Không dễ giải bài toán nhập siêu từ Trung Quốc

23/05/2011 12:00 - 606 lượt xem

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là lớn nhất và ngày càng gia tăng. Giải bài toán nhập siêu, với những lợi thế hiện nay của nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc nhằm cân bằng cán cân thương mại hai nước là không đơn giản.

Theo tính toán của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy, hệ số thâm nhập của Trung Quốc trên thị trường Việt Nam hiện tập trung vào một số lĩnh vực: điện lực, dầu khí, cơ khí, luyện kim, khai khoáng, hóa chất và sản xuất hàng tiêu dùng. 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất của Việt Nam do Trung Quốc đảm nhiệm, với giá trị trúng thầu hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD/dự án.

Đây đều là những ngành công nghiệp thượng nguồn, đang có nhiều dự án EPC với quy mô lớn do Trung Quốc thắng thầu đảm nhận, với chủ đầu tư đều là các tập đoàn kinh tế trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, thực hiện các công trình thắng thầu, các nhà thầu Trung Quốc đều mang theo máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu, thậm chí cả công nhân từ Trung Quốc sang.
Đây cũng là những ngành mà quan hệ thương mại với Trung Quốc gừa gây nhập siêu cao, vừa tăng đáng kể sức ép cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. “Dù có quan điểm cho rằng, nhập khẩu công nghệ, thiết bị là nhắm tới kỳ vọng nâng cao giá trị gia tăng trong tương lại, nhưng thực tế cho thấy, nhập siêu từ nước láng giềng đang ngày càng chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng nhập siêu của Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị lan tỏa về công nghệ cũng như xã hội không cao như kỳ vọng”, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR nhận xét.

Số liệu về cán cân thương mại mới nhất tính đến cuối tháng 4/2011 cũng tiếp tục khẳng định sự thắng thế thuộc về hàng hóa Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc gần 4,1 tỷ USD, chiếm 84% tổng nhập siêu của cả nước! FDI từ Trung Quốc hiện cũng chỉ chiếm 1,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam, chủ yếu là hình thức 100% vốn nước ngoài.

Phân tích nguyên nhân cán cân thương mại Việt Nam – Trung Quốc thâm hụt sâu, VEPR nhận định, chính sách thương mại và công nghiệp của Việt Nam chưa phát huy được tác dụng trước làn sóng hàng Trung Quốc đa dạng và giá rẻ. Việt Nam cũng thiếu vắng những hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Không những thế, Trung Quốc lại biết tận dụng lợi thế của các thỏa thuận thương mại khu vực.

Ngược lại, hàng hóa của Việt Nam có khả năng cạnh tranh kém cả về giá cả và chất lượng nên khó thâm nhập thị trường Trung Quốc. Nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc là khoáng sản và nông lâm thủy sản với số lượng nhỏ, giá cả bấp bênh.
Để giải bài toán nhập siêu từ Trung Quốc, ông Thành cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ, không chỉ về chính sách thương mại mà cả về chính sách đầu tư, chính sách công nghiệp trong cơ chế chọn nhà thầu khoán. Qua đó, hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc, điều tiết cạnh tranh trên thị trường nội địa, tăng giá trị lan tỏa về xã hội, về công nghệ từ các hoạt động nhập khẩu, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, đây hoàn toàn không phải là điều đơn giản trước sự hiện hữu ngày càng lớn của kinh tế Trung Quốc trên toàn thế giới.

Nguồn: CafeF

 

Quảng cáo sản phẩm