Farm Bill 2008 sẽ ảnh hưởng đến con cá tra

29/06/2009 12:00 - 1009 lượt xem

Theo báo cáo của Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp và nông thôn (Agroinfo), năm 2008 xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 695,8 triệu đô la Mỹ, chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu (sau Nhật Bản). Tuy nhiên, so với năm 2007, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ lại giảm cả về kim ngạch lẫn số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 23,8 triệu đô la và số lượng doanh nghiệp giảm từ 215 xuống còn 203 doanh nghiệp. Mặc dù có số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lớn nhưng chỉ 20% nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất sang Mỹ (40 doanh nghiệp) đã chiếm tới trên 85% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này.

Bước sang năm 2009, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ có dấu hiệu phục hồi khi kim ngạch đạt 165,3 triệu đô la trong bốn tháng đầu năm, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2008.
Mặc dù vậy, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đặc biệt là xuất khẩu cá tra, cá ba sa sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất dần thị trường bởi các rào cản phi thuế quan của Mỹ khi Luật Nông trại 2008 (Farm Bill 2008) được chính thức thực hiện.
 
Trong luật này có một điều khoản liên quan đến việc đưa ra định nghĩa cá da trơn (catfish) nhằm phục vụ cho chương trình thanh tra cá da trơn sẽ do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thực hiện từ 1-1-2010 trở đi. Trong trường hợp định nghĩa catfish bao gồm cả cá tra và ba sa của Việt Nam thì hai loại cá này sẽ được đưa vào cơ chế thanh tra, kiểm tra hết sức gắt gao của Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm thuộc USDA.
Cũng theo báo cáo của Agroinfo, tính đến hết năm 2008, có 16 công ty thủy sản đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Kim ngạch xuất khẩu của 16 công ty này đạt 839,3 triệu đô la Mỹ, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2008. Trong đó, tốp năm công ty có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ năm 2008 với tổng trị giá là 111,2 triệu đô la gồm: Công ty cổ phần Thủy hải sản Minh Phú (MPC), Công ty cổ phần Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (CAD), Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) và Công ty cổ phần Thủy sản Bạc Liêu (BLF).
 

Trong năm công ty này, chỉ duy nhất Công ty Vĩnh Hoàn là xuất khẩu cá tra và ba sa còn bốn công ty kia chuyên xuất khẩu tôm và các hải sản khác. So với các đối thủ cạnh tranh, Vĩnh Hoàn có ưu thế lớn tại thị trường Mỹ do họ là một trong sáu công ty của Việt Nam được hưởng thuế chống bán phá giá thấp nhất cho mặt hàng cá tra và ba sa xuất sang Mỹ (6,81%).
Năm 2008, xuất khẩu thủy sản của Vĩnh Hoàn sang thị trường Mỹ đạt 40,7 triệu đô la, chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty này. Như vậy, nếu đạo luật Farm Bill 2008 của Mỹ được thông qua thì nó sẽ ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn trong thời gian tới.
Ngoài ra Farm Bill 2008 cũng ảnh hưởng tới một số công ty thủy sản trên sàn khác nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ không lớn do kim ngạch xuất khẩu của các công ty này tới thị trường Mỹ nhỏ như Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF - năm 2008 xuất được 281.000 đô la Mỹ), Công ty cổ phần Nam Việt (ANV,  38.000 đô la).

Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn

 

Quảng cáo sản phẩm