Indonesia điều tra CBPG sản phẩm thép cuộn nguội của các nước Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan-Trung Quốc và Trung Quốc

29/06/2011 12:00 - 563 lượt xem

Theo tờ báo Jakarta Post mới đưa tin, Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép cuộn nguội của Việt Nam, Đài Loan-Trung Quốc, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

 Thứ sáu ngày 24/6/2011 vừa qua, Chủ tịch KADI- ông Muchtar đã tuyên bố khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép theo đơn kiện do doanh nghiệp sản xuất PT Krakatau Steel nộp.

Theo ông, “Khi bắt đầu khởi xướng, chúng tôi sẽ gửi thư yêu cầu cung cấp thông tin từ các bên liên quan, bao gồm các nhà nhập khẩu, nhà sản xuất (của nước xuất khẩu), để lấy thông tin cho việc điều tra”.

Các chuyên viên điều tra cũng sẽ điều tra những thiệt hại về mặt vật chất mà hành vi bán phá giá có thể gây ra, bao gồm năng suất, lao động và dòng tiền.

Số liệu của Bộ Thương mại cho thấy trong năm ngoái Indonesia đã nhập khẩu 924.801 tấn thép cuộn nguội- nguyên liệu sử dụng chủ yếu trong ngành sản xuất ôtô, ống dẫn và nội thất- tăng 57,19% so với con số 588.334 tấn năm 2009.

Phó tổng giám đốc công ty thép Krakatau Steel - ông Wawan Hernawan nói rằng công ty của ông đã nộp đơn kiện ba tháng trước đây sau khi đã thu thập được các số liệu và bằng chứng đầy đủ.

Ông nói: “Sau hai năm theo dõi, chúng tôi đệ đơn kiện vì nghi ngờ rằng các nhà sản xuất đã bán phá giá sản phẩm này vào Indonesia. Việc khối lượng nhập khẩu sản phẩm gia tăng đáng kể kèm theo giá giảm đã gây thiệt hại cho sản phẩm ở thị trường nội địa của chúng tôi”.

Theo ông Wawan, việc đệ đơn kiện là một thủ tục thông thường theo quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Ngoài ra, sản phẩm thép cuộn nguội do công ty Krakatau Steel sản xuất cũng từng là sản phẩm bị điều tra chống bán phá giá bởi nhà sản xuất sản phẩm tương tự của Thái Lan và Hoa Kỳ vài năm trước đây.

Theo quy định của WTO, Bộ Thương mại có thể áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời cho sản phẩm của các quốc gia khác để bảo vệ những nhà sản xuất nội địa khỏi thiệt hại mà hành vi bán phá giá gây ra sau khi họ thu được các bằng chứng sơ bộ. Sau đó họ cũng có thể áp thuế chống bán phá giá cho sản phẩm nhập từ nước ngoài và xác định mức đền bù cho các nhà sản xuất nội địa bị thiệt hại sau khi cuộc điều tra hoàn thành.

Đầu tuần này, ủy ban chống bán phá giá cũng vừa tiến hành một cuộc điều tra khác cho sản phẩm gốm của Trung Quốc dựa trên khiếu nại do doanh nghiệp sản xuất gốm PT Lucky Indah Keramik nộp.  Ngoài ra đầu tháng Tư vừa rồi, ủy ban chống bán phá giá cũng tiến hành điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép cuôn nóng của Trung Quốc, Ukraine và Singapore do doanh nghiệp thép PT Gunung nộp đơn.

Phạm vi điều tra bao gồm các sản phẩm thép có các mã HS sau: 7209.16.00.10, 7209.17.00.10, 72.09.18.90.00, 7209.26.00.10, 7209.27.00.10, 72.09.28.90.00, 7209.90.90.00, 7211.23.20.00, 7211.23.90.90, 7211.29.20.00, 7211.29.90.00, 7211.90.10.00 và 7211.90.90.00.

Ngày 29 Tháng 6 Năm 2011
Nguồn: Ban phòng vệ thương mại – Cục Quản lý cạnh tranh (dịch)

 

Quảng cáo sản phẩm