Mặt hàng chủ lực nông thủy sản có dấu hiệu chững lại

03/04/2013 12:00 - 552 lượt xem

Trong quý I năm 2013, nhóm hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu ước đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 15,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 0,3% so với cùng kỳ tương đương với giảm 16 triệu USD. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực nông thủy sản như gạo, cá, tôm… có dấu hiệu chững lại và giảm. 
 
Giá gạo xuất khẩu giảm mạnh
 
Những tháng đầu năm 2013, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã bị “lép vé” trên thị trường thế giới.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định, nếu so với cùng kỳ năm trước, gạo xuất khẩu thua cả về lượng và giá trị, đặc biệt giá gạo xuống thấp do các nước như Ấn độ và Thái Lan sắp tới sẽ tạo sức ép lớn đối với gạo Việt Nam. Giá gạo thời gian gần đây cũng giảm 390 USD/tấn, Ấn Độ và một số nước đang hơn Việt Nam 50USD. Điều này khiến doanh nghiệp mua lúa thấp, dân chịu thiệt, 3 năm qua mỗi năm giá lúa giảm 1000 đồng/kg khiến người dân khó khăn trong tái sản xuất.
 
Ông Nguyễn Minh Toại- Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ đề nghị, Bộ Công thương có chủ trương đẩy giá sàn xuất khẩu gạo của Việt Nam lên bằng Ấn Độ. Giá gạo và lúa thơm chất lượng cao đang bán bằng giá thường.
Trước tình hình đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã bỏ giá sàn trong giao dịch thương mại đối với gạo 5% tấm.
 
“Thời gian này tích cực triển khai các thị trường giao dịch tập trung lớn, đề nghị tổ điều hành xuất khẩu gạo phối hợp chặt chẽ với hiệp hội và doanh nghiệp thực hiện tốt các hợp đồng tập trung, tránh ảnh hưởng đến giá chào”- Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
 
Đối với chương trình thu mua tạm trữ gạo, chương trình này chỉ thúc đẩy giá lên ở thời điểm đó, mang tính chất tình thế hơn là dài hạn. Các doanh nghiệp được khoanh chỉ tiêu tạm trữ đã thực hiện nhưng không mua trực tiếp người nông dân nên lợi vẫn nằm ở khúc trên, người nông dân chỉ được hưởng ít. Vì thế, ông Toại cũng mong muốn cần có chính sách hỗ trợ tới tay của người nông dân thay vì qua nhiều cầu.
 
Về đầu mối gạo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, không nên hạn chế đầu mối những doanh nghiệp trong nước xuất khẩu loại gạo đồ, vì đây là loại gạo khá đặc biệt. Ngoài ra những thị trường mới được doanh nghiệp khai thác như vào Châu Phi… thì không nên hạn chế đầu mối, chỉ nên hạn chế đầu mối ở những thị trường trọng điểm.
 
Cá tra nâng giá bán nhưng vẫn lỗ
 
Trong 3 tháng đầu năm, giá cá tra nguyên liệu dao động từ 19.000- 22.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá vẫn lỗ từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Mức này sẽ khiến người nông dân không thể nào nuôi được. Diện tích nuôi trồngđang giảm tới 1/3 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
 
Ngoài ra, các nhà máy chế biến cũng đang khó khăn do thiếu vốn trữ hàng khi giá nguyên liệu thấp, nên hiện nay giá cá tra tăng cao dẫn đến nhiều doanh nghiệp giảm chất lượng, còn nếu hạ giá bán để duy trì sản xuất sẽ khiến giảm uy tín thương hiệu cá tra Việt Nam.
 
Cá tra trong những tháng đầu năm 2013 vẫn gặp khó khăn. Bản thân doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long đã cạnh tranh bằng cách hạ giá bán. “Cần xem xét áp dụng các biện pháp để đảm bảo không bán phá giá lẫn nhau. Và khi ra bên ngoài vẫn đảm bảo giá nhất định”- Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị.
 
Trước tình hình khó khăn đối với hai sản phẩm chủ lực là gạo và cá tra, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, sẽ có các biện pháp hỗ trợ nông dân về gạo và thủy sản. Thống nhất sẽ có cuộc gặp gỡ với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, từ đó  tham mưu với Chính phủ để có hướng giải pháp phù hợp.
 
Nguồn: http://www.baocongthuong.com.vn

Quảng cáo sản phẩm