Hoa Kỳ lên kế hoạch tăng cường thực thi thể chế thương mại liên quan đến biện pháp chống bán phá giá
09/09/2010 12:09
Thứ năm, ngày 26 tháng 8 năm 2010, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã thông báo một số kế hoạch về việc thắt chặt hơn các quy định nhằm chống lại các hành vi mà DOC cho rằng đó là những hoạt động thương mại không lành mạnh từ nước ngoài, đề xuất một số thay đổi gây khó dễ hơn cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc – nước xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ.
Ít nhất một số những đề xuất đó có thể dẫn tới mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp cao hơn đối với hàng hoá từ nước sản xuất lớn ở Châu Á này (Trung Quốc)- là đối tượng thường xuyên nhất liên quan đến các khiếu nại của Hoa Kỳ về hành vi thương mại không lành mạnh trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, theo một viên chức cấp cao của DOC cho biết: kế hoạch này nhằm tìm kiếm việc tăng cường hiệu quả của các biện pháp bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ “trải rộng trên nhiều lĩnh vực”.
Với sự sụt giảm uy tín của Tổng thống Barack Obama và Đảng Dân chủ đang có nguy cơ mất quyền kiểm soát Quốc Hội trong cuộc bầu cử tháng 11 này, Đảng đã đẩy mạnh chương trình hành động “Sản xuất tại Hoa Kỳ” nhằm mục đích tạo ra nhiều hơn việc làm cho người lao động Hoa Kỳ.
Trong bài diễn văn của mình, Bộ Trưởng bộ Thương mại Hoa Kỳ, ông Gary Locke đã nói rằng: “Tuyên bố ngày hôm nay là một minh chứng khác cho việc tiếp tục nỗ lực tăng cường cho các công cụ thực thi pháp luật thương mại của chúng ta”.
Trong kế hoạch của mình, DOC đã tóm tắt 14 đề xuất giúp tăng cường chế tài xử phạt hoặc thắt chặt hơn những quy định đối với các doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu hàng hoá vào Hoa Kỳ mà bị xem là bán hàng với giá không công bằng hoặc được trợ cấp.
Mặc dù không tới 3% lượng nhập khẩu vào Hoa Kỳ bị áp thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp, các đạo luật thương mại có thể là một nguồn bảo vệ quan trọng đối với các lĩnh vực như: thép, lốp, giấy và một vài hàng hoá công nghiệp khác.
Trong một động thái khác cùng ngày, Uỷ ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp rất nặng do DOC đề xuất đối với mặt hàng bánh magiê cacbonat nhập khẩu từ Trung Quốc và Mexico. Các bánh Magiê cacbonat này được sử dụng trong các lò luyện kim loại và thép.
Sự tăng trưởng số lượng các cuộc điều tra
Số lượng các cuộc điều tra của Hoa Kỳ đã tăng mạnh lên 34 vụ trong năm 2009 (tăng 79% so với năm 2008). Số lượng các vụ việc mới đã chững lại trong năm nay, mặc dù những quyết định quan trọng chống lại Trung Quốc liên quan đến sản phẩm giấy và nhôm vẫn đang chờ được thông qua.
DOC sẽ ban hành một số giải pháp cụ thể trong vài tháng tới để lấy ý kiến đóng góp từ cộng đồng, tuy nhiên DOC cũng cho biết là không cần thiết phải có những quy định để tạo ra những sự thay đổi đó.
Một luật sư giấu tên chuyên về lĩnh vực thương mại cho biết, nhìn thoáng qua có vẻ như tất cả sáng kiến này nhằm mục đích tạo ra “mức thuế cao hơn, chắc chắn hơn và lâu dài hơn”.
Một thiếu sót đáng chú ý là việc quyết định xem liệu có nên điều tra vấn đề tỉ giá của Trung Quốc như là vấn đề về trợ cấp không công bằng hay không, và một vấn đề dễ gây tranh cãi về mặt ngoại giao đối với DOC liên quan đến vụ việc giấy và nhôm.
Rất nhiều các nhà làm luật, nhà sản xuất và nhà kinh tế học cho rằng đồng tiền của Trung Quốc đang được định giá thấp, tạo cho nó một lợi thế một cách không công bằng về giá cả trên thị trường toàn cầu. DOC đã cân nhắc hàng tháng trời để xem xét xem liệu DOC có một cơ sở pháp lý đủ mạnh để điều tra về vấn đề này hay không.
Trung Quốc chiếm 19% lượng hàng hoá nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong năm 2009 với tổng giá trị lên tới 296.4 tỷ đô la Mỹ. Tiếp theo là Canada với mức 224.9 tỷ đô la Mỹ, kế đó là Mexico, Nhật Bản, Đức, Vương quốc Anh, Hàn Quốc, Pháp, Đài Loan và Venezuela.
Các viên chức của DOC đã nói rằng việc thắt chặt hơn các quy định liên quan đến thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp sẽ giúp đạt được mục tiêu của Tổng thống Obama là tăng gấp đôi lượng xuất khẩu của Hoa Kỳ trong 5 năm tới bằng việc tạo cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường sức cạnh tranh hơn nữa thông qua sự bảo hộ.
Tuy nhiên, theo ông Lewis Leibowitz, luật sư về thương mại của Hãng luật Hogan Lovells, sự kết nối này là chưa rõ ràng khi mà mức thuế nhập khẩu cao hơn có thể làm tăng chi phí cho nhiều nhà sản xuất của Hoa Kỳ.
Trung Quốc – Mục tiêu chính của những đề xuất
Các viên chức của DOC đã nêu bật 3 đề xuất mà họ tin rằng sẽ có những tác động mạnh nhất và nói rằng rất nhiều những ý tưởng đó nhằm mục đích thắt chặt những thủ tục đối với các cuộc điều tra liên quan đến “những nền kinh tế phi thị trường” như Trung Quốc.
Khi đó các nhà nhập khẩu sẽ được yêu cầu đóng một khoản đặt cọc tiền mặt bằng với mức thuế sơ bộ do cơ quan điều tra công bố.
Hiện tại, các nhà nhập khẩu có lựa chọn là họ có thể nộp các khoản ký quỹ tương ứng với một phần khoản tiền họ phải trả trong giai đoạn khoảng 5 hoặc 6 tháng cho đến khi có kết luận về mức thuế chính thức được đưa ra.
Điều này dẫn tới những vấn đề liên quan đến việc thu toàn bộ khoản tiền cần phải nộp cho chính phủ, các viên chức của DOC cho biết.
Một viên chức của DOC đã phát biểu: “Chúng tôi nghĩ đây là một hướng đi tốt hơn để đảm bảo rằng các doanh nghiệp mà…có thể cuối cùng phải chịu thuế phá giá sẽ thực sự có tiền để nộp”.
Một đề xuất thay đổi thứ hai sẽ cho phép DOC loại trừ thuế xuất khẩu của các nhà xuất khẩu Trung Quốc khi tính toán lượng thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp.
Đây đang là một thực tế phổ biến đối với hàng hoá thương mại bị cho là nhập khẩu không công bằng từ “các nền kinh tế thị trường” như Nhật Bản và các quốc gia ở Châu Âu. Tuy nhiên, về mặt lý thuyết, nó không thế áp dụng đối với các nền kinh tế phi thị trường như Trung Quốc bởi lẽ rất khó để xác định được mức thuế chính xác.
Viên chức trên cho biết, “Rõ ràng rằng, Trung Quốc sẽ không thấy thoải mái với đề xuất này bởi lẽ nó có thể dẫn tới mức thuế cao hơn cho hàng hoá của Trung Quốc.”
Theo một cách tương tự, DOC cũng muốn gây ra nhiều khó khăn hơn cho các nhà xuất khẩu từ các nền kinh tế phi thị trường muốn có “thuế suất riêng rẽ” thuận lợi hơn thông qua việc yêu cầu những bằng chứng đầy đủ hơn về sự độc lập của các doanh nghiệp đối với sự kiểm soát của chính phủ.
Một đề xuất lớn thứ ba cũng sẽ ngăn chặn thực tiễn loại bỏ những doanh nghiệp nước ngoài ra khỏi vụ việc điều tra chống bán phá giá khi mà họ có thể chứng minh được rằng trong 3 cuộc rà soát hành chính liên tiếp, họ không bán phá giá vào Hoa Kỳ.
Những doanh nghiệp đó vẫn có thể nhận được mức thuế bằng không theo đề xuất mới này. Tuy nhiên, họ sẽ vẫn là đối tượng của lệnh áp thuế vì điều này sẽ đảm bảo các doanh nghiệp vẫn phải lưu ý vì mức thuế đó vẫn có thể tăng nếu DOC tìm được bằng chứng mới về giao dịch thương mại không lành mạnh của họ.
Các viên chức của DOC cũng muốn giảm thiểu nguy cơ gian lận thương mại bằng việc thắt chặt “những yêu cầu về giấy chứng nhận” và yêu cầu các luật sư cũng như đại diện các doanh nghiệp phải chú ý hơn đến tính chính xác của các thông tin mà họ đệ trình lên DOC.
Trung Quốc, Liên minh Châu Âu và nhiều quốc gia khác nên xem xét cẩn thận những đề xuất này, mặc dù vậy, các viên chức Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng họ vẫn tuân thủ những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và trong một vài trường hợp, những hành động mà Hoa Kỳ thực hiện cũng tương tự như việc mà nhiều quốc gia khác đã làm.
Các tin khác
- Cục PVTM ban hành Bản câu hỏi điều tra dành cho NSX/XK nước ngoài trong vụ việc rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp CBPG và CTC đối với sản phẩm đường từ Thái Lan (30/06/2025)
- Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm bê tông cốt thép nhập khẩu từ Việt Nam (30/06/2025)
- Hoa Kỳ ban hành Kết luận cuối cùng trong cuộc rà soát hành chính thuế CBPG lần thứ 20 đối với cá tra - basa phi lê đông lạnh Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ (26/06/2025)
- Hoa Kỳ khởi xướng điều tra kép chống bán phá giá/chống trợ cấp với gỗ dán cứng và trang trí nhập khẩu từ Việt Nam (20/06/2025)
- Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với hóa chất mono ethylene glycol nhập khẩu từ Cô-oét, Ả-rập Xê-út và Xinh-ga-po (18/06/2025)