do hoá thương mại của EU, nhưng việc EU áp dụng thuế chống bán phá giá với giày mũ da của VN đang đi ngược với tinh thần đó. Theo ông, việc tiếp tục áp dụng thuế này có gây trở ngại trong đàm phán giữa hai bên?
- Tôi hy vọng các nhà đàm phán VN không coi vấn đề này vượt quá bản chất của nó. Tôi tin rằng các cuộc điều tra áp thuế bán phá giá đã được tiến hành kỹ lưỡng, cẩn thận. Chúng tôi không áp thuế cao hơn mức 10% và mức thuế này sẽ không kéo dài quá lâu. Thực tế là việc áp thuế không khiến giá bán lẻ giày VN tại EU tăng quá 4%. Và trong suốt thời gian áp thuế, lượng giày xuất khẩu kể cả diện chịu thuế vẫn tăng. Chúng tôi không ném giày VN ra khỏi thị trường EU.
- Theo ông, VN được lợi gì khi tham gia FTA với EU?
Ông Rupert Schlegelmilch là nhà đàm phán chính của Hiệp định thương mại tự do (FTA) EU - ASEAN. Ông cho biết:
- Bản chất FTA là đảm bảo sự tiếp cận thị trường tốt hơn cho các DN. Hiện một số mặt hàng của VN như giày dép, hàng điện tử, thuỷ sản... đang phải chịu mức thuế khá cao. Nếu có FTA, các DN sẽ được lợi. Chẳng hạn mặt hàng giày dép hay dệt - may sẽ tiết kiệm được ít nhất 300 triệu euro/năm. FTA cũng sẽ dỡ bỏ các biện pháp chống bán phá giá.
- Có thể hiểu rằng, trong khi chưa có FTA song phương, EU sẽ tiếp tục áp thuế chống bán phá giá lên một số mặt hàng của VN? Có phải EU sử dụng công cụ này để ép VN tham gia FTA không?
- Chúng tôi không thể và không có ý định sử dụng thuế chống bán phá giá làm đòn bẩy thuyết phục VN tham gia FTA. Mức thuế hiện tại cũng chỉ kéo dài thêm 15 tháng. Có thể lúc chúng ta kết thúc đàm phán FTA, thuế này không tồn tại nữa. Nhưng không ai có thể đảm bảo từ 2 phía là trong tương lai sẽ không có các cuộc điều tra chống bán phá giá tiếp.
Nguồn: www.laodong.com.vn
Các tin khác
- Bộ Công Thương dự thảo siết chặt nhập khẩu thuốc lá điếu và xì gà (14/05/2025)
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (14/05/2025)
- Cá rô phi bước vào thị trường thịt trắng toàn cầu (14/05/2025)
- Australia vừa công nhận quả bưởi Việt Nam đủ điều kiện an toàn sinh học để nhập khẩu (14/05/2025)
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời' (14/05/2025)