Lực cản nào hạn chế thị phần hàng Việt tại Anh?
02/11/2024 02:50
Hàng hóa của Việt Nam chỉ chiếm khoảng gần 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào thị trường Anh. Một trong những nguyên nhân là do chưa xây dựng được thương hiệu riêng và chưa tập trung vào chiến lược và cách tiếp cận thông tin thị trường hiệu quả.
Xuất khẩu sang Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm
Chia sẻ tại tọa đàm “Xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh - Chiến lược và cách tìm kiếm thông tin”, ngày 30/10/2024, ông Vũ Việt Thành, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) khẳng định, hiệp định UKVFTA là động lực quan trọng thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – Vương quốc Anh lên một tầm cao mới.
Đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh được hưởng lợi. Trong 3 năm thực thi Hiệp định UKVFTA, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng trưởng trung bình 8,9%/năm, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng trưởng trung bình 9,4%/năm.
“Đây là mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của xuất khẩu Việt Nam hay tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam sang EU hoặc sang châu Âu nói chung trong 9 tháng đầu năm.
Thặng dư thương mại của Việt Nam duy trì với Anh trong 9 tháng qua cũng ở mức 5,1 tỷ USD, tăng 24 % so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Vũ Việt Thành thông tin.
Mặt khác, theo đại diện Bộ Công Thương, Hiệp định UKVFTA với các lệnh gỡ bỏ thuế quan triệt để cũng góp phần quan trọng để nâng cao thị phần của một số nhóm hàng có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Vương quốc Anh.
Bên cạnh đó, hiệp định cũng giúp tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng của Anh vào Việt Nam; đồng thời đầu tư của Anh vào Việt Nam cũng là một điểm sáng. Hiệp định cũng tác động tích cực về mặt thể chế, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phát triển, trưởng thành hơn.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, cựu Tham tán công sứ tại Vương quốc Anh cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh sau khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực rất tích cực và ngoài điều kiện tiếp cận thị trường thuận lợi, bản thân doanh nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Doanh nghiệp Việt Nam ngày càng năng động, đặc biệt những doanh nghiệp trẻ, có những kỹ năng mới về công nghệ số, giúp việc tìm kiếm thông tin nhanh hơn và nhiều hơn so với các phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được trình độ và hiệu quả như vậy.
Bởi, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn một số hạn chế trong việc tìm kiếm và phân tích thông tin một cách có hệ thống từ các nguồn nước ngoài.
Ví dụ từ Bộ Kinh doanh và Thương mại Anh, cơ sở dữ liệu của Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu từ các nước đang phát triển của Bộ Ngoại giao Hà Lan.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận được miễn phí các nguồn thông tin chi tiết sâu, các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Anh ở trên trang thông tin companieshouse.gov.uk. Tất cả các doanh nghiệp Anh đều phải đăng ký ở trên đó.
Ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết thêm, việc đầu tiên cần làm là truy cập trang này để xác minh xem đối tác mình đang giao dịch có đăng ký không, có tồn tại không; có đang hoạt động không; người đang giao dịch với mình có phải là giám đốc hay người có thẩm quyền để giao dịch với mình hay không.
“Tôi đã từng chứng kiến doanh nghiệp Việt Nam vì không theo sát thay đổi của đối tác, xuyên suốt mười năm làm việc cùng tương đối thuận buồm xuôi gió nhưng không biết tình hình sức khỏe tài chính của bạn hàng Anh đã có thay đổi, vẫn làm, vẫn tin tưởng, vẫn cho bạn hàng của mình trả chậm, thậm chí cho giao hàng trước trả tiền sau mà không biết rằng đối tác mấy năm qua của mình đang sắp sửa phá sản rồi.
Hay người giám đốc mình quen biết 10 năm qua đã bị mất chức rồi mà vẫn tiếp tục làm như mọi khi, để tự đưa mình vào tình thế tổn thất rất lớn và rủi ro rất cao”- ông Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ.
Do đó, không nên coi nhẹ việc kiểm tra tình trạng tài chính của khách hàng, đối tác, kể cả khách hàng, đối tác truyền thống để không đưa mình vào những tình huống rủi ro và tổn thất lớn.
Thời điểm thuận lợi để xâm nhập thị trường
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, doanh nghiệp Anh, người tiêu dùng Anh có nhu cầu tìm những bạn hàng mới và những nhà cung cấp mới. Đấy chính là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam
“Sau khi nước Anh rời EU thì chuỗi cung ứng cũng như quan hệ bạn hàng của các doanh nghiệp Anh đối với các doanh nghiệp EU cũng có phần nào bị suy giảm”, ông Nguyễn Cảnh Cường thông tin và nhấn mạnh, sự sụt giảm trong quan hệ thương mại giữa Vương quốc Anh và EU tạo ra những khoảng trống trong chuỗi cung ứng.
Đây có thể coi là một cơ hội mới cho cho các doanh nghiệp Việt Nam, bởi vì nhu cầu thị trường vẫn còn đó và thậm chí còn tăng.
Bên cạnh đó, quan hệ thương mại của Việt Việt Nam và Vương quốc Anh cũng đang phát triển tốt.
“Trong tâm trí của doanh nghiệp Anh và người tiêu dùng Anh, Việt Nam là một nền kinh tế đang lên, một thị trường cũng đang phát triển. Các doanh nghiệp Anh đánh giá nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng không kém gì doanh nghiệp Singapore.
Đấy là một sự tiến bộ vượt bậc, là một sự thăng hạng về uy tín quốc gia và uy tín doanh nghiệp, uy tín của nền kinh tế Việt Nam, uy tín của sản phẩm Việt Nam”, ông Nguyễn Cảnh Cường nêu và cho rằng giờ là thời điểm doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để cạnh tranh tốt hơn, cạnh tranh hiệu quả hơn với rất nhiều sản phẩm cùng loại đến từ các nước khác trong khu vực và nhiều vùng khác trên thế giới tại thị trường Anh.
Nguồn: Tạp chí Hải quan
Các tin khác
- Bộ Công Thương gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ vụ việc áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm bột ngọt có xuất xứ từ Cộng hòa In-đô-nê-xi-a và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Mã vụ việc: ER01.AD09) (21/04/2025)
- Bộ Công Thương gia hạn thời hạn rà soát cuối kỳ vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ Ma-lai-xi-a, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Mã vụ việc: ER01.AD07) (21/04/2025)
- Bắc Kinh cảnh báo các nước không được ký thỏa thuận thương mại với Mỹ gây tổn hại cho Trung Quốc (21/04/2025)
- Giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó thuế đối ứng từ Hoa Kỳ: 'Trong nguy luôn có cơ' (21/04/2025)
- ‘Chìa khóa’ giúp doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường mới khi chuyển hướng (21/04/2025)