Hiệp định thương mại toàn cầu: Lợi hay hại?

04/08/2008 12:00 - 1400 lượt xem

Nhiều nước nghèo lo ngại sẽ mất việc làm và doanh thu từ hiệp định thương mại toàn cầu mới mà các bộ trưởng thương mại đang cố gắng thúc đẩy ký kết trong tuần này. Tuy nhiên, khó khăn đã được tiên lượng trước là một trong những lý do chính khiến khó đi đến một hiệp định về thuế quan và cắt giảm trợ cấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong năm đàm phán thứ 7 đang diễn ra tại Giownevơ (Thụy Sỹ).

Theo lẽ thường, cơ hội xuất khẩu gia tăng có thể góp phần giảm nghèo nhờ tăng thu nhập tại các nước đang phát triển, những nước mà nông dân và nhà sản xuất thường vật lộn để bán hàng ra nước ngoài. Song một số nhà kinh tế tin rằng thỏa thuận của vòng đàm phán Đôha đang được thảo luận sẽ mở rộng các biên giới một cách đột ngột, làm tràn ngập những thị trường dễ tổn thương với hàng hóa và dịch vụ nước ngoài rẻ hơn và đẩy các nước đang phát triển vào tình cảnh tồi tệ hơn trước.

Nhà nghiên cứu kinh tế Timothy Wise của Tufts University nói: "Nhiều nhà đàm phán của các nước đang phát triển tự hỏi liệu thỏa thuận đang được thảo luận có tốt hơn là không có thỏa thuận nào hay không". Ông nhấn mạnh "không khó hiểu vì sao lại có nhiều nước đang phát triển đặt câu hỏi về giá trị của thỏa thuận Đôha", và cho rằng chính phủ các nước nghèo sẽ mất hơn 4 lần doanh thu thuế so với những gì họ có được từ thỏa thuận thúc đẩy thương mại. Những cuộc đàm phán về thỏa thuận Đôha đã được khởi đầu ở thủ đô của Cata cuối năm 2001 để thúc đẩy thương mại thế giới và giúp các nước đang phát triển xóa nghèo.

Amy Barry của Tổ chức viện trợ Oxfam cho biết các nhà đàm phán của thế giới đang phát triển cần chống lại sức ép để chấp nhận các đề xuất WTO mà không xem xét lại một cách thỏa đáng toàn bộ các quy định thương mại không công bằng. Bà nói: "Các nước đang phát triển đang chịu sức ép và không có sự linh hoạt cần thiết để bảo vệ những ngành dễ tổn thương và đảm bảo an ninh lương thực". Theo bà, "việc này có thể làm suy yếu thêm ngành nông nghiệp yếu kém, dẫn đến thất nghiệp và nạn đói".

Ngay sau khi các cuộc đàm phán vòng Đôha bắt đầu, Ngân hàng Thế giới (WB) đã dự báo hiệp định thương mại toàn cầu sẽ tạo ra khoản thu nhập 832 tỷ USD. Sau đó, WB đã giảm mức dự báo đó xuống 96 tỷ USD để phản ánh những đề xuất ít tham vọng hơn trong các cuộc đàm phán, vốn nhạy cảm về chính trị ở nhiều nước.

Theo Research and Information System for Developing Countries, chỉ 16 tỷ USD trong tổng giá trị 96 tỷ USD sẽ đến với những nước nghèo, những nước cũng sẽ bị mất 63 tỷ doanh thu thuế theo thỏa thuận.

Carin Smaller của Viện Chính sách Nông nghiệp và Thương mại cho rằng những yếu tố này lý giải cho sự do dự xung quanh các bàn đàm phán Giơnevơ về thỏa thuận thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh sức ép kinh tế toàn cầu và sự tăng giá hàng hóa hiện nay. Theo bà, "Trung Đông và châu Phi có thể là những khu vực bị thiệt hại nhiều nhất nếu vòng đàm phán Đôha đạt được thỏa thuận". Bà nói: "Tôi cho rằng điều này tương đối đáng báo động với tác động của cuộc khủng hoảng lương thực ở những khu vực này".

Những nông dân mạnh về chính trị ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và những thị trường giàu có khác có thể cũng mất thu nhập theo thỏa thuận này mặc dù, đổi lại về lý thuyết, các nhà xuất khẩu chế tạo ở những nước giàu sẽ giành được sự tiếp cận tốt hơn đối với các thị trường đang nổi.

Nghiên cứu mới với tiêu đề "The Promise and the Perils of Agricultural Trade Liberalisation"- do Wise và hai chuyên gia thương mại Mamerto Perez và Sergio Schlesinger đồng tác giả- cảnh báo thương mại tự do có thể gây thiệt hại đối với những nông dân nghèo, cho rằng chỉ hai nước đang nổi xuất khẩu nông sản là Braxin và Áchentina là những nước được lợi từ thỏa thuận Đôha về nông nghiệp. Họ cho rằng "các nước đang phát triển ít được lợi hơn từ tự do thương mại nông nghiệp so với những gì được cam kết" và "những lợi ích dự kiến là tương đối nhỏ và chưa tính đến khoản doanh thu bị mất do cắt giảm thuế".

Nhiều người, trong đó có Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy và Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU) Peter Mandelson tin rằng sự thành công trong các cuộc đàm phán WTO là cần thiết như một dấu hiệu rằng các cuộc đàm phán đa phương có thể giải quyết những vấn đề phức tạp tiềm ẩn khác như phản ứng quốc tế đối với sự thay đổi khí hậu.

Các bộ trưởng nhóm họp ở Giơnevơ tuần nay sẽ cố gắng đạt được thỏa thuận về thương mại nông nghiệp và hàng công nghiệp, để lại các cuộc đàm phán về việc mở cửa các dịch vụ xuyên biên giới như thế nào vào cuối năm 2008.

Sự đồng thuận là cần thiết đối với tất các các lĩnh vực đang thảo luận từ mỗi một chính phủ của 152 nước thành viên WTO để thỏa thuận Đôha được ký kết, có nghĩa rằng các nước nghèo hơn có ảnh hưởng quan trọng trong các cuộc đàm phán với mục đích ban đầu là góp phần thúc đẩy phát triển.

31/07/2008
Nguồn: www.thongtinthuongmaivietnam.com.vn
Quảng cáo sản phẩm