Hoa Kỳ cân nhắc nâng cấp đánh giá kinh tế Việt Nam: Chuyên gia quốc tế nói gì?

10/05/2024 09:36 - 30 lượt xem

Ngày 8/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức một phiên điều trần về việc công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, với sự hưởng ứng của nhiều chuyên gia.

 

Theo Reuters, vào ngày 8/5/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã tổ chức phiên điều trần trực tuyến về quyết định nâng mức đánh giá nền kinh tế Việt Nam thành một nền kinh tế thị trường. Dự kiến, quá trình quyết định sẽ được hoàn thành vào tháng 7 tới. Nếu thành công, quyết định này sẽ không những tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, mà còn giúp nâng tầm mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

 

Quyết định này hiện có được sự ủng hộ của không chỉ các doanh nghiệp Việt Nam, mà còn với nhiều nhà kinh doanh và bán lẻ tại Mỹ, vì nếu được thông qua, sẽ giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Được biết, hiện nay Việt Nam được Mỹ đánh giá là nền kinh tế ”phi thị trường” cùng với Trung Quốc, Nga, và 11 quốc gia khác, qua đó phải chịu thuế chống bán phá giá cao hơn.

 

Phát biểu tại phiên điều trần, ông Ted Osius, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN và cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam, nói: “Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng đối với nền kinh tế thị trường, như khả năng chuyển đổi tiền tệ. Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam khi họ nhận ra tiềm năng tăng trưởng của quốc gia này”

 

Được biết, Bộ Thương mại Mỹ có một bộ tiêu chí khá khắt khe để quyết định tình trạng nền kinh tế thị trường của một nước. Các tiêu chí bao gồm: Khả năng chuyển đổi tiền tệ; mức lương theo kết quả đàm phán giữa người lao động và chủ lao động; cũng như chính sách liên doanh hoặc hình thức đầu tư nước ngoài khác. Ngoài ra, cơ quan này cũng xem xét về mức độ kiểm soát và sở hữu của chính phủ về các các phương tiện sản xuất, sự phân bổ nguồn lực, cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng.

 

Chuyên gia nhận định gì về quyết định này?

Nhận xét về nền kinh tế Việt Nam, ông Murray Hiebert, trợ lý cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Washington, Mỹ) đã nói: “Nền kinh tế Việt Nam không phải là không có thách thức, nhưng quốc gia này đã có những bước tiến dài kể từ thời kỳ kinh tế bao cấp.”

 

Ông Murray Hiebert cũng đã ví Việt Nam như “một thỏi nam châm lớn thu hút vốn đầu tư nước ngoài” trong bối cảnh các công ty tại Mỹ đang giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Thực tế, các tập đoàn như Apple và Intel đã thành lập các nhà máy và trung tâm nghiên cứu lớn tại Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng nằm trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Trong chuyến thăm Việt Nam vào năm ngoái của Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ tăng cường sản xuất chất bán dẫn và thúc đẩy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cũng là 1 trong 14 đối tác trong sáng kiến kinh tế Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) của tổng thống Joe Biden. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã là một phần của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Việt Nam đã cam kết sẽ bảo đảm và tăng cường quyền lợi cho người lao động.

 

Thực tế, theo ông Murray Hiebert, nhiều nền kinh tế lớn toàn cầu, trong đó có Nhật Bản, Úc, Anh và Canada, đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Chuyên gia này đã kết luận: “Việc Washington duy trì nhận định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường mang tính độc đoán và phản tác dụng đối với một quốc gia mà Mỹ đang có quan hệ kinh tế và an ninh ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ. Bước hợp lý tiếp theo trong quan hệ Mỹ - Việt Nam sẽ là việc Bộ Thương mại nâng cấp nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế thị trường vào tháng 7 tới.”

 

Nguồn: Báo Công Thương

Quảng cáo sản phẩm