Khó có khả năng Việt Nam bị áp thuế cao khi chính quyền Trump bảo hộ thương mại
18/11/2024 02:59
Trả lời phóng viên TBTCVN, Thạc sĩ Phan Minh Hòa - Giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam khẳng định: “Tôi lạc quan là khả năng Việt Nam bị áp thuế cao 20 - 30% khi chính quyền Trump thực hiện bảo hộ thương mại sẽ khó xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta cần đặc biệt cẩn trọng để tránh những chính sách bất lợi không đáng có”.
PV: Sự kiện ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống và dự kiến những chính sách của Chính phủ mới sẽ ảnh hưởng như thế nào tới kinh tế Việt Nam nói chung, thưa bà?
Bà Phan Minh Hòa: Việc ông Trump đắc cử sẽ mang lại cả những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trên các phương diện thương mại, đầu tư, chính sách vĩ mô.
Về cơ hội, Việt Nam có thể được xem là một đối tác hữu ích trong việc giúp Mỹ thoát khỏi sự phụ thuộc vào hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, chuyển dịch chuỗi cung ứng đến những nước tin cậy “friend-shoring”, giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu sang Mỹ, thu hút FDI.
Về thách thức, đối với thương mại, trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đề xuất tăng thuế quan lên tới 20% với toàn bộ hàng nhập khẩu, riêng hàng Trung Quốc áp thuế có thể thậm chí đến 60%. Động thái này được dự báo sẽ gây tác động lớn tới thương mại toàn cầu, đẩy thương chiến Mỹ - Trung lên một tầm cao mới. Điều này có thể tác động tới thương mại Việt- Mỹ.
Việt Nam cần chú ý rủi ro bị coi là cửa ngõ để hàng Trung Quốc tìm cách “lách” vào Mỹ, lẩn tránh hàng rào thuế quan và các biện pháp phòng vệ, khiến phía Mỹ áp thuế lên hàng Việt Nam. Ngoài ra, nếu Mỹ tăng thuế với Trung Quốc, hàng Trung Quốc với giá rẻ cũng có thể tràn sang các nước, trong đó có Việt Nam.
Đối với tỷ giá, dự báo đồng USD sẽ mạnh lên. Nếu Trung Quốc phá giá đồng tiền của họ, đồng Việt Nam cũng chịu áp lực. Trong khi đó, Việt Nam cần phải đảm bảo linh hoạt để tránh bị Mỹ đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
PV: Bà nghĩ thế nào về khả năng áp thuế cao (20-30%) đối với hàng Việt Nam nếu các chính sách trên được thực thi?
Bà Phan Minh Hòa: Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Việt Nam đã duy trì quan hệ tốt, nhưng khi Việt Nam xuất siêu 54 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2019, Việt Nam đã từng bị cảnh báo. Hiện, Việt Nam là nước xuất siêu cao thứ 3 vào Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico, hai nước mà ông Trump mạnh mẽ chỉ trích và đề xuất tăng thuế. Vì vậy, rủi ro với thương mại Việt Nam là có.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, ông Donald Trump là nhà kinh doanh đàm phán thực dụng và đầy kinh nghiệm. Đề xuất tăng thuế nên được coi là một công cụ để đàm phán mang lại lợi thế cho Mỹ, hơn là một con số cụ thể nhất định. Việc tăng thuế cũng gây ra nguy cơ lạm phát quay lại, điều mà Mỹ không mong muốn. Hiện tại, cả thế giới vẫn đang hồi hộp chờ bước đi tiếp theo của ông khi bước vào Nhà Trắng và chúng ta khó có thể đưa ra dự đoán chính xác.
Với riêng Việt Nam, Mỹ đang mở rộng mối quan hệ kinh tế tích cực, và người tiêu dùng Mỹ nhìn chung không có sự phản đối đáng kể nào về những sản phẩm “Made in Vietnam”. Vì vậy, tôi lạc quan là khả năng áp thuế cao 20-30% sẽ khó xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta cần đặc biệt cẩn trọng để tránh những chính sách bất lợi không đáng có.
PV: Theo bà, trước những lo ngại về chính sách bảo hộ thương mại trên, Việt Nam cần làm gì để giảm bớt những tác động tiêu cực này?
Bà Phan Minh Hòa: Thứ nhất, trong quan hệ thương mại song phương với Mỹ, Việt Nam cần đặc biệt lưu ý giám sát tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, sự biến động của tỷ giá và hợp tác chặt chẽ với Mỹ để đảm bảo cân đối hài hòa lợi ích của cả hai phía.
Cần giám sát để con số thặng dư thương mại tổng quan không quá lớn và gây sự chú ý, đảm bảo tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu phải đồng thời với tăng cường nhập khẩu từ Mỹ, mua thêm các đơn hàng khí hóa lỏng, máy bay, ô tô, thiết bị y tế, ngô... Đối với riêng từng ngành hàng, Việt Nam cũng cần chú ý để tránh nguy cơ xuất khẩu tăng trưởng quá nhanh sẽ tăng rủi ro bị các nhà sản xuất Mỹ kêu gọi bảo hộ, dẫn đến việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tạm thời như thuế chống bán giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ.
Thứ hai, Việt Nam kiên quyết thực hiện nghiêm việc phòng chống gian lận thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ để lẩn tránh bất hợp pháp biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là đối với một số mặt hàng như thép, nhôm, dệt may, thủy sản... Điều này đòi hỏi sự quản lý giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước và sự tuân thủ nghiêm túc, tích cực hợp tác từ các doanh nghiệp (DN), tránh “con sâu bỏ rầu nồi canh”.
Thứ ba, Việt Nam cần tiếp tục tận dụng thu hút FDI, đặc biệt từ Mỹ, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng DN Mỹ ở Việt Nam. Đồng thời, hoàn thiện chính sách và nâng cao khả năng thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Thứ tư, quản lý tỷ giá cũng là lĩnh vực cần được đặc biệt chú ý. Trong bối cảnh Việt Nam thường vượt ngưỡng 2/3 tiêu chí đánh giá một nước có thao túng tiền tệ của Mỹ, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục thông tin, hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính Mỹ, đảm bảo điều hành quản lý tỷ giá linh hoạt, minh bạch, không nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng.
Cuối cùng, về dài hạn, Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm và tập trung kích cầu nội địa, để cầu nội địa là động lực cân bằng cho tăng trưởng kinh tế.
PV: Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Thời báo Tài chính
Các tin khác
- Bộ Công Thương gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ vụ việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Cộng hòa In-đô-nê-xi-a và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Mã vụ việc: ER01.AD09) (21/04/2025)
- Bộ Công Thương gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ Ma-lai-xi-a, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Mã vụ việc: ER01.AD07) (21/04/2025)
- Bắc Kinh cảnh báo các nước không được ký thỏa thuận thương mại với Mỹ gây tổn hại cho Trung Quốc (21/04/2025)
- Giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó thuế đối ứng từ Hoa Kỳ: 'Trong nguy luôn có cơ' (21/04/2025)
- ‘Chìa khóa’ giúp doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường mới khi chuyển hướng (21/04/2025)