Giảm rủi ro cho nguồn cung gỗ nhập khẩu từ châu Phi

04/06/2021 12:00 - 47 lượt xem

Châu Phi là một trong các nguồn cung gỗ nhiệt đới quan trọng cho Việt Nam. Tuy nhiên, các hoạt động của chuỗi cung tại thị trường này phức tạp và luôn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt tại các quốc gia có hệ thống quản trị rừng yếu kém. Giảm rủi ro về tính hợp pháp của gỗ nhiệt đới nhập khẩu từ thị trường châu Phi có vai trò sống còn đối với ngành gỗ Việt.

Nhập khẩu gỗ từ châu Phi tiếp tục tăng trong quý I/2021

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), năm 2020, Việt Nam nhập khẩu (NK) trên 668,23 nghìn m3 gỗ tròn và 372,23 nghìn m3 gỗ xẻ từ châu Phi, đạt 371,64 triệu USD, chiếm 15% tổng lượng nhập. Trong quý I/2021, lượng và giá trị nhập gỗ tròn và gỗ xẻ từ thị trường này tiếp tục tăng, đạt 151,59 nghìn m3 gỗ tròn, đạt 54,89 triệu USD, tăng 6% về lượng và 13% về giá trị nhập so với cùng kỳ năm 2020, đối với gỗ xẻ lượng nhập 104,07 nghìn m3 đạt 35,48 triệu USD tăng 5% về lượng nhưng giảm 1% về giá trị.

Châu Phi là nguồn cung chính gỗ nhiệt đới cho Việt Nam với khoảng trên dưới 20 quốc gia cung gỗ và lượng nhập trên dưới 1,3 triệu m3 quy tròn mỗi năm. Lượng cung này chiếm khoảng 1/4 trong tổng lượng gỗ tròn và xẻ NK vào Việt Nam từ tất cả các nguồn.

Theo VIFOREST hiện có khoảng 240 DN trực tiếp tham gia NK gỗ từ châu Phi. Trong đó, số DN có quy mô nhỏ với lượng gỗ nhập từ 1.000m3 trở xuống, chiếm gần 1/3, tuy nhiên, lượng gỗ mà các DN này NK chỉ chiếm khoảng dưới 1% trong tổng lượng nhập. Các DN có quy mô nhỏ và rất nhỏ đóng vai trò chủ đạo về số lượng DN tham gia khâu NK gỗ châu Phi vào Việt Nam. Hầu hết các giao dịch giữa người mua (công ty NK tại Việt Nam) và người bán (công ty XK tại châu Phi) là các giao dịch online, chủ yếu thông qua việc trao đổi hình ảnh của gỗ qua mạng xã hội như Zalo hay Facebook. Hồ sơ về gỗ chỉ bao gồm các loại giấy tờ: Hợp đồng mua bán; hóa đơn thương mại; bảng kê gỗ; vận đơn tàu; chứng nhận kiểm dịch thực vật.

TS Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trend - nhận định, bộ hồ sơ NK hiện tại mà các DN sử dụng bao gồm 5 - 6 loại giấy tờ chưa cho phép khẳng định gỗ NK là hợp pháp. Bởi lẽ, các loại giấy tờ nằm trong bộ hồ sơ không cho phép xác định rằng các bên liên quan trong chuỗi cung XK tuân thủ các hoạt động trong toàn bộ chuỗi cung. Các giao dịch giữa người mua và người bán hầu hết được thực hiện qua Internet và thiếu các hoạt động kiểm chứng thực tế. Trong bối cảnh nước XK có nền quản trị rừng yếu kém, các giấy tờ trong bộ hồ sơ xuất/NK luôn tiềm ẩn các rủi ro về tính xác thực.

Rủi ro nằm chính ở thị trường NK. TS Tô Xuân Phúc cho hay, tính hợp pháp của gỗ xuất khẩu (XK) được xác định dựa trên việc tuân thủ (hoặc không) đối với toàn bộ các quy định của quốc gia XK, từ khâu khai thác, vận chuyển, chế biến tới khâu XK. Các hoạt động của chuỗi cung này phức tạp, và luôn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt tại các quốc gia có hệ thống quản trị rừng yếu kém.

Cụ thể, trong khâu khai thác gỗ nhiệt đới tại châu Phi, các tiến trình cấp quyền khai thác thường không thống nhất và không minh bạch; các công ty gỗ thường vi phạm các quy định về sức khỏe và an toàn lao động… Còn trong khâu thương mại và vận chuyển, gỗ thường được vận chuyển sử dụng các loại giấy tờ giả và khai báo giả để tránh kiểm tra; việc không tuân thủ các yêu cầu có liên quan tới XK là phổ biến, và thiếu sự kiểm tra giám sát…

Loại bỏ các rủi ro - ưu tiên số 1 của ngành

Hiện, Hoa Kỳ là thị trường NK lớn nhất các mặt hàng gỗ của Việt Nam. Kim ngạch NK từ thị trường này chiếm trên 60% trong tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ đang có các cáo buộc Việt Nam NK gỗ bất hợp pháp từ một số quốc gia khu vực nhiệt đới. Các cáo buộc này đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang NK một lượng lớn gỗ tự nhiên từ nhiều quốc gia, trong đó có châu Phi.
Giảm rủi ro về tính hợp pháp của gỗ nhiệt đới NK từ thị trường châu Phi có vai trò sống còn đối với ngành gỗ Việt. Theo TS Tô Xuân Phúc, việc này không những giúp duy trì ổn định thị trường XK mà còn tạo động lực mở rộng thị trường.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch VIFOREST- cho hay, Chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang tiến hành điều tra ngành gỗ Việt Nam dựa trên cáo buộc này. Với tầm quan trọng của thị trường Hoa Kỳ như hiện nay, điều tra của Chính phủ Hoa Kỳ tiềm ẩn các rủi ro rất lớn cho các hoạt động XK của ngành gỗ Việt Nam sang thị trường này trong tương lai.

Nói cách khác, ngành gỗ Việt Nam cần xác định loại bỏ các rủi ro trong khâu NK gỗ nguyên liệu là gỗ nhiệt đới nói chung và từ thị trường châu Phi là ưu tiên số 1 của ngành.

Giảm rủi ro trong khâu NK gỗ nguyên liệu là gỗ tự nhiên cần thực hiện trên cả khía cạnh chính sách và các hoạt động thực tiễn trong khâu NK và tiêu dùng nội địa.

Về khía cạnh chính sách, siết chặt quản lý trong khâu NK đối với nguồn gỗ rủi ro theo tinh thần của Nghị định 102/NĐ-CP ngày 1/9/2020 quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (Nghị định VNTLAS) cần được tăng cường và thực hiện hiệu quả.
Gỗ rủi ro NK cần được kiểm soát thông qua “bộ lọc” về loài rủi ro và vùng địa lý rủi ro, theo đó các doanh nghiệp NK gỗ rủi ro vào Việt Nam cần đưa ra các bằng chứng nhằm minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ.

Trong ngắn hạn, Chính phủ cần yêu cầu các DN NK thực hiện bổ sung thông tin trong hồ sơ NK nhằm minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ rủi ro NK, từ đó thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro. Đây cần được xem là hoạt động bắt buộc đối với các DN NK.
Nhằm tăng cường tính xác thực của hồ sơ giấy tờ trong bộ hồ sơ xuất nhập khẩu, Chính phủ Việt Nam nên thiết lập kết nối chính thức với Chính phủ của các quốc gia cung gỗ nguyên liệu rủi ro cho Việt Nam. Kết nối này giúp cho các cơ quan chức năng của Việt Nam nắm rõ được quy trình trong chuỗi cung XK, các yêu cầu pháp lý có liên quan tới các hoạt động của chuỗi và tính xác thực của các giấy phép, tài liệu nằm trong bộ hồ sơ XK. "Cameroon hiện là quốc gia cung gỗ nhiệt đới lớn nhất cho Việt Nam tại châu Phi, với lượng cung từ quốc gia này chiếm tới 50-60% trong tổng lượng cung gỗ nhiệt đới cho Việt Nam từ tất cả các quốc gia. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 150 DN tham gia NK gỗ nguyên liệu từ quốc gia này. Trong ngắn hạn, Chính phủ Việt Nam nên ưu tiên trong việc thực hiện kết nối với Chính phủ Cameroon", ông Đỗ Xuân Lập nói.
 
Quảng cáo sản phẩm