Malaysia rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ tư với thép cuộn cán nguội của Việt Nam

30/01/2023 03:08 - 43 lượt xem

Theo Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) đã khởi xướng rà soát thuế chống bán phá giá đối với hai vụ việc liên quan đến một số sản phẩm thép cuộn cán nguội của Việt Nam được khởi xướng điều tra từ năm 2019 và 2015.

 

Theo Cục Phòng vệ thương mại, một vụ việc liên quan tới thép cuộn cán nguội/thép không hợp kim có chiều rộng lớn hơn 1.300 mm được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Việt Nam đã được MITI khởi xướng điều tra vào ngày 21-3-2019 với 4 nước là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.

 

Sau đó, vào ngày 17-12-2019, cơ quan điều tra đã ban hành kết luận cuối cùng với mức thuế chống bán phá giá cụ thể như sau: Trung Quốc từ 4,76% đến 26,38%, Nhật Bản 26,39%, Hàn Quốc từ 0 đến 3,84% và Việt Nam từ 7,7% đến 20,13%. Mức thuế này được áp dụng trong 5 năm, từ 25-12-2019 đến 24-12-2024.

 

Ngoài ra, vụ việc khác có liên quan đến thép cuộn cán nguội hợp kim/không hợp kim có độ dày từ 0,2 đến 2,6 mm và chiều rộng từ 700 mm đến 1300 mm được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Việt Nam. Vụ việc này đã được MITI khởi xướng điều tra vào 27-8-2015 với 4 nước là Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.

 

Đến ngày 17-5-2016, cơ quan điều tra đã ban hành kết luận cuối cùng với mức thuế chống bán phá giá. Cụ thể, Trung Quốc từ 5,61% đến 23,78%, Hàn Quốc từ 3,78% đến 21,64% và Việt Nam từ 3,06% đến 13,68%. Mức thuế này được áp dụng trong 5 năm, từ 24-5-2016 đến 23-5-2021.

 

Vụ việc đã trải qua hai đợt rà soát hành chính khởi xướng vào năm 2018 và 2020, cùng với đợt rà soát cuối kỳ vào năm 2021. Ngày 21-9-2021, MITI đã quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nói trên nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam cho giai đoạn từ 9-10-2021 đến 8-10-2026. Theo đó, Trung Quốc từ 35,89% đến 42,08%, Hàn Quốc từ 0% đến 21,64% và Việt Nam từ 7,42% đến 33,7%.

 

MITI sẽ gửi bản câu hỏi điều tra tới các bên liên quan, bao gồm các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra của Việt Nam và Chính phủ Việt Nam. Trong trường hợp không nhận được thông tin từ MITI, các bên liên quan có thể liên hệ với MITI bằng văn bản, fax hoặc email để tìm hiểu thông tin, nhận bản câu hỏi điều tra.

 

Thời hạn để các bên liên quan gửi yêu cầu nhận bản câu hỏi điều tra muộn nhất là 15 ngày kể từ ngày MITI ban hành thông báo khởi xướng cuộc rà soát.

 

Đặc biệt, thời hạn nộp bản trả lời câu hỏi điều tra và bày tỏ quan điểm, lập luận bằng văn bản về cuộc điều tra trong vòng 30 ngày kể từ ngày MITI ban hành thông báo khởi xướng cuộc rà soát, dự kiến đến ngày 27-1-2023.

 

Cục Phòng vệ thương mại cho rằng đây là cơ hội để các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam thay đổi mức thuế theo hướng có lợi. Do đó, các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần hợp tác đầy đủ, toàn diện với MITI để tận dụng tối đa cơ hội này. Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu sản phẩm liên quan liên lạc với MITI để đăng ký tham gia và nhận bản câu hỏi điều tra trong thời hạn quy định.

 

Quy định pháp luật của WTO cho phép cơ quan điều tra thực hiện rà soát hành chính như một thủ tục thông thường và định kỳ, nhằm đánh giá lại thuế chống bán phá giá đang được áp dụng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan.

 

Nguồn: Kinh tế Sài Gòn Online

Quảng cáo sản phẩm