Mở rộng độ phủ hàng Việt Nam tại Campuchia

26/11/2009 12:00 - 801 lượt xem

Việt Nam có khoảng 150 doanh nghiệp thành lập công ty, chi nhánh, cửa hàng để trực tiếp phân phối hàng hoá Việt Nam cho người tiêu dùng Campuchia.
 
Hàng Việt Nam dường như có cơ hội hơn khi người dân Campuchia quay sang ủng hộ hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp được sự hỗ trợ tích cực của cơ quan chức năng đang tìm cách mở rộng độ phủ hàng Việt Nam tại xứ sở Angkor.
Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu do trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, câu lạc bộ Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp tổ chức diễn ra tại tỉnh Battambang, Campuchia từ ngày 25 – 29.11.2009 với mục đích khuếch trương hàng Việt tại đây.


Nhận diện hàng Việt Nam trên đất Campuchia


Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 150 doanh nghiệp thành lập công ty, chi nhánh, cửa hàng để trực tiếp phân phối hàng hoá Việt Nam cho người tiêu dùng Campuchia.


Dù chưa có thống kê chính thức nào về thị phần hàng Việt Nam tại Campuchia với diện mạo đầy đủ và sức sống mãnh liệt của nó trên tất cả các tỉnh thành Campuchia. Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu người tiêu dùng Campuchia do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp – BSA phối hợp với công ty Trương Đoàn thực hiện ở ba vùng là Phnom Penh, Battambang và Takeo cho thấy, hiện nay logo hàng Việt Nam chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng nhất khi người tiêu dùng nước này chọn mua các sản phẩm của Việt Nam.


Theo đó, có 45% các hộ gia đình Campuchia nhận biết logo hàng Việt Nam chất lượng cao, nghiên cứu trên cho biết.
Cũng theo nghiên cứu trên, 73% người tiêu dùng Campuchia cho rằng để người tiêu dùng Campuchia mua hàng Việt Nam và nhận diện rõ hơn thì giá cả hàng hoá phải hợp lý, 61% đòi hỏi chất lượng sản phẩm tốt. Tiếp theo mới đến mẫu mã sản phẩm đẹp, có chương trình khuyến mãi, hệ thống phân phối rộng rãi, quảng cáo qua truyền hình, báo chí.
Ông Trần Hữu Đức, giám đốc đối ngoại của Nutifood sau đợt khảo sát thị trường Campuchia, đã nhận xét: “Hàng Việt Nam có ưu điểm về giá cả, chất lượng và sự phù hợp với nhu cầu người dân Campuchia”. Tuy nhiên, theo ông Đức, công ty Thái Lan mạnh hơn các doanh nghiệp Việt Nam ở chỗ họ đầu tư rất lớn cho các đợt quảng bá sản phẩm, chiến dịch quảng cáo trên truyền thông, truyền hình lẫn các kiểu tiếp thị bán hàng tận chợ nhỏ vùng nông thôn.
Tạo ra sự khác biệt


Kết quả khảo sát của BSA và Trương Đoàn cũng chỉ ra, khoảng 70% người tiêu dùng Campuchia hưởng ứng các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp. “Họ ưa thích được tặng quà trực tiếp, giảm giá hơn rút thăm trúng thưởng. Khoảng 2/3 hộ gia đình được nghiên cứu chịu xem quảng cáo tivi, trong đó 19% thích xem quảng cáo và 40% xem quảng cáo bị động. Người Campuchia ít đọc báo hơn người Việt Nam. Tuy nhiên, radio là hình thức khá phổ biến tại Campuchia với tỷ lệ đến 60% người tiêu dùng nghe radio hàng ngày…”, nghiên cứu này kết luận.


Ông Lê Quốc Phong, giám đốc công ty phân bón Bình Điền, phân tích: “Hàng Việt Nam nếu chỉ bán qua nhà phân phối, qua các đầu mối như trước thì sẽ khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Thái Lan hay các nước khác. Do vậy, hàng Việt Nam cần tạo giá trị khác biệt ở dịch vụ chăm sóc khách hàng, dịch vụ hậu mãi, ở các hoạt động tư vấn hướng dẫn sử dụng người tiêu dùng… Có như vậy mới xây dựng thương hiệu và tên tuổi, từ đó có chỗ đứng vững chắc trên thị trường này”.


Hiện nay, một số loại quần áo may sẵn của cơ sở tư nhân phân phối từ chợ Bình Tây sang Campuchia đã có thêm nhãn phụ tiếng Khmer. Công ty bóng đèn Điện Quang đã in catalogue quảng bá sản phẩm tiếng Khmer, thiết kế các quầy trưng bày và tư vấn phù hợp với thói quen của người dân Campuchia. Bình Điền có hẳn đội ngũ tư vấn, bán hàng là người địa phương ở các tỉnh.


Rõ ràng Campuchia là thị trường gần sát biên giới, thích hợp để các doanh nghiệp Việt Nam tung thêm chiêu giành thị phần. Nhưng điều quan trọng là cần tránh thâm nhập thị trường này theo kiểu “đánh nhanh rút nhanh”, thay vào đó cần có chiến lược “bén rễ” lâu dài tại đây.

Nguồn: www.cafef.vn

Quảng cáo sản phẩm