FTA 2.0 và nấc thang mới trên con đường hội nhập

06/01/2021 12:00 - 130 lượt xem

Việt Nam đã tiến thêm một nấc mới trên con đường tự do hoá thương mại bằng cách tham gia vào hàng loạt các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA, RCEP.

Nói về quá trình hội nhập của Việt Nam, trao đổi với DĐDN, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung Tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh chỉ trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã tiến thêm một nấc mới trên con đường tự do hoá thương mại bằng cách tham gia vào hàng loạt các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA, RCEP.

-Từ khác nhau đó của các FTA, đòi hỏi đầu tiên là vai trò tạo ra môi trường tương thích và dẫn dắt xã hội và doanh nghiệp tham gia vào “cuộc chơi” đó như thế nào, thưa bà?

Từ góc độ thể chế pháp luật, cả ba Hiệp định này đều là các Hiệp định thế hệ mới, với phạm vi bao trùm nhiều lĩnh vực, với các cam kết về quy tắc có thể tác động trực tiếp tới nhiều hệ thống pháp luật nội địa. Do đó, việc thực thi các cam kết này đòi hỏi rất nhiều các công việc trong nội luật hóa và thực thi các cam kết.

Tất nhiên, mức độ yêu cầu về thể chế trong mỗi Hiệp định không giống nhau. CPTPP có yêu cầu cao nhất, với phạm vi các vấn đề phải rà soát, điều chỉnh trong pháp luật nội địa rộng nhất, các tiêu chuẩn cũng đòi hỏi cao hơn đáng kể. EVFTA có những đòi hỏi cao hơn CPTPP về góc độ phát triển bền vững nhưng phần lớn không phải là các nghĩa vụ bắt buộc. RCEP với các cam kết về thể chế khiêm tốn hơn đáng kể suy đoán sẽ không đòi hỏi quá nặng nề trong thực thi ở khía cạnh này.

Môi trường kinh doanh không đứng yên mà chuyển động không ngừng, đặc biệt dưới tác động của kinh tế số, thiên tai, dịch bệnh... Vì vậy, mặc dù đã có những chuyển biến rất đáng ghi nhận, hệ thống pháp luật kinh doanh vẫn còn nhiều dư địa để cải cách.

Về trách nhiệm thực thi các cam kết ở khía cạnh thể chế pháp luật và minh bạch này, đương nhiên gánh nặng chủ yếu đặt trên vai các cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm trong rà soát tính tương thích, soạn thảo các phương án nội luật hóa thích hợp, ban hành quy định và tổ chức thực hiện tương ứng.

Mặc dù vậy, để các công việc này được thực hiện theo hướng có lợi nhất, vai trò của doanh nghiệp cũng rất quan trọng.

Cụ thể, doanh nghiệp phải chủ động tham gia vào quá trình rà soát sự tương thích của pháp luật, chính sách nội địa với các cam kết; chủ động có ý kiến trong lựa chọn phương án pháp luật, chính sách vừa tuân thủ cam kết lại vừa có lợi nhất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng lên tiếng phản ánh trong trường hợp việc tổ chức thực thi cam kết có bất cập, gây thiệt hại hoặc cản trở doanh nghiệp thu lợi từ cam kết.

- Theo bà, những vấn đề tồn tại trong nội tại của chúng ta từ chính sách pháp luật về kinh doanh cần tiếp tục phải giải quyết kể từ khi tham gia các FTA thế hệ mới đến nay là gì?

Hệ thống chính sách pháp luật về kinh doanh của chúng ta đã có những thay đổi đáng kể dưới tác động của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007. Những thay đổi này không chỉ là về hình thức, số lượng văn bản hay phạm vi các chế định được điều chỉnh mà còn là những chuyển biến về chất mà chúng ta đều có thể cảm nhận được.

Các FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA với nhiều cam kết tiêu chuẩn cao về thể chế, quy tắc đòi hỏi pháp luật, chính sách Việt Nam trong những lĩnh vực liên quan phải tiếp tục được điều chỉnh. Ví dụ như pháp luật về lao động, về sở hữu trí tuệ, về bảo hộ đầu tư, hải quan và tạo thuận lợi thương mại,… sẽ phải điều chỉnh để tuân thủ các cam kết.

Tuy nhiên, điều mà các chuyên gia kỳ vọng ở CPTPP hay EVFTA cho những thay đổi về chính sách pháp luật Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc sửa đổi một vài điểm cụ thể, ở một vài chế định theo yêu cầu cam kết.

Quan trọng hơn là kỳ vọng rằng những lợi ích kinh tế đáng kể từ các FTA thế hệ mới này có thể tạo ra động lực mới để Việt Nam tiếp tục cải cách chủ động, vì chính mình, để hiện thực hóa tối đa cơ hội. Tiếp tục cải thiện hệ thống pháp luật kinh doanh phù hợp hơn với các nguyên tắc thị trường, tôn trọng và bảo quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, minh bạch ở bất kỳ khía cạnh nào có thể, cải cách thủ tục hành chính, chú trọng việc tham vấn và đối thoại chặt chẽ với các đối tượng chịu ảnh hưởng… là những mục tiêu ưu tiên quan trọng.

- Bối cảnh gia tăng xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới hiện nay, đồng nghĩa với việc hàng Việt bị đối mặt với nhiều hơn các vụ kiện phòng vệ ở các thị trường xuất khẩu, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

Trên thực tế, ở nhiều thị trường, các công cụ này còn bị lạm dụng để bảo hộ trá hình sản xuất trong nước. Xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng trưởng, và vì vậy cũng lọt vào tầm ngắm của không ít các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tuy nhiên, phải nói rõ rằng đây là tình trạng chung của nhiều nước xuất khẩu chứ không riêng Việt Nam.

Việt Nam càng ngày càng phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp và khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị cho khả năng phải đối mặt với nhiều hơn các vụ kiện phòng vệ ở các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường có FTA với suy đoán là xuất khẩu tăng trưởng nhờ thuế quan ưu đãi.

Và để làm điều này, doanh nghiệp trước hết phải chấn chỉnh lại hệ thống sổ sách kế toán và tài chính của mình, bởi các số liệu này sẽ là bằng chứng cốt lõi để bảo vệ doanh nghiệp khi bị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần dự trù nguồn lực nhất định (cả về con người và tiền bạc) để sẵn sàng theo đuổi những vụ kiện vốn rất tốn kém này. Và cuối cùng, cần phối hợp với đối tác nhập khâu của mình để thường xuyên theo dõi thông tin, động thái của thị trường, kịp thời phát hiện và chuẩn bị ngay cho các nguy cơ bị kiện.

- Xin cảm ơn bà!
 
Quảng cáo sản phẩm