Hợp sức tiêu thụ nông sản

09/06/2021 12:00 - 43 lượt xem

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp những tháng đầu năm nay đã và đang gây khó khăn chất chồng cho tiêu thụ nông sản, đặc biệt là XK. Cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương cũng như cộng đồng DN cùng vào cuộc, nỗ lực đảm bảo chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo an toàn dịch Covid-19 là “chìa khoá” để gỡ khó tiêu thụ nông sản mùa dịch.

Thị trường gia tăng rào cản

5 tháng đầu năm 2021, XK nông, lâm, thuỷ sản tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ nông sản lại đang gặp khó khăn ở những mặt hàng cụ thể, vì cả những lý do chủ quan lẫn khách quan, trong đó đáng lo ngại là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 2,75%, GDP tăng 2,65% và kim ngạch XK nông, lâm, thuỷ sản là 41,2 tỷ USD tăng 2,6% so với năm 2019. 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 22,8 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, XK nhóm nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13%; lâm sản chính đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%; thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12%; chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%.

“Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất rõ tới sản xuất, tiêu thụ và thị trường tiêu dùng nông sản của Việt Nam như: làm đứt gãy một số chuỗi, chi phí sản xuất có xu hướng tăng cao; những yếu tố kỹ thuật, tiêu chí đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng đòi hỏi cao để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, đối với thị trường XK, nông sản vướng các rào cản kỹ thuật ở ngay các thị trường đạt kim ngạch XK lớn. Điển hình như, Hoa Kỳ đang khởi xướng điều tra bán phá giá mật ong NK từ Việt Nam. Trung Quốc áp dụng các biện pháp kiểm soát hàng đông lạnh NK do lo ngại rủi do lây truyền dịch bệnh Covid-19 khiến cho các mặt hàng thủy sản, sữa XK của nước ta gặp khó khăn…", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá.

Xung quanh câu chuyện Hoa Kỳ khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm mật ong Việt Nam, ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hội Nuôi ong Việt Nam nhìn nhận, thông thường, nếu Hoa Kỳ đã khởi xướng cuộc điều tra thì sản phẩm khó thoát khỏi việc bị áp thuế chống bán phá giá. Vấn đề còn lại là mức thuế sẽ bao nhiêu.

Hiện nay, mật ong Việt Nam đã XK sang nhiều thị trường khác nhau, tuy nhiên điểm đáng chú ý là tới hơn 95% mật ong Việt Nam được XK vào thị trường Hoa Kỳ. "Những năm gần đây, nhiều thị trường NK đã gia tăng các hàng rào kỹ thuật để cản trở mật ong Việt Nam XK vào. Việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và khả năng sẽ áp thuế khiến việc XK mật ong của Việt Nam ngày càng chất chồng khó khăn", ông Tâm nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, dịch Covid-19 khiến nhiều nước NK đưa ra những quy định kiểm soát khắt khe hơn. Trong đó, một số nước áp dụng các biện pháp kỹ thuật không phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế, thiếu cơ sở khoa học, làm cản trở gia tăng giá trị XK.

Nhìn nhận khó khăn điển hình trong XK nông sản Việt là thị trường Trung Quốc, lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản phân tích, hiện Trung Quốc vẫn đang áp dụng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên bao bì thực phẩm thủy sản XK từ Việt Nam. Điều này gây khó khăn cho DN khi tiến độ XK bị chậm cũng như làm phát sinh chi phí. Hiện tại, các DN Việt Nam đang XK thủy sản sang Trung Quốc chưa phát hiện bất cứ người lao động nào bị nhiễm Covid-19, song DN vẫn áp dụng chặt chẽ các biện phòng dịch Covid-19 để bảo vệ người lao động, bảo vệ sản xuất.

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, đến nay, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa có công bố bất cứ bằng chứng, cơ sở khoa học nào cho thấy virus Sars-CoV-2 lây từ bao bì thực phẩm sang người. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam yên tâm trong vận chuyển, tiêu thụ và XK nông, thuỷ sản.

Xây dựng mô hình sản xuất, tiêu thụ khép kín

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Như Tiệp đặc biệt đề nghị các DN ngoài đảm bảo an toàn thực phẩm cần nâng cao tinh thần, đảm bảo an toàn dịch Covid-19 trong các nhà máy chế biến. “Các DN cần tuân thủ chặt chẽ các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế trong phòng chống dịch Covid-19. Các địa phương cũng cần quan tâm việc quy hoạch vùng nuôi, vùng trồng tập trung để quản lý giám sát chặt chẽ”, ông Tiệp nói.

Từ góc độ cơ quan kiểm dịch thực vật, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, Cục đang đàm phán để mở cửa 19 thị trường cho 20 loại sản phẩm như: trái cây, hạt giống, gạo, hoa, đậu đỗ, khoai lang… Các địa phương cần xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện cấp mã số, hướng tới mục tiêu quản lý chất lượng nông sản ngay từ gốc phục vụ XK và tiêu thụ nội địa; giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số, triển khai các chương trình giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm XK. "Cùng với đó, các DN cần tuân thủ, trung thực trong quá trình triển khai; liên kết sản xuất, chủ động vùng nguyên liệu và giám sát thường xuyên để đảm bảo vùng nguyên liệu luôn đạt yêu cầu”, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.

Để duy trì XK nông sản các tháng cuối năm 2021 vẫn tăng trưởng ở mức cao, đồng thời đảm bảo đáp ứng đủ, ổn định nguồn cung cho XK và tiêu thụ nội địa, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu rõ, các địa phương, đơn vị cần cố gắng xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín; trong đó, phối hợp với các tổ chức đoàn thể để xây dựng mô hình cung ứng nông sản an toàn thực phẩm… “Nếu xây dựng được các chuỗi khép kín từ người dân, hợp tác xã đến các DN thu mua, DN tiêu thụ sẽ góp phần tăng cường khả năng đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông sản”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa thông quan nhanh, Thứ trưởng yêu cầu các Cục chức năng của Bộ bố trí cán bộ kiểm dịch động thực vật 24/24 khi đến mùa vụ nhằm hỗ trợ tối đa DN XK, đồng thời tham mưu lãnh đạo Bộ tháo gỡ khó khăn, rào cản thị trường, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường các mặt hàng nông sản XK tiềm năng.

Cụ thể, với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu nghiên cứu, dựa trên kinh nghiệm thực tế của các địa phương và phối hợp với Bộ Công Thương để đưa ra được quy trình đảm bảo an toàn cho tài xế và nông sản trong quá trình vận chuyển. Với Trung tâm Xúc tiến thương mại, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu chủ động liên hệ với các địa phương như Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La…, tổ chức các diễn đàn trực tuyến để kết nối với các DN tiêu thụ. Các địa phương cũng cần chủ động liên hệ với Trung tâm Xúc tiến thương mại để tìm đầu ra cho nông sản của mình.

Ở góc độ các địa phương, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh cần có sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với kế hoạch tiêu thụ, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Mục tiêu là không để xảy ra dư thừa sản phẩm. Cùng với đó, các địa phương cần lưu ý nhiều hơn đến vấn đề cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi cho các loại nông sản, không chỉ hàng hóa XK mà ngay cả tiêu thụ trong nước. “Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT có thể xem xét, bổ sung tiêu chí liên quan đến vấn đề cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi trong xây dựng hợp tác xã của nông thôn mới”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
 
Quảng cáo sản phẩm