Hội nhập quốc tế: Mua pháo cho người đốt?

21/11/2014 12:00 - 730 lượt xem

Khi tiến trình hội nhập càng đến gần thì nhiều doanh nghiệp (DN) lại thấy lo nhiều hơn mừng. Lần này hội nhập đề cập nhiều vấn đề hơn, lớn hơn và đòi hỏi “mở cửa” tương thích một phần về thể chế. Điều này đặt ra những vấn đề quan trọng cho nền kinh tế, thương mại Việt Nam như: luân chuyển hàng hoá, đầu tư, vốn và luân chuyển các kỹ năng…

Theo lộ trình dự kiến, tới đây Việt Nam sẽ tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU, FTA với Liên minh hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng được hình thành. Về lý thuyết, hội nhập thương mại quốc tế đem lại nhiều lợi ích cho DN trong nước. Thế nhưng, khi tiến trình hội nhập càng đến gần thì DN lại thấy lo nhiều hơn mừng.

So với những lần mở cửa hội nhập trước, chủ yếu liên quan đến thị trường hàng hóa, lần này hội nhập đề cập nhiều vấn đề hơn, lớn hơn và đòi hỏi “mở cửa” tương thích một phần về thể chế. Điều này đặt ra những vấn đề quan trọng cho nền kinh tế, thương mại Việt Nam như: luân chuyển hàng hoá, đầu tư, vốn và luân chuyển các kỹ năng…

Trong khi đó, sự chuẩn bị của DN Việt Nam cho các yếu tố này chưa đi đến đâu. Thậm chí, một số nhà kinh tế khẳng định, những yếu tố sẽ gây ra khó khăn, đe dọa đến DN còn chưa được nhận thức rõ ràng.

Đặc quyền không của riêng ai

Các DN ngành dệt may đang chứng kiến hàng loạt dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, được cho rằng để đón đầu các FTA mà Việt Nam đang đàm phán và sẽ được thông qua thời gian tới. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 10/2014, đã có gần 20 dự án FDI với vốn hàng tỷ triệu USD đăng ký đầu tư vào ngành dệt may tại Việt Nam.

Đơn cử, Tập đoàn TAL (Hồng Kông) đã đầu tư đến 600 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc tại Khu công nghiệp Đại An. Ở phía Nam, nhiều dự án lớn về dệt may cũng được nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc... triển khai. Riêng TP. Hồ Chí Minh, dự án sản xuất hàng may mặc cao cấp với vốn đầu tư 140 triệu USD do Công ty Gain Lucky Limited thuộc Tập đoàn May Shenzhou Intenational (Trung Quốc) đã được triển khai tại Khu công nghiệp Đông Nam Củ Chi.

Trước đó, giữa tháng 4, UBND tỉnh Long An cũng đã cho phép Công ty Huafa (Hồng Kông) triển khai dự án nhuộm bông, kéo sợi màu với vốn 136 triệu USD tại Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Cần Đước... 

Không chỉ đầu tư vốn mở nhà máy mới, các DN đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông còn thâm nhập thị trường bằng việc liên doanh, liên kết với một số DN trong nước.

Ví dụ, Tập đoàn Haputex Development Limited (Hồng Kông) liên doanh với CTCP Việt Hương thành lập Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile Limited để xây dựng nhà máy dệt với vốn 120 triệu USD. Công ty Hirose Shokai (Nhật Bản) ký kết với Phong Phú để hình thành liên doanh đầu tư cung ứng các dịch vụ giặt ủi cao cấp...

Một lĩnh vực xuất khẩu cốt lõi khác của Việt Nam cũng đang chịu sự cạnh tranh lớn của DN FDI là da giày. Chỉ trong 3 năm vừa qua, vốn FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất giày dép tăng từ 0,5 tỷ USD lên xấp xỉ 2 tỷ USD. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso), nếu TPP được ký kết, sẽ có thêm 364 triệu USD nhập khẩu giày dép vào Mỹ đến từ các nước thành viên TPP, trong đó 360 triệu USD đến từ Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Thuấn cũng cho biết, “lợi thế hóa nguy cơ”. Vì các DN nước ngoài cũng nhận ra được tiềm năng đó và dự kiến sắp tới hàng loạt DN FDI tiếp tục rót vốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Ví dụ, hãng sản xuất giày dép Wolverine Worldwide của Mỹ cho biết sẽ dịch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và phần lớn đơn hàng sẽ dời sang Việt Nam. Tương tự, Tập đoàn Ever Rite International (Mỹ) có 52 dây chuyền sản xuất giày dép tại Việt Nam và dự kiến sẽ tăng hơn nữa…

Trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ của khối DN FDI, rõ ràng rất nhiều DN trong nước ngày càng khó khăn hơn. Đơn giản, các DN trong nước đang rất yếu, chưa thể hoàn thiện mình để đáp ứng yêu cầu mà các FTA đặt ra, đặc biệt là về xuất xứ nguyên phụ liệu như theo các đàm phán TPP đang tiến hành. Nay, các DN nội phải đối mặt thêm một vấn đề: Cạnh tranh ngay tại sân nhà.

Miệt mài theo sau

Đối với những chuyển biến từ hội nhập kinh tế quốc tế, Tổng thư ký ASEAN ông Lê Lương Minh khẳng định, DN Việt Nam có mức hưởng lợi lớn. Do đó, khi trao đổi bên lề hội nghị “Phát triển bền vững Đông Nam Á lần 4” ông Minh nhấn mạnh, sẽ là thiếu hiểu biết nếu có những lo ngại không thực tế và cần thiết trong việc nghĩ DN Việt Nam sẽ thua thiệt với DN nước ngoài.

Ví dụ, dự kiến đến tháng 12/2015, khi AEC hoàn tất, về cơ bản tất cả các dòng thuế sẽ phải về mức 0%. Các nước thành viên mới gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar có 98% các dòng thuế phải giảm trung bình từ 0 - 5%, trừ một số các dòng đặc biệt thì được tồn tại đến năm 2018.

Theo lộ trình, đến năm 2015 hàng hóa sẽ được di chuyển lưu thông tự do, các dòng vốn đầu tư, các lĩnh vực dịch vụ cũng sẽ được tự do hóa mạnh. Việc di chuyển lao động trong các nước ASEAN cũng sẽ được tăng cường hơn… Theo ông Minh, với những biện pháp đã triển khai cho thấy, giá trị thương mại nội khối tăng lên rất lớn so với thập niên 90. Do đó, DN Việt Nam không nên quá lo lắng lúc này.

Không phủ nhận lợi thế mang lại của các hiệp định, song chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, điều đó chỉ đúng khi các DN trong nước thực sự mạnh. Còn bây giờ, nhìn vào hiện tượng DN FDI dồn dập triển khai các dự án lớn cho thấy, khoảng cách giữa các DN FDI và trong nước ngày càng nới rộng và cảnh báo nguy cơ tụt hậu của các DN trong nước.

Thực tế, số lượng DN FDI ít nhưng quy mô rất lớn. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 20 tỷ USD trong năm 2013 thì chiếm hơn 60% là của DN FDI. Hiện nay, ngành dệt may có mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 18% nhưng tăng trưởng xuất khẩu của các DN trong nước chỉ khoảng 8 - 10%, các DN FDI lên đến 30%.

Do quy mô nhỏ, tài chính yếu nên phần lớn DN trong nước chỉ đủ sức tham gia vào ngành may. Số DN có đầu tư trong lĩnh vực dệt, sợi, nhuộm... chỉ đếm trên đầu ngón tay và chủ yếu là DN Nhà nước.

Hay trong ngành da giày, theo thống kê tại Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu da giày tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh mới đây, trong 10 tháng 2014 kim ngạch xuất khẩu da giày Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD, tương đương gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy đứng thứ năm thế giới về sản xuất và đứng thứ hai về xuất khẩu các mặt hàng giày dép sang EU, Mỹ, Nhật Bản (chỉ sau Trung Quốc), nhưng 90% sản phẩm là hàng gia công và 70% DN hoàn toàn phụ thuộc vào thiết bị kỹ thuật, công nghệ, thiết kế của DN nước ngoài.

Thực tế cho thấy, dường như những năm qua, vấn đề căn cơ nhất của DN là năng lực cạnh tranh cũng chưa cải thiện được bao nhiêu, trong khi nền kinh tế vẫn theo đà mở cửa rất nhanh. Hội nhập kinh tế, Việt Nam chấp nhận tự do hóa, chấp nhận mở cửa thị trường và mong muốn nước khác mở cửa thị trường cho mình. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ dừng ở mở cửa cho NĐT nước ngoài chứ chưa mở cửa cho DN trong nước.

“Nói cách khác, trói tay người nhà cho người khác vào đánh. Năm nay, nếu có tăng trưởng thì lại là tăng trưởng ở khu vực đầu tư nước ngoài. Đau nhất là ở chỗ đó”, bà Lan chia sẻ.

Một chuyên gia kinh tế độc lập cũng đánh giá, dù có những tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, nhưng các DN nội địa chưa thực sự bền vững. Trong khi đó,  các DN FDI từng bước xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất vải chỉ để phục vụ cho nhà máy may mặc của họ và quay sang cạnh tranh với DN trong nước về giá cả, đơn hàng xuất khẩu. Do đó, nếu không chuẩn bị tốt, rất có thể Việt Nam sẽ trở thành “sân sau” sản xuất hàng hóa của các nhà đầu tư nước ngoài và DN trong nước vẫn tiếp tục làm gia công cho DN ngoại.

“Cởi trói” nâng sức cạnh tranh

Theo các chuyên gia, về lâu dài một nền kinh tế không thể phát triển bằng đầu tư nước ngoài mà phải bằng chính nội lực của mình. Cho nên, để vươn tới DN phải đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm thu hẹp khoảng cách với chính DN FDI trong ngành. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ cho DN da giày, may mặc không còn phù hợp. Nhà nước cần tạo nền tảng tốt hơn để cải thiện dần khả năng cạnh tranh và trên nền tảng đó DN mới phát triển được.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng, Nhà nước cần xây dựng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu để làm căn cứ cho các DN định hướng trong đầu tư phát triển. Cùng lúc đó, Nhà nước cũng tạo điều kiện cho DN, làng nghề, hộ gia đình sản xuất được tiếp cận với nguồn vốn vay để đầu tư thiết bị hiện đại và đáp ứng nhu cầu vốn lưu động phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; có biện pháp để giảm chi phí cho các DN nhất là điện, nước, vận tải, thuế và phí xuất nhập khẩu…

Cũng theo bà Lan, trong vài trăm DN ngành dệt may, da giày, chỉ một số ít có thể chủ động được công nghệ, thiết bị và có khả năng tự sản xuất theo thiết kế, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng. Còn lại, đa số DN vẫn sử dụng các thiết bị lạc hậu, quản lý hạn chế, thiếu chiến lược kinh doanh…

Kết quả, sản phẩm làm ra có giá thành cao, khó cạnh tranh. Theo đó, một số DN nội địa nên tận dụng cơ hội nâng cấp máy móc hiện đại với giá rẻ trong bối cảnh nhiều công ty ở Mỹ, Canada, Ý, Đức rao bán máy móc thiết bị tuy đã đã qua sử dụng nhưng còn giá trị.

Cùng một vấn đề, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh phân tích thêm, do đặc thù của ngành sản xuất, may mặc là ngành cần vốn lớn trong khi quy mô các đơn vị chủ yếu vừa và nhỏ nên rất nhạy cảm với sự thay đổi của thị tường. Điểm yếu nữa phải kể đến, các DN nội địa hiện chưa tìm ra được sự gắn kết chặt chẽ giữa các công ty phụ trợ. Sản phẩm làm ra của Việt Nam chủ yếu dựa vào nguyên liệu nhập khẩu, nguyên liệu nhập khẩu chiếm tới 35% giá thành sản phẩm.

Ông Doanh cho rằng, mỗi DN nội địa cần tập trung khắc phục các điểm yếu và nhìn xa trông rộng về các cơ hội sẽ đến trong tương lai. Cụ thể, năm 2014, DN dành ưu tiên cho tái cấu trúc tài chính vì trong năm 2013, chính những khó khăn về tài chính khiến không ít DN không thể thực hiện đơn hàng, bỏ mất nhiều khách hàng và giảm sút uy tín. Song song nhiệm vụ tái cấu trúc, DN phải đặt mục tiêu chủ động hơn về vùng nguyên liệu để có đủ năng lực cạnh tranh với các DN FDI cùng ngành.

Đón đầu để cạnh tranh

Để đón đầu TPP và nâng cao tính cạnh tranh, TCM đang mở rộng sang mảng vải chất lượng cao. Với hàm lượng giá trị gia tăng vượt trội, mảng này giúp TCM nâng cao đáng kể biên lợi nhuận gộp về dệt (từ 17% lên hơn 20%) từ đầu năm 2014 đến nay. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, TCM cũng vừa nhập thêm 15 máy dệt mới, qua đó giúp tăng công suất của khâu dệt thêm khoảng 20%.

Chúng tôi cho rằng, đây là những bước đi quan trọng để TCM tiến tới việc sản xuất những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất dệt may.

Về quy mô, sau gần một năm chờ đợi, dự án nhà máy Vĩnh Long của TCM đã chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối tháng 8 vừa rồi. Như vậy, trong năm 2015, kết quả kinh doanh của TCM sẽ được hỗ trợ tích cực bởi việc gia tăng đáng kể công suất ở khâu may, khi vào xưởng may số 1 trong dự án nhà máy Vĩnh Long đi vào hoạt động (dự kiến tháng 1/2015).

Về dài hạn, việc tiếp tục xây dựng nhà máy may số 2 và mở rộng công suất các khâu đan, nhuộm sẽ giúp duy trì sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều đặn hàng năm cho TCM. Ước tính, doanh thu thuần năm 2015 của TCM có thể tăng trưởng 5,6% và lợi nhuận sau thuế tăng 12%.

Đầu tư để chủ động trong sản xuất

Đầu tư của DN FDI sẽ là yếu tố tích cực, tạo động lực để DN trong nước cạnh tranh. Thay vì nhập khẩu nguyên liệu từ các nước, DN trong nước chỉ cần mua nguyên liệu từ các DN FDI. Tuy nhiên, về lâu dài để không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, chúng tôi phải chủ động đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cụ thể, chúng tôi sẽ tạo ra được lợi thế vượt trội bằng cách xây dựng thương hiệu sản phẩm, biết cách tiếp thị và phân phối, đồng thời tạo ra được những sản phẩm có thiết kế phù hợp với từng thị trường.

Để làm được điều đó, DN chúng tôi đang tìm cách giải quyết hàng loạt vấn đề như: nâng cao tỷ lệ sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu và giảm chi phí vận chuyển bằng thúc đẩy khâu sản xuất trung gian… Song song đó, Sơn Việt thực hiện một số giải pháp để có sự hỗ trợ của Nhà nước như về thuê đất, vốn vay...

Cải thiện khả năng thích ứng cạnh tranh

Khi các FTA được ký kết, sẽ có không ít thách thức vì không chỉ DN trong nước mà cả DN FDI cùng được hưởng lợi. Trong khi DN nội địa vẫn thua kém DN nước ngoài cả về tài chính lẫn quản trị. Trước mắt, để khắc phục chúng tôi đang cải tiến mạnh hệ thống quản trị, ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại như hoạch định tài nguyên DN (ERP), sản xuất tinh gọn, quy trình cải thiện triệt để khả năng sinh ra lợi nhuận, giúp nâng cao hiệu suất lao động, đáp ứng nhanh và quản trị DN hiệu quả với chi phí thấp.

Bên cạnh đó, DN xây dựng đội ngũ nghiên cứu phát triển vững chắc để thỏa mãn nhu cầu của khách hàng về kiểu dáng, công nghệ mới, đồng thời, đáp ứng những kỹ năng lao động chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

Nguồn: Thời báo Ngân hang
Quảng cáo sản phẩm