Hướng đi của thương mại toàn cầu
30/11/2010 12:41
Thương mại giữa các nước châu Á với nhau đang gia tăng nhanh và vượt qua khối lượng giao dịch giữa châu Á với châu Âu và Bắc Mỹ. Thực tế đó đòi hỏi các doanh nhân phải chú ý và điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Đứng trên bong con tàu viễn dương APL Almandine dài 290 mét đang dỡ hàng trên cảng Singapore, nhà báo Neel Chowdhury của tuần báo Time cảm nhận những dao động của thân tàu giống như nhịp đập của một châu Á mới trong nền thương mại toàn cầu. Ba chiếc cần cẩu khổng lồ đang hối hả nhấc những chiếc container dài 6 mét và 12 mét lên khỏi khoang tàu dài bằng hai sân bóng đá và xếp chúng lên những dãy xe tải xếp hàng trên cầu cảng. Những chiếc cần cẩu làm việc hối hả, bốc xếp 30 container mỗi giờ, bởi vì chỉ 16 tiếng đồng hồ sau khi cập cảng Singapore, con tàu sẽ nhổ neo đi cảng Hạ Môn ở miền Nam Trung Quốc, mang theo thức ăn gia súc, hóa chất và thép phế liệu. Cuộc hành trình diễn ra rất nhanh bởi vì những chuyến đi biển ngày càng ngắn lại. “Thời gian đi biển càng dài, chúng tôi càng dễ chịu. Ra biển thì yên tĩnh và bình lặng”, thuyền trưởng Teoh Beng Teik than thở.
Những chuyến hàng xuyên Thái Bình Dương đến California đang giảm dần như bóng dáng con tàu phía đường chân trời, được thay thế bởi dòng thương mại nội vùng châu Á. Sự chuyển dịch này không chỉ buộc các hãng tàu như hãng vận tải Neptune Orient Lines có trụ sở tại Singapore - chủ sở hữu tàu APL Almandine và là một trong các công ty vận tải container lớn nhất thế giới - phải đẩy nhanh tốc độ hoạt động khi lộ trình vận chuyển bị rút ngắn. Kế hoạch vận chuyển cũng được thay đổi cho phù hợp với thị trường châu Á. “Trước kia, chúng tôi chỉ lo chuyển hàng cho mua Giáng sinh bên Mỹ, nhưng nay chúng tôi phải sẵn sàng cho các dịp lễ Ramadan của người Hồi giáo, lễ Diwali của người Ấn Độ hay Tết Nguyên đán bên Trung Quốc”, ông Eng Aik Meng, chủ tịch của hãng APL – công ty con chuyên về vận tải container của hãng Neptune, cho biết.
Các chuyên gia khác cũng đồng ý như vậy. Dong Tao, nhà kinh tế chính về châu Á của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse tại Hồng Kông, nhận định: “Giao thương nội vùng châu Á rõ ràng là đang bùng nổ mạnh”. Theo số liệu của ngân hàng HSBC và Quỹ Tiền tệ quốc tế, thương mại nội vùng châu Á đã tăng bình quân 13,4% mỗi năm trong giai đoạn 2000 - 2009 và hiện đã đạt tổng kim ngạch hàng năm gần 1.000 tỉ USD. Ngân hàng Credit Suisse cho biết, hiện nay khoảng 50% hàng xuất khẩu của châu Á (trừ Nhật Bản) được tiêu thụ ở các nước châu Á khác (trừ Nhật Bản), nhiều hơn tổng lượng hàng xuất khẩu của châu Á sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cộng lại.
Hồi đầu thập niên này, người ta cho rằng có sự tách rời về kinh tế giữa phương Đông và phương Tây - sự thịnh vượng của châu Á không còn phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của phương Tây nữa. Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua đã chứng minh lập luận đó trong thực tế: châu Á đã bớt phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ của Mỹ. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn là thương mại nội vùng châu Á càng phát triển, thì nền kinh tế của khu vực này càng trở nên đa dạng và sâu sắc hơn, đồng thời làm lung lay vai trò chủ đạo của đồng đô la Mỹ như là đồng tiền dự trữ và công cụ thanh toán thương mại hàng đầu. Nói ngắn gọn, sự hội nhập kinh tế của châu Á đang bắt đầu giống như sự hội nhập của Liên minh châu Âu trong hai thập kỷ vừa qua. Tất nhiên cả thế giới còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng, cả với tư cách khách hàng và đối thủ cạnh tranh. Điều đó đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) quy tụ 21 quốc gia diễn ra tại Yokohama, Nhật Bản cuối tuần vừa qua. Ngoài các nước lớn ở châu Á, APEC còn quy tụ các nền kinh tế ngoài châu lục như Canada, Mỹ, Mexico và Nga. Ngay cả như vậy, màn kịch chính vẫn do các nước châu Á thủ vai.
Nhân vật chính trong vở kịch này là Trung Quốc, giống như một ngôi sao mạnh mẽ thu hút các hành tinh nhỏ hơn của lục địa này vào quỹ đạo kinh tế của nó. Theo một nghiên cứu của nhà kinh tế Kit Wei Zheng thuộc ngân hàng Citigroup, 73% lượng hàng xuất khẩu của Indonesia và 71% sản phẩm của Việt Nam xuất sang Trung Quốc năm 2008 được tiêu thụ trong nội địa nước này; khoảng một phần mười tổng số hàng xuất khẩu của Indonesia và Việt Nam là nhắm tới Trung Quốc, biến quốc gia này thành khách hàng lớn nhất của họ.
Sản phẩm mà Trung Quốc nhập khẩu từ các nước Indonesia hay Việt Nam chủ yếu là khoáng sản như than đá, thiếc hoặc các loại thực phẩm như cà phê hay tôm. Ngay cả các nước phát triển hơn như Singapore hay Hàn Quốc cũng xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là linh kiện điện tử, được lắp ráp ở nước này rồi lại xuất khẩu sang Hoa Kỳ hoặc châu Âu. Nhưng mô hình làm ăn này đang thay đổi. Gần một phần năm số hàng điện tử của Hàn Quốc xuất qua Trung Quốc trong năm 2009 được bày bán trong các cửa hàng điện tử của nước này. Tương tự như vậy, khoảng một phần ba hàng xuất khẩu của Singapore năm ngoái cũng đã được người Trung Quốc tiêu thụ.
Giờ đây, Trung Quốc đang tăng cường sử dụng đồng nhân dân tệ trong hàng loạt hoạt động thương mại với các đối tác châu Á, kể cả Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia. Đối với Trung Quốc, lợi ích của việc gia tăng các hợp đồng trao đổi bằng đồng nhân dân tệ ở châu Á là một lợi ích kép: nó vừa mở rộng phạm vi địa lý mà đồng tiền này hoạt động, vừa tăng tính thanh khoản của đồng nhân dân tệ. Điều quan trọng không kém đối với một đất nước đang nắm giữ hàng ngàn tỷ đô la là, nếu giao dịch bằng đồng bản tệ họ sẽ không phải đối mặt với những rủi ro mà đồng đô la đang yếu đi mang lại.
Mặc dù tổng giá trị của tất cả các hợp đồng thương mại thanh toán bằng nhân dân tệ hiện rất nhỏ nhoi so với việc kinh doanh hàng ngày của Trung Quốc mà chủ yếu vẫn được định giá bằng đô la Mỹ, nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể đang ở vào giai đoạn đầu của công cuộc xây dựng “khu vực đồng nhân dân tệ” ở châu Á. Một kế hoạch như vậy, cuối cùng, có thể khiến đồng đô la Mỹ chỉ còn giữ một vai trò mờ nhạt tại châu lục này. Căn cứ một phần vào nhiệt tình mở rộng tự do thương mại của Trung Quốc, ngân hàng HSBC đưa ra dự báo rằng, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa các nước châu Á với nhau sẽ gia tăng với tốc độ 12,2% mỗi năm từ nay cho đến năm 2020. Điều đó có nghĩa là thương mại nội vùng châu Á sẽ tăng nhanh hơn 70% so với thương mại giữa châu Á và Hoa Kỳ trong cùng thời gian này.
Thương mại giữa Mỹ và châu Á hiện nay không còn nhiều bất đồng như một thế kỷ trước. Thời ấy, để thỏa mãn cơn khát nguyên liệu của Mỹ, nhiều đoàn tàu băng qua Thái Bình Dương chở đầy quặng sắt của Trung Quốc hay gỗ quý của Philippines, giúp xây dựng những tuyến đường sắt, đường bộ và hải cảng kết nối miền Tây Hoa Kỳ với những trung tâm kinh tế nằm rải rác trong lục địa. Công ty hàng hải lướt sóng Thái Bình Dương lúc đó là American President Lines, gọi tắt là APL – nay đã 162 tuổi – vào năm 1997 đã bị tập đoàn Neptune Orient Lines của chính phủ Singapore mua lại. Quả là một chuyện khó tin nhưng nó cho thấy, sự vươn lên của thương mại châu Á là một thực tế đang diễn ra. Và với các nhà kinh doanh, đây là cũng là một thực tế cần nhanh chóng nắm bắt và tận dụng: đa dạng hóa thị trường, trong đó các nền kinh tế châu Á là điểm đến mới của hoạt động thương mại.
Các tin khác
- Ai Cập tiếp nhận Hồ sơ đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe ô-tô tải và xe buýt có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (07/05/2025)
- Bộ Công Thương tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc ĐTADCBPG đối với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (05/05/2025)
- Bộ Công Thương ban hành QĐSĐBS QĐ ADTCBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc (05/05/2025)
- Bộ Công Thương ban hành QĐSĐBS QĐADTCBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (05/05/2025)
- Hàn Quốc ban hành kết luận cuối cùng về ĐTCBPG giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (05/05/2025)