Hóa giải bất cập để xuất khẩu điều bền vững

06/03/2024 09:50 - 5 lượt xem

Đằng sau con số kỷ lục về sản lượng điều xuất khẩu năm 2023 là những rủi ro, thách thức ngày càng lớn khiến cho hiệu quả kinh doanh của các DN chế biến điều Việt Nam ngày càng đi xuống. Việc liên kết, hợp tác để cùng chia sẻ lợi ích trong chuỗi giá trị sẽ là chìa khóa mang lại hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững cho tất cả các bên.

 

Cạnh tranh khốc liệt

 

Năm 2023, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam thiết lập kỷ lục mới khi đạt khối lượng 645.316 tấn, vượt qua kỷ lục năm 2021 là 609.260 tấn. Tuy nhiên, trước con số kỷ lục này, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Long Sơn lại cho rằng, năm 2023, DN điều “hòa vốn đã là thắng”. Điều này cho thấy sự khốc liệt của ngành điều với rất nhiều rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn.

 

Bởi lẽ trong năm 2023, giá điều nhân xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giảm so với năm 2022. Nguồn cung nhân điều quá lớn từ các nhà máy chế biến dẫn đến tình trạng tranh nhau khách hàng bằng cách hạ giá bán. Nhân điều W320 (loại thông dụng) giảm sâu, chỉ còn 2,3 USD/Lb (0,45kg) so với trước đó 2,6 - 2,7 USD/Lb, nhưng vẫn khó bán; giá điều thô giảm chậm hơn và duy trì ở mức cao (1.100 USD/tấn - 1.200 USD/tấn).

 

Phát biểu tại Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam lần thứ 13 vừa diễn ra tại Quảng Bình, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, sự tăng trưởng “nóng” của ngành chế biến điều Việt Nam đã dẫn đến tình trạng giành mua điều thô, tranh bán điều nhân, từ đó, giá nhân điều giảm sâu. Giá điều thô luôn ở mức rất cao ở đầu vụ, đến cuối vụ có giảm nhưng chất lượng cũng đi xuống và vẫn không cân đối với giá bán của điều nhân khiến cho nhiều nhà chế biến thua lỗ.

 

Hiện sự tăng trưởng “nóng” về diện tích và sản lượng điều thô ở một số nước châu Phi và Campuchia vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi công nghiệp chế biến ở các nước này còn khiêm tốn. Một số nước có sản lượng lớn nhưng lại đang áp dụng chính sách bảo hộ sâu với điều thô như: quy định mức giá bán tối thiểu, quy định thu thuế xuất khẩu và nhiều loại phí... dẫn đến giá điều thô cao. Các nhà chiên rang, kinh doanh siêu thị gặp sự cạnh tranh của các loại hạt khác và tiêu dùng giảm nên không tăng được giá bán.

 

Theo ông Phạm Văn Công, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, hàng loạt nhà chế biến Việt Nam và thế giới sẽ phá sản. Với thị phần gần 80% lượng nhân điều xuất khẩu của thế giới và tiêu thụ gần 65% sản lượng điều thô thế giới; sự đổ vỡ của ngành chế biến điều Việt Nam sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường với ngành điều thế giới; không chỉ là giảm sút, đứt gãy nguồn cung nhân điều mà còn là nguy cơ lớn với những nước trồng điều và xuất khẩu điều thô do sụt giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam.

 

Ngay cả những nước sản xuất điều thô cũng đã sớm nhận diện nguy cơ này. Ông Adama Coulibaly, Tổng giám đốc Hội đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà nêu lên nghịch lý của chuỗi cung ứng điều thế giới khi giá điều nhân liên tục giảm kể từ năm 2018 khiến cho giá điều thô giảm theo, trong khi giá điều nhân bán lẻ tới tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao. “Tình trạng này nếu còn tiếp diễn sẽ khiến nhiều nhà chế biến phải đóng cửa, nhà sản xuất điều thô cũng sẽ từ bỏ cây điều. Do đó, cần sớm có tiếng nói chung cho ngành điều toàn cầu” – ông Adama Coulibaly cho biết.

 

Ông Vũ Thái Sơn cũng chỉ ra 2 điểm yếu của ngành điều Việt Nam hiện nay là việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và sự cạnh tranh trong nội bộ ngành.

 

Chia sẻ lợi ích để cùng phát triển bền vững

 

Ông Phạm Văn Công đánh giá, việc tham gia 16 FTA và đang tiếp tục đàm phán 3 FTA là lợi thế rất lớn cho các sản phẩm điều chế biến sâu của Việt Nam vào các thị trường. Bên cạnh đó là lợi thế về cơ giới hóa, tự động hóa, đổi mới công nghệ - thiết bị chế biến của ngành điều. Phần lớn máy móc phục vụ chế biến điều do DN Việt Nam chế tạo, là nước dẫn đầu về nhập khẩu điều thô, về sơ chế và xuất khẩu điều nhân trên thế giới.

 

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, DN điều Việt Nam rất linh hoạt, thích nghi nhanh khi đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu. Nhiều nhà máy được chứng nhận tiêu chuẩn BRC Food (Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm), SMETA (Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội), HACCP (Tiêu chuẩn phân tích mối nguy và kiểm soát điểm an toàn thực phẩm)… Một lợi thế nữa là vùng nguyên liệu tại chỗ dù sản lượng chỉ khoảng 350.000 tấn điều thô/năm, nhưng hạt điều sau chế biến được khách hàng các nước nhập khẩu đánh giá rất cao về chất lượng, mùi vị.

 

Để có thể hóa giải những bất cập và tận dụng các lợi thế, ông Phạm Văn Công khuyến nghị các DN điều Việt Nam cần thay đổi lối mòn tư duy, nghiên cứu kỹ thị trường và điều kiện, tiềm lực của mình để có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp. Hiện điều thô rất dồi dào, DN không nên tranh mua đầu vụ về dự trữ trong khi chưa có hợp đồng bán điều nhân.

 

Ông Vũ Thái Sơn cũng cho rằng, các DN chế biến điều cần mạnh dạn cắt giảm công suất để kéo giảm nhu cầu điều thô, từ đó đưa giá điều thô giảm về mức hợp lý hơn. Điều này cũng sẽ giúp giảm áp lực tài chính của các DN, giúp doanh nghiệp không phải ồ ạt bán điều nhân như thời gian qua. Từ đó góp phần đưa giá điều nhân tăng trở lại.

 

Bên cạnh nỗ lực của các DN chế biến điều và ngành điều Việt Nam, ông Phạm Văn Công cũng kêu gọi sự đồng lòng, chung sức của các DN và ngành điều thế giới để định hình lại chuỗi cung ứng điều toàn cầu; trong đó có sự định hình, phân bổ lại chuỗi giá trị điều toàn cầu. Chỉ có sự chủ động liên kết, hợp tác, chia sẻ lợi ích trong chuỗi mới giúp nhau sản xuất, kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững.


Nguồn: Báo Hải quan 

 

Quảng cáo sản phẩm