Lãnh đạo ASEM cần ủng hộ thị trường mở và thương mại tự do
28/09/2010 10:21
Hội nghị thượng đỉnh ASEM lần thứ 8 sẽ diễn ra tại Brussels trong 2 ngày 4-5/10/2010. Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo Á - Âu cần thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ các thị trường mở và sớm kết thúc các cuộc đàm phán đã bị trì hoãn từ lâu của WTO về tự do hóa thương mại toàn cầu.
Những năm gần đây, việc mở rộng thương mại quốc tế đã đem đến nhiều lợi ích cho châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, việc thương mại toàn cầu đang đương đầu với những thách thức mới, vì thế đây là lúc cần thiết hơn bao giờ hết để thúc đẩy các dòng thương mại.
Việc ký kết một hiệp định thương mại mới hay mở rộng hiệp định thương mại WTO có thể tăng GDP toàn cầu lên khoảng 150-250 tỷ euro mỗi năm, giúp cho việc tăng tốc phục hồi kinh tế và tạo ra nhiều việc làm mới.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy cho các vòng đàm phán Chương trình nghị sự Phát triển Doha của WTO không dễ dàng gì. Được khởi động tại thủ đô Qatar tháng 11/2001, các “vòng đàm phán Doha” gặp nhiều khó khăn vì sự bất đồng về quan điểm xóa bỏ trợ cấp nông nghiệp và giảm thuế công nghiệp.
“Mọi người đều đồng ý rằng không có giải pháp nào là hữu hiệu nhưng không nước nào tính chuyện bỏ cuộc trong các vòng đàm phán”- Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy- cho biết.
Khó khăn trong đàm phán được chứng tỏ qua việc ấn định hạn chót để ký kết thỏa thuận Doha bị đẩy từ năm này qua năm khác. Lúc đầu dự tính sẽ hoàn thành sau 3 năm, nhưng nay đã bước sang năm thứ 9 vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng. Các bên hy vọng rằng thỏa thuận có thể đạt được vào cuối năm 2010 nhưng nay thời hạn thỏa thuận lại bại đẩy sang năm 2011.
Nguyên nhân thỏa thuận chưa đạt được do bất đồng về các vấn đề then chốt giữa Mỹ, châu Âu, Trung quốc, Brazil và Ấn Độ. Nhiều chuyên gia thương mại cho rằng vấn đề mấu chốt ở chỗ là Washington đã không khơi thông được bế tắc trong WTO.
Các quan chức Âu-Á cho rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama chưa đưa ra được đồng thuận vì bị ảnh hưởng bởi các thế lực nghiêng về bảo hộ thị trường nội địa nên không thể xác định được ưu tiên chính của mình tại vòng Doha. Thêm vào đó, việc bầu cử giữa kỳ đang đến gần, các nhà lập pháp Mỹ thậm chí không còn hăng hái với việc ký kết các thỏa thuận thương mại nữa. Do vậy thách thức lớn nhất là phải thuyết phục Mỹ tham gia tích cực vào Doha.
Vì thế, Hội nghị thượng đỉnh ASEM lần thứ 8 tại Brussels tới đây sẽ là cơ hội quan trọng cho một nỗ lực tập thể trong việc yêu cầu Mỹ hành động mạnh hơn về thương mại. Với 46 đối tác, chiếm một nửa GDP toàn cầu, gần 60% dân số thế giới và 60% thương mại toàn cầu, ASEM xứng đáng có vị trị dẫn đầu trong thương mại.
Cam kết Á- Âu về duy trì “Một hệ thống đa phương cởi mở, công bằng, dựa trên luật pháp và ổn định” đưa ra tại ASEM 7 tại Bắc Kinh năm 2008 giúp tạo ra một thông điệp làm yên lòng các thị trường toàn cầu còn nghi hoặc.
Để những nội dung của ASEM 8 tại Brussels thực hiện thành công, các nhà lãnh đạo Á-Âu cần phải đoàn kết trong việc đòi hỏi hành động của Mỹ và sự tham gia tích cực hơn của mình trong vai trò đàm phán.
Muốn vậy, các lãnh đạo phải chứng minh lời hứa của mình bằng hành động và phải kiên định về quan điểm, không chỉ trong nội bộ ASEM mà còn tại các diễn đàn song phương và đa phương bao gồm cả Liên hiệp quốc và trong nhóm G20 đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng.
Có nhiều lý do để thuyết phục ủng hộ việc kết thúc vòng Doha càng sớm càng tốt:
Thứ nhất, các thành viên ASEM có lợi ích nhiều hơn các khu vực khác khi tự do hóa thương mại mạnh hơn. Châu Á có thể đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính 2008- 2009 tốt hơn dự kiến khi kinh tế các nước tại châu lục này phụ thuộc vào xuất khẩu.
Đặc biệt, trong khi các nước châu Âu đang đối mặt với sự gia tăng đáng lo ngại về nợ chính phủ thì việc thương mại hóa toàn cầu sẽ mang đến một nguồn lợi tăng trưởng và phát triển bền vững.
Thứ hai, thỏa thuận Doha có ý nghĩa quan trọng để gìn giữ sự tín nhiệm của WTO và hệ thống thương mại đa phương. Mặc dù tiến độ chậm chạp trong đàm phán Doha, hệ thống thương mại đa phương vẫn đóng vai trò "giảm sốc" trong thời gian khủng hoảng kinh tế, ngăn ngừa nguy cơ suy sụp kinh tế có khả năng trở lại của chủ nghĩa bảo hộ toàn phần thảm khốc.
Thứ ba, thỏa thuận Doha sẽ cung cấp cơ hội thị trường mới thông qua việc cắt giảm hàng rào thuế quan và trợ cấp trong nước cũng như hợp lý hóa các thủ tục hải quan và làm giảm tệ nạn quan liêu.
Thứ tư, khi thế giới vượt ra khỏi suy thoái, thỏa thuận Doha sẽ tạo nên niềm tin chắc chắn hơn trong thương mại toàn cầu, khuyến khích các chủ lao động tạo ra nhiều việc làm, đặc biệt là trong ngành xuất khẩu. Điều này thực sự quan trọng vì hiện nay tại Đức, 22% tổng số việc làm còn phụ thuộc vào xuất khẩu; xuất khẩu đóng góp tới khoảng 40 triệu việc làm tại Trung quốc; và tại Australia, cứ 1/10 người lao động có liên quan đến nhập khẩu...
Thứ năm, dù tránh được các biện pháp bảo hộ toàn phần, nhưng làn sóng chính sách bảo hộ có nguy cơ trở lại trước sự bấp bênh của các nền kinh tế. Một báo cáo gần đây của Ủy ban châu Âu cho thấy, có gần 280 biện pháp hạn chế thương mại được thiết lập bởi các quốc gia thương mại lớn dưới hình thức kêu gọi "mua hàng nội địa" hay các quy định mua sắm của chính phủ và các chính sách biên mậu khác. Điều đáng lo lắng là, một số hàng rào mới dựng lên này có thể trở thành đặc điểm thường xuyên của hệ thống thương mại thế giới.
Thứ sáu, thỏa thuận Doha có khả năng ngăn chặn sự gia tăng các FTA "trao đổi hời hợt", mà phần lớn giới hạn ở việc cắt giảm thuế quan chứ không xử lý các hàng rào phi thuế quan về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
Cuối cùng, các vòng đàm phán Doha phải được kết thúc, cho phép WTO xem xét vượt ra ngoài thuế quan tới một loạt các vấn đề của thế kỷ 21, trong đó các hàng rào phi thuế quan, chính sách cạnh tranh, mua sắm của chính phủ, thương mại, môi trường và đầu tư, là những vấn đề cần được giải quyết khẩn cấp.
Sự quan tâm tới tự do hóa thương mại đã vắng bóng trong nhiều năm. Đã đến lúc châu Á và châu Âu phải vượt qua thách thức để mở rộng thương mại quay trở lại chương trình nghị sự toàn cầu.
Các tin khác
- NÓNG: Mỹ - Trung giảm thuế đối ứng lẫn nhau 115% (13/05/2025)
- Tăng cảnh báo từ sớm, từ xa cho doanh nghiệp khi Ấn Độ siết phòng vệ (12/05/2025)
- Nông sản Việt trước bài toán tiêu chuẩn, chất lượng của EU (12/05/2025)
- Tìm cách gia tăng nhập khẩu nông sản từ Mỹ (12/05/2025)
- Tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều thị trường mới (12/05/2025)