Không thế đơn phương áp đặt vô lý

21/12/2009 12:00 - 770 lượt xem

Sau gần 5 năm tiến hành vụ kiện chống bán phá giá dày mũ da của Việt Nam vào châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) lại vấp phải sự phản đối của cộng đồng DN và của không ít thành viên khi mới đây EC đề nghị Hội đồng châu Âu gia hạn áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng nữa đối với mặt hàng giày mũ da nhập khẩu vào EU từ Việt Nam và Trung Quốc.

Vụ việc sẽ ngã ngũ sau ngày 22/12/2009, khi Hội đồng châu Âu có quyết định chính thức về vấn đề này, nhưng xét xét ở mọi góc độ, Việt Nam vẫn khẳng định không bán phá giá dày mũ da vào thị trường EU.

Các mốc chính của vụ kiện

Là một trong những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, sản xuất da giày luôn chiếm vị trí quan trọng đối với nền kinh tế. Với lợi thế nguồn nhân lực dồi dào, khéo tay, quy mô của doanh nghiệp vừa và nhỏ nên dễ quản lý cũng như dễ áp ứng nhu cầu của các đơn hàng từ nước ngoài. Chính bởi thế mà sản lượng XK giày dép của Việt Nam luôn có mức tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, chính những lợi thế của các DN sản xuất giày dép của Việt Nam đã khiến Liên đoàn công nghiệp giày châu Âu (CEC) thấy bị “đe dọa” việc sản xuất và kinh doanh, dẫn đến việc khởi khiện lên EC.

Sau một thời gian điều tra bắt đầu từ ngày 7/7/2005, đến ngày 6/10/2006, EC đã ra quyết định chính thức với mức áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam là 10% với thời hạn áp dụng 2 năm. Thế nhưng, sau 2 năm, EC vẫn chưa thay đổi quyết định của mình, bởi CEC đã nộp yêu cầu rà soát và gia hạn thêm việc áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da của Việt Nam. Đầu tháng 10/2008, EC đã ra quyết định tiến hành rà soát với thời hạn tối đa là 15 tháng và trong giai đoạn này, mức thuế chống bán phá giá vẫn mặc nhiên được áp dụng cho tới khi EC có kết luận cuối cùng.

Ngày 13/10/2009, Tổng vụ thương mại của EC đã ra bản báo cáo công khai sơ bộ về kết quả rà soát để các bên liên quan có ý kiến bình luận trước khi ra bản báo cáo chính thức. Ngày 19/11/2009, 15/17 nước thành viên EU đã bỏ phiếu phản đối đề xuất của EC về việc sẽ gia hạn áp thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam và Trung Quốc thêm 15 tháng sau khi giai đoạn rà soát kết thúc. Tuy nhiên, EC vẫn không thay đổi quan điểm và đã đệ trình lên Hội đồng châu Âu đề xuất vẫn gia hạn áp thuế chống bán phá giá. Dự kiến, đến 22/12/2009, Hội đồng châu Âu sẽ có quyết định chính thức về vụ việc này.

Những áp đặt vô lý

Thật không công bằng cho các DN Việt Nam khi bị áp thuế bán phá giá bởi thực tế DN Việt Nam thường là những DN vừa và nhỏ, mặc dù lượng hàng XK có tăng đều hàng năm, nhưng thị phần của hàng hóa Việt Nam trong tổng mức nhập khẩu của EU cũng chỉ ở mức trên dưới 10%, nên không thể dùng biện pháp bán phá giá nhằm bóp méo sức cạnh tranh, tạo sức mạnh thị trường và đe dọa việc sản xuất, kinh doanh của các nhà sản xuất của EU.

Với mặt hàng giày dép, 9 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch XK của Việt Nam vào EU ước đạt 1,6 tỉ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 11/2009, giày mũ da Việt Nam chiếm khoảng 55% tổng kim ngạch XK giày vào thị trường EU, tương ứng khoảng 900 triệu USD. Một con số không phải là quá lớn. Chính bởi thế, việc tính toán biên độ bán phá giá của EC đối với các mặt hàng XK của Việt Nam không phản ánh đúng thực tế sản xuất, kinh doanh của các DN. Việc EC sử dụng Brazil làm nước thay thế để tính toán biên độ phá giá cho Việt Nam đã dẫn đến những kết quả sai lệch và làm bóp méo bản chất sự việc vì quốc gia này có điều kiện hoàn toàn khác biệt so với Việt Nam. Trong khi đó, đề nghị tìm một số nước tương đồng để thay thế trong việc tính toán như Thái Lan hay Indonexia của Việt Nam đã không được EC chấp nhận.

Với mô hình lớn, chi phí lao động cao, cộng với chi phí đầu vào cho sản xuất không nhỏ và nhiều yếu tố khách quan, chủ quan khác chính là những yếu tố bất lợi cho chính các DN sản xuất da giày của châu Âu chứ không phải do tác động của sản phẩm XK của Việt Nam. Những phân tích của EC cho thấy các nhà sản xuất giày châu Âu đã không phải ghánh chịu những thiệt hại trong giai đoạn hiện nay khi thị phần của họ vấn duy trì ở mức ổn định trong giai đoạn điều tra ra soát so với năm 2006.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng với tác động của việc EU đã đưa ngành da giày Việt Nam ra khỏi diện được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ ngày 1/1/2009, mặt hàng giày dép của Việt Nam hiện phải chịu mức thuế cộng gộp (thuế chống bán phá giá và thuế MFN) tới 18% thay vì 4,5% như trước đây (thuế ưu đãi của GSP. Điều này đã làm mất đi những lợi thế cạnh tranh đáng kể của giày xép XK Việt Nam vào thị trường EU so với một số nước như Ấn Độ, Brazil, Indonesia và Thái Lan.

Cần một sự phán quyết công bằng

Ông Alain Cany, Chủ tịch phòng thương mại châu Âu tại VN (Eurocham) đã bày tỏ quan điểm phản đối đề xuất trên của EC. Đồng thời cũng khẳng định ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc tìm kiếm các giải pháp trước khi EC đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 22-12. Theo ông Alain Cany, trong khoảng thời gian còn lại, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh vận động các nước thành viên trong khối Liên minh châu Âu (EU) để tìm được sự đồng thuận, ủng hộ VN sớm được chấm dứt thuế chống phá giá đối với giày mũ da.

Thực tế, quyết định của EC chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của một nhóm nhỏ các nhà sản xuất châu Âu có năng lực cạnh tranh yếu kém và gây ra những tác động tiêu cực đối với các nhà đầu tư, NK và phân phối tại châu Âu, đặc biệt là quyền lợi của hàng triệu người tiêu dùng tại cộng đồng này. Việc EC đề xuất tiếp tục kéo dài áp thuế chống bán phá giá là không phù hợp với chính sách chung của cộng đòng châu Âu là thúc đẩy tự do hóa thương mại mà đã khuyến khích sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ và cũng đi ngược lại chính quan điểm của đa số thành viên EU tại cuộc họp của Ủy ban tư vấn chống bán phá giá ngày 119/11/2009. Hơn thế, việc tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với giày mũ da XK của Việt Nam là không phù hợp với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ kinh tế-thương mại song phương giữa Việt Nam và cộng đồng châu Âu

Đầu tháng 12/2009, bà Nguyễn Phương Nga- người phát ngôn Bộ Ngoại giao khi nói về quan điểm của Việt Nam về vấn đề này đã khẳng định: Việt Nam đã nhiều lần khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá giày mũ da vào thị trường châu Âu. Việc áp thuế chống bán phá giá với giày mũ da của VN trong thời gian qua là không khách quan, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu giày da của Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp sản xuất, hiệp hội phân phối bán lẻ và người tiêu dùng châu Âu.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ mong muốn EU sẽ có quyết định cuối cùng công bằng, khách quan theo tinh thần cuộc họp ngày 19/11 của Ủy ban tư vấn chống bán phá giá, chấm dứt việc áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam.

Nguồn: Báo công thương điện tử

Quảng cáo sản phẩm