Hồi cuối cuộc xung đột tiền tệ Trung - Mỹ

24/09/2010 12:00 - 989 lượt xem

Xung đột dai dẳng về vấn đề tỷ giá tiền tệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang trở nên căng thẳng, nghiêm trọng đến mức giới phân tích cho rằng hai bên sắp có những hành động thương mại quyết liệt.

Đầu tuần trước, 132 dân biểu Mỹ đã cùng ký một lá thư gửi lãnh đạo đảng Dân chủ trong Hạ viện Mỹ yêu cầu tổ chức bỏ phiếu thông qua một dự luật cứng rắn hơn đối với Trung Quốc vì cho rằng nước này áp dụng chính sách tỷ giá không công bằng.

Lập pháp Mỹ bị sức ép nặng nề

Nhiều nhà lập pháp Mỹ tin rằng, Trung Quốc định giá đồng bạc rất thấp, tới 40% so với giá trị thực, để giúp các doanh nghiệp giành lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở mức cao, 9,6% lực lượng lao động, và thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng nhanh trong năm qua, Quốc hội Mỹ đang phải chịu sức ép chính trị rất lớn, buộc phải có thái độ cứng rắn với Trung Quốc.

Hai dân biểu Tim Ryan đảng Dân chủ và Tim Murphy đảng Cộng hòa đã cùng đệ trình bản dự luật “Luật cải cách tiền tệ vì thương mại công bằng” mà nếu được thông qua sẽ cho phép Bộ Thương mại Mỹ áp đặt thuế đối kháng (countervailing duties) và thuế chống bán phá giá (anti-dumping duties) lên “hàng nhập khẩu gây tổn thương từ bất cứ quốc gia nào phá giá đồng tiền trong thời gian dài”. Tuy đạo luật nhắm tới “mọi quốc gia thao túng đồng tiền”, nhưng ai cũng ngầm hiểu rằng đối tượng chủ yếu là Trung Quốc. Tại Thượng viện Mỹ, một nhóm nghị sĩ dưới sự dẫn dắt của nghị sĩ đảng Dân chủ Charles Schumer cũng đang thúc đẩy một dự luật tương tự; nhưng trong quá khứ nỗ lực này chưa đi tới kết quả.

Hành pháp Mỹ thất vọng

Trong lúc này, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Hạ viện Mỹ tổ chức cuộc điều trần kéo dài trong hai ngày 15 và 16/9/2010 để nghe ý kiến của các bên về vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ. Dân biểu Tim Ryan, cùng với ba dân biểu khác, trình bày trước Ủy ban các lập luận bảo vệ tính chính đáng cho dự luật của mình. Tham gia điều trần còn có chủ tịch các nghiệp đoàn sắt thép Mỹ - là những người kiên quyết đòi áp thuế trừng phạt đối với sản phẩm Trung Quốc nhập khẩu. Trọng tâm của cuộc điều trần là báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner về quan điểm mới nhất của chính quyền Obama về những việc mà Mỹ cần làm để buộc Trung Quốc phải cải cách chính sách tỷ giá. Trả lời phỏng vấn báo Wall Street Journal, Bộ trưởng Geithner nhận định rằng, Trung Quốc đã tiến bộ “rất, rất ít” trong việc để cho tỷ giá đồng nhân dân tệ phản ánh sức mạnh thị trường và cho biết ông không hài lòng với tình trạng này. Theo thông lệ, các quan chức hành pháp Mỹ ít khi công khai lên lớp Trung Quốc về vấn đề tỷ giá mà thường theo đuổi chiến thuật vận động hậu trường thông qua các cuộc tiếp xúc cấp cao để buộc Trung Quốc phải thay đổi chính sách tỷ giá. Trong 3 báo cáo nửa năm về chính sách tiền tệ mà Bộ Tài chính Mỹ trình bày trước Quốc hội kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên cầm quyền, chính phủ Mỹ đã không lên án Trung Quốc như là kẻ “thao túng đồng tiền” và kiềm chế biện pháp trả đũa của Quốc hội Mỹ. Do vậy, giới quan sát coi nhận xét nêu trên của ông Geithner như một dấu hiệu cho thấy thời kỳ hòa hoãn giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề tỷ giá đồng tiền sắp chấm dứt và Bắc Kinh sắp phải nhượng bộ những đòi hỏi của Mỹ.

Đồng nhân dân tệ sẽ tăng giá

Trên thị trường những ngày gần đây đồng nhân dân tệ bắt đầu nhích lên so với đô la Mỹ. Vào sáng ngày 14/9, 1 đô la Mỹ đổi được 6,7435 nhân dân tệ, giảm 0,037 nhân dân tệ so với giá hôm trước đó và đây cũng là mức tỷ giá cao nhất của đồng tiền này kể từ khi Trung Quốc nới lỏng chính sách tỷ giá tháng 7/2005. So với giá ngày 19/6/2010, ngày Trung Quốc bắt đầu gỡ bỏ việc “neo” đồng nhân dân tệ vào đô la Mỹ với tỷ giá cố định 1 đô la Mỹ ăn 6,83 nhân dân tệ thì đồng tiền Trung Quốc đã tăng giá 1,2%. Tuy tăng giá so với đô la Mỹ, nhưng theo tính toán của ngân hàng Merrill Lynch, đồng nhân dân tệ lại giảm giá khoảng 1% so với các đồng tiền mạnh khác của các đối tác thương mại chính của Trung Quốc, nghĩa là đồng nhân dân tệ không tăng giá mà thực chất là đồng đô la Mỹ giảm giá.

Việc Trung Quốc tăng tỷ giá đồng nhân dân tệ mấy ngày gần đây được giới phân tích cho là một động thái của Bắc Kinh nhằm ngăn ngừa những quyết định bất lợi cho họ có thể được đưa ra tại Quốc hội Mỹ. Báo Wall Street Journal bình luận, nỗ lực của Trung Quốc vừa quá nhỏ bé, vừa chậm trễ nên khó đạt được mục đích, khó làm các nhà lập pháp Mỹ xiêu lòng. Các nhà phân tích khác thì kỳ vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra những đợt điều chỉnh tỷ giá mới tương ứng với các sự kiện chính trị quan trọng, nhất là Hội nghị thượng đỉnh nhóm G-20 tại Hàn Quốc ngày 11 - 12/11.

Ngoài áp lực từ Mỹ, còn có nhiều yếu tố nội tại của nền kinh tế cho thấy Trung Quốc sẽ nâng giá đồng nhân dân tệ trong thời gian tới. Cho dù đã nới lỏng “cơ chế tỷ giá ngoại hối có kiểm soát” từ ngày 19/6, kinh tế Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu giảm sút như lo ngại của giới hoạch định chính sách nước này. Thống kê cho thấy trong tháng 8, sản xuất công nghiệp tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng 34,4% và thặng dư thương mại vẫn đạt 20 tỷ đô la Mỹ. Bên cạnh mối lo suy giảm tăng trưởng, Ngân hàng trung ương Trung Quốc còn lo nếu đồng tiền tăng giá, các nhà đầu cơ tiền tệ sẽ đổ tới Trung Quốc, gây nên dòng chảy “tiền nóng” có thể làm mất ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, tình hình hai tháng qua cho thấy điều đó đã không xảy ra.

Bóng ma chiến tranh thương mại

Tuy kinh tế Trung Quốc có đủ sức chống đỡ những đợt tăng giá mới của đồng nhân dân tệ nhưng giới phân tích cho rằng không nên kỳ vọng đồng tiền này sẽ mạnh lên nhiều. Vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sắp thay đổi triệt để “cơ chế tỷ giá ngoại hối có kiểm soát” mà họ áp dụng từ năm 1994 và để cho đồng tiền được tự do lên xuống theo lực đẩy thị trường. Có thể Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng biên độ giao dịch hàng ngày của đồng nhân dân tệ, cho đồng tiền được tăng giá thêm chút ít, nhưng sẽ không đạt tới mức mà giới cầm quyền Mỹ yêu cầu.

Chính vì vậy, theo các nhà phân tích, giới doanh thương nên sẵn sàng cho những tình huống xấu: Mỹ sẽ ban hành đạo luật cho phép chính quyền áp thuế đối kháng và thuế chống bán phá giá lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Trung Quốc sẽ trả đũa bằng những biện pháp tương tự. Do Mỹ là thị trường lớn thứ hai của Trung Quốc sau Liên minh châu Âu nên có thể Trung Quốc sẽ cố tránh một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Mỹ, nhưng phản ứng của họ chắc chắn sẽ mạnh mẽ. Phát biểu tại một hội thảo về quan hệ thương mại Mỹ - Trung giữa tuần này, ông Ding Yifan, nhà kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển, tư vấn cho Chính phủ Trung Quốc, tuyên bố Mỹ sẽ thất bại nếu kích hoạt cuộc chiến tranh thương mại bằng cách gán cho Trung Quốc là nước “thao túng đồng tiền” và tăng thuế nhập khẩu để bù lại cái gọi là sự phá giá đồng nhân dân tệ. Theo ông Ding, bất cứ biện pháp trừng phạt nào của Mỹ nhắm tới Trung Quốc đều gây tác động ngược vì Trung Quốc là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Ông Dinh cũng cho rằng kinh tế Mỹ và đồng đô la sẽ bị tổn hại nặng nếu Trung Quốc bán tháo khối trái phiếu chính phủ Mỹ mà họ đang sở hữu.

Không muốn có sự xung đột này, hôm 15/9, 36 tổ chức thương mại Mỹ, đứng đầu là Hội đồng thương mại Mỹ - Trung Quốc, đã cùng ký một lá thư gửi Hạ viện Mỹ, phản đối việc thông qua dự luật cho phép trừng phạt hàng nhập khẩu Trung Quốc vì cho rằng cuộc đụng độ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ cản trở dòng chảy thương mại toàn cầu giữa lúc kinh tế thế giới đang cần lực đẩy để hồi phục.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick đang ở thăm Trung Quốc thì muốn có một giải pháp dung hòa. Nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào hôm 15/9, ông Zoellick cho rằng, tuy tăng giá đồng nhân dân tệ không phải là đáp án cho mọi vấn đề song đó là điều thích hợp để thúc đẩy tiêu thụ của người dân Trung Quốc và là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc nghiêm túc trong việc cải tổ cơ cấu kinh tế từ dựa vào xuất khẩu và đầu tư sang kích thích thị trường tiêu dùng nội địa để phát triển đất nước.

Nguồn: Báo công thương điện tử
Quảng cáo sản phẩm