Lộ trình giảm thuế phải phù hợp từng ngành hàng

05/03/2011 12:00 - 593 lượt xem

Các hiệp hội doanh nghiệp có mặt tại hội thảo về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa EU và VN ngày 2-3 đều bày tỏ ý đồng tình về sự cần thiết phải có FTA với EU nhưng đặt ra nhiều băn khoăn về thời điểm ký, các cam kết phi thương mại do FTA đặt ra cho VN. Đồng thời, thống nhất quan điểm lộ trình giảm thuế phải phù hợp với từng ngành hàng khác nhau của VN.

Từ góc độ Hiệp hội Dệt may VN, tổng thư ký Lê Văn Đạo cho biết do VN phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu phục vụ dệt may xuất khẩu và các nước ASEAN khác cũng không mạnh về vải nguyên liệu nên rất khó để hàng dệt may đạt được quy chuẩn xuất xứ từ VN hay ASEAN.

Do đó, dệt may đã không tận dụng được ưu đãi về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc hay ASEAN với Nhật Bản, Úc, New Zealand…

“Khi chưa có FTA, dệt may xuất khẩu sang Nhật Bản tăng bình quân 10%/năm; với Mỹ là 20% và EU là 16%. Do đó việc khai thác được lợi thế từ FTA hay không đối với ngành dệt may là quy tắc xuất xứ”, ông Đạo nói.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN, cho rằng không chỉ riêng VN mà nhiều quốc gia khác trên thế giới đều phải nhập khẩu gỗ, và nhiều nước trong số đó vẫn phát triển được ngành này như Nhật Bản, Đài Loan… Ngành gỗ VN cũng thu hút lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ (tính đến năm 2009 có 451 doanh nghiệp FDI trong ngành đồ gỗ ở VN) và tạo hơn nửa triệu việc làm.

Do đó, ông Quyền cho biết hiệp hội ủng hộ đàm phán FTA nhưng lưu ý phải cân nhắc lộ trình để sản xuất trong nước có điều kiện nâng cao tính cạnh tranh với một thị trường đồ gỗ mở cửa hơn.

Với Hiệp hội Giấy và bột giấy VN, tổng thư ký Vũ Ngọc Bảo khẳng định FTA và EU sẽ giúp ngành giấy VN tiếp cận với công nghệ cao của EU vì hiện nay thiết bị nhập khẩu chủ yếu đến từ Trung Quốc và có chất lượng kém.
Ông Bảo cũng nêu lên một khía cạnh khác về nhu cầu cần có FTA với EU: “Đến năm 2015, VN sẽ tham gia đầy đủ FTA giữa ASEAN và Trung Quốc. Nếu đến khi đó FTA giữa EU và VN cũng phát huy tác dụng thì đây là một sự cân bằng lý thú giữa một thị trường giá rẻ và một thị trường có công nghệ, chất lượng cao". Ông Bảo cũng hi vọng FTA với EU sẽ gây ảnh hưởng tích cực đến thói quen sử dụng giấy tái chế vốn đang rất sơ khai ở VN.

Năm 2010, VN và EU về cơ bản đi đến thống nhất sẽ sớm khởi động đàm phán FTA song phương sau ba năm tiến trình FTA giữa EU và toàn khối ASEAN đi vào bế tắc.

Theo chuyên gia của Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP) là GS Claudio Dordi, FTA sẽ giúp EU cắt giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa của VN, nhờ đó VN có thể tăng kim ngạch xuất khẩu; ngược lại việc cắt giảm thuế của VN cũng sẽ tạo điều kiện nhập khẩu công nghệ, nguyên liệu chất lượng cao từ châu Âu.

EU sẽ tăng đầu tư vào VN và việc EU xuất khẩu thương mại, dịch vụ chất lượng cao sang VN cuối cùng sẽ giúp tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp VN. Với những e ngại về các điều kiện phi thương mại mà phía EU có thể đặt ra cho VN về lao động, bảo vệ môi trường…

TS Matthias Duehn, giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu tại VN, khẳng định đây là những vấn đề có thể thương lượng được chứ không cứng nhắc, một chiều.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online

Quảng cáo sản phẩm