"Giải cứu" mía đường: Áp thuế PVTM bao nhiêu là hợp lý?

27/01/2021 12:00 - 225 lượt xem

Hội nhập đã đem lại sự lựa chọn nhiều hơn cho người tiêu dùng Việt Nam đối với mặt hàng đường nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp đường trong nước.

Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam hội nhập với các nền kinh tế khu vực và thế giới như WTO, ATIGA, CPTPP và gần đây nhất là EV FTA và RCEP... Tuy nhiên, điều cần quan tâm đó là mặt hàng đường của các nước thâm nhập vào thị trường nội địa có chất lượng cao hơn và giá thành rẻ hơn.

Từ 1/1/2020, khi Hiệp định ATIGA có hiệu lực chính thức với mặt hàng đường thì thuế xuất nhập khẩu đường vào Việt Nam giảm bình quân từ 85% xuống 5%.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh, đạt gần 1.064.766 tấn, tăng hơn 5 lần so vớicùng kỳ năm 2019 (khoảng 206.600 tấn). Trong đó, lượngđường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam chiếm tỷ lệ chủ yếu, chiếm 89,7% tổng lượng nhập khẩu vào Việt Nam.

Lượng nhập khẩu từ Thái Lan đạt gần 960.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2020 (trong khi lượng nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 chỉ là 182,132 tấn, cả năm 2019 là 300.000 tấn). Ngược lại, sản lượng đường mía trong nước niên vụ 2019/2020 ước tính chưa tới 800 nghìn tấn, sụt giảm so với1,2 triệu tấn của niên vụ 2018/2019.

Mới đây, trong văn bản gửi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đã có những đề xuất mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chênh lệch giữa đường tinh luyện và đường thô nhằm bảo vệ ngành sản xuất đường trong nước.

Văn bản do bà Lý Kim Chi Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM ký nêu rõ: Kể từ 1/1/2020, theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam đã thực hiện xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN, đồng thời giảm thuế nhập khẩu xuống 5%. Tuy nhiên, gần một năm tham gia ATIGA, ngành mía đường Việt Nam chứng kiến không ít biến động khi lượng đường nhập khẩu tràn vào ồ ạt khiến ngành mía đường lao đao.

Trong khi đó, chính sách trợ cấp và có dấu hiệu bán phá giá của Thái Lan thời gian qua khiến lượng đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến và chiếm gần 90% lượng đường nhập khẩu của Việt Nam. Nông dân trồng mía lỗ vốn, buộc phải giảm diện tích trồng mía hoặc bỏ đất hoang. Doanh nghiệp đường trong nước phá sản; một số doanh nghiệp lớn mạnh đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ nông dân, song giá đường thấp vẫn gây sức ép lớn lên ngành này.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ và ngày 21/09/2020 vừa qua, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc điều tra chống bán phá giá (“CBPG”) và chống trợ cấp (“CTC”) đối với một số sản phẩm đường mía thuộc các mã HS 1701.13.00 (Đường thô chưa pha thêm hương liệu, chất tạo màu), 17.01.14.00 (Đường mía hoặc đường củ cải và đường sucroza tinh khiết về mặt hóa học, ở thể rắn) và 1701.99.10 (đường đã tinh luyện) có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan (“Quyết định 2466”). Theo Quyết định 2466, bên yêu cầu đề nghị mức thuế chống bán phá giá áp dụng chung cho hàng hóa bị điều tra thuộc các mã HS như đã nêu là 37,9%.

Theo Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM: Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy áp thuế phòng vệ thương mại (PVTM) cao cũng đồng nghĩa giá đường sẽ được đẩy lên. Nhờ vậy, nông dân có thể bán được mía giá tốt, tăng thêm thu nhập. Nhưng điều đó cũng dễ dẫn đến tình trạng người trồng mía “chủ quan”, không đầu tư cải thiện năng suất, từ đó đánh mất lợi thế khi hội nhập. Trong khi đó, áp thuế giá PVTM cao cũng sẽ khiến giá thành sản xuất các sản phẩm từ đường như bánh kẹo, nước ngọt… gia tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đường và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nếu giá đường cao, trong khi năng lực sản xuất nội địa chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường sẽ dễ phát sinh tình trạng nhập lậu đường giá rẻ để đảm bảo nhu cầu trong nước. Điều này không chỉ gây bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất đường vì phải cạnh tranh với đường lậu, gây thiệt hại cho ngành mía đường mà còn khiến nhà nước bị thất thu nguồn thuế. Chưa kể, người tiêu dùng và doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống sẽ thiệt thòi khi phải chịu một mức chi phí cao hơn cho đường tiêu dùng, sản xuất.
“Nếu áp thuế PVTM quá thấp, giá đường sẽ gia tăng không đáng kể. Thuế PVTM thấp cũng kéo theo giá đường, nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu của nhiều dòng sản phẩm chế biến thực phẩm, nước uống cũng giảm đi tương ứng. Tuy nhiên, cả nông dân và nhà sản xuất đường sẽ phải chịu áp lực về chi phí khi thu nhập từ đường và mía không đủ bù đắp. Vì vậy, dù siết được tình trạng đường lậu nhưng vẫn chưa thể khôi phục toàn bộ ngành mía đường”, văn bản nêu rõ.

Mỗi kịch bản đều đem lại những lợi ích và tiềm ẩn nhiều bất cập. Vì thế, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM xin đề xuất: Nhà nước cần xác định một mức thuế PVTM hợp lý giữa đường thô và đường tinh luyện để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, ổn định thị trường và tái lập môi trường cạnh tranh công bằng.

“Theo đó, chúng tôi kính đề nghị về mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp của đường tinh luyện(mã HS 1791.99.10) cao hơn đường thô (mã HS 1701.13.00 và 1701.14.00) tối thiểu là 15%. Mức thuế chêch lệch này sẽ góp phần hài hòa và đảm bảo quyền lợi của thành phần tham gia vào chuỗi giá trị ngành mía đường theo những phân tích đã được nêu ở trên.

Khi mức thuế chênh lệnh giữa đường tinh luyện (mã HS 1791.99.10) và đường thô (mã HS 1701.13.00 và 1701.14.00) này được áp dụng, song song với đó là việc triển khai đồng bộ và quyết liệt các biện pháp như tiến hành điều tra, khởi kiện các sự việc bán phá giá, trợ cấp quá mức, phát hiện và xử lý nghiêm với đường lậu, chúng tôi tin rằng ngành mía đường Việt Nam sẽ sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn, phát huy tiềm lực, khẳng định vị thế chủ chốt của mình đối với nền kinh tế đất nước và vươn ra khu vực cũng như thế giới”, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM cho biết.

Đồng quan điểm, PGS. TS Trần Việt Dũng, Trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP HCM, nhà nước cần xác định một mức thuế PVTM hợp lý để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, ổn định thị trường và tái lập môi trường cạnh tranh công bằng.

Mức thuế PVTM giữa đường trắng và đường thô nên chênh lệch ở mức 15-17% là đảm bảo hài hoà các lợi ích của nông dân, nhà sản xuất, người tiêu dùng và mức thuế áp dụng phải ngăn được đường lậu tràn vào thị trường nội địa ( điển hình vụ việc buôn lậu đường thời gian vừa qua báo chí đã phản ánh rất nhiều...) môi trường cạnh tranh công bằng tạo động lực phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập nói chung và phát triển ngành mía đường nói riêng để đóng góp vào GDP cả nước.

Các chuyên gia cho rằng, năng lực cạnh tranh ngành mía đường Việt Nam không hề thua kém các quốc gia trong khối nếu được đưa về điều kiện ngang bằng. Nếu được áp dụng các biện pháp PVTM phù hợp với cam kết quốc tế thì cục diện ngành mía đường Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng tích cực.

Đơn cử, nếu áp thuế PVTM (thuế CBPG/ thuế CTC) theo tỷ lệ phù hợp với các mặt hàng đường NK vào Việt Nam có biên độ bán phá giá và mức trợ cấp bất hợp lý, giá đường trong nước sẽ được đẩy lên cao. Không chỉ gia tăng lợi nhuận cho các đối tượng trong chuỗi sản xuất đường của Việt Nam, thuế PVTM được áp dụng đồng bộ và quyết liệt sẽ hạn chế được tình trạng gian lận thương mại, hợp thức hoá đường lậu dưới “lốt” các mặt hàng đường NK chính ngạch được ưu đãi về thuế.

Chính vì vậy, thuế PVTM đang được cho là công cụ khả thi nhất có thể bảo vệ ngành sản xuất đường Việt Nam tại thời điểm này. Mức thuế PVTM được áp dụng “đúng mức - đúng lúc - đúng luật” sẽ giúp ngành mía đường Việt Nam giảm thiệt hại bởi hàng NK, dần hồi phục, giữ vững sản xuất và từng bước phát triển để đứng vững trong kinh tế thị trường.
 

Theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), ngành sản xuất trong nước đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.

Trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của các doanh nghiệp đại diện cho ngành, tháng 9/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

"Hiện tại, cả hai vụ việc đều đang trong quá trình điều tra. Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiến hành điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan nhằm thiết lập một môi trường cạnh tranh công bằng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài", ông Lê Triệu Dũng nói.

Theo ông Lê Triệu Dũng, thông tin việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia với mục đích bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa.
 
Quảng cáo sản phẩm