Một số nhận định về tình hình xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ năm 2009

13/02/2009 10:11 - 1457 lượt xem

Hàng dệt may Trung Quốc sẽ khó tăng mạnh vào thị trường Hoa Kỳ sau khi hạn ngạch được dỡ bỏ. Năm 2009, áp lực giảm giá đối với hàng dệt may của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ là rất lớn. Nếu thị phần được duy trì trong giai đoạn khó khăn trước mắt, sẽ là cơ sở để hàng dệt may xuất khẩu của ta tăng mạnh sau khi kinh tế Mỹ khởi sắc trở lại. Dự đoán, nhập khẩu hàng dệt may đặc biệt là hàng may mặc từ Trung Quốc của Hoa Kỳ sẽ không tăng mạnh sau khi hạn ngạch được xóa bỏ hoàn toàn từ ngày 1/1. Theo các số liệu mới nhất vừa được công bố, cho thấy nhập khẩu hàng may mặc của Hoa Kỳ từ Trung Quốc không tăng mạnh trong các tháng tới, mặc dù hạn ngạch sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn. Năm 2005, chế độ hạn ngạch được dỡ bỏ, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ Trung Quốc đã tăng một cách ồ ạt và Mỹ đã tái áp hạn ngạch đối với một số Cat dệt may quan trọng.

Nhập khẩu hàng may mặc của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đã phục hồi từ cuối năm 2008. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, nhập khẩu hàng may mặc Trung Quốc của Mỹ đã bắt đầu phục hồi trong mùa thu đông vừa qua.
Trong tháng 10, kim ngạch nhập khẩu hàng may mặc dệt kim của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đã tăng 11% với cùng kỳ năm 2007.

Tuy nhiên, nhập khẩu hàng may mặc từ Trung Quốc của nước này đã giảm 3,8% trong tháng 8 trước khi tăng 6,4% trong tháng 9.

Nhập khẩu hàng may mặc dệt thoi của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đã tăng 10,5% trong tháng 9, sau đó tăng tiếp 8,6% trong tháng 10, trong khi tình hình nhập khẩu mặt hàng này nói chung bị đình trệ.

Các thống kê cho thấy một số mặt hàng nhạy cảm nhất như sơ mi dệt kim bông (338/339), quần bông (437/438) và quần lót bông (352/362) đang phải chịu thêm nhiều áp lực cạnh tranh.

Ví dụ, đối với Cat.347/348, mức nhập khẩu cộng tới thời điểm giữa tháng 10 và giữa tháng 12 tăng 12% so với mức tăng chỉ 9% ở cùng thời điểm năm ngoái.

Nhưng ở cùng thời điểm, đối với các Cat hàng quan trọng nhất, tỉ lệ hạn ngạch đã tăng lên nhanh chóng trong thời kỳ này, tăng nhanh hơn các mặt hàng bị áp hạn ngạch khác.

Tuy nhiên, so với năm 2007, tỉ lệ hoàn thành hạn ngạch của năm 2008 vẫn thấp, do nhu cầu nhập khẩu của Mỹ giảm.
Giá cả sẽ giảm mạnh?

Căn cứ vào các số liệu về việc kinh doanh hàng may mặc bán lẻ cuối năm 2008 của Mỹ bị sụt giảm nghiêm trọng, thì không có dấu hiệu nào cho thấy năm 2009 nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ Trung Quốc sẽ tăng mạnh.

Tuy nhiên, về sức cạnh tranh thì Trung Quốc vẫn có lợi thế nhờ hạn ngạch đã được xóa bỏ, các chi phí đi cùng hạn ngạch sẽ không còn, giá hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ sẽ giảm và Trung Quốc có thể lấy bớt thị phần của các nhà cung cấp hàng đầu khác trên thị trường Mỹ.

Mặt khác, ấn Độ có thể được lợi từ việc đồng rupee giảm giá từ cuối năm vừa qua, trong khi giá các sản phẩm cùng loại của các nhà xuất khẩu Bangladesh đưa ra các mức giá khá hấp dẫn đối với người tiêu dùng.

Đối với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ: năm 2009 sẽ chịu nhiều áp lực giảm giá. Bởi để tránh việc bị điều tra chống bán phá giá, giá xuất khẩu hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng khá so với cùng kỳ và cao hơn nhiều so với mức giá nhập khẩu trung bình vào thị trường Mỹ. Theo số liệu thống kê, trong 10 tháng năm 2008, giá hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt trung bình 3,03 USD/m2, cao hơn nhiều so với mức trung bình 1,85 USD/m2 và là mức giá cao nhất trong số 12 nước cung cấp hàng dệt may lớn nhất vào thị trường này. Giá hàng dệt may của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ chỉ ở mức 1,57 USD/m2; giá của ấn Độ là 1,81 USD/m2; giá xuất khẩu của Băngladesh là 2,11 USD/m2 và của Indonesia là 2,61 USD/m2…

Do vậy, hàng dệt may của nước ta sẽ phải cạnh tranh rất cao với hàng giá thấp của các đối thủ cung cấp hàng dệt may chính vào thị trường Mỹ. Đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì việc một bộ phận người dân chuyển sang dùng hàng giá thấp. Do đó, giảm giá để nâng cao chất lượng là một trong những biện pháp để giữ vững thị phần hàng dệt may của ta tại thị trường Mỹ. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay mục tiêu số 1 của ngành dệt may Việt Nam tại thị trường Mỹ là giữ vững thị phần. Thị phần hàng dệt may của ta tại Mỹ giữ được ổn định trong thời gian khủng hoảng kinh tế của Mỹ sẽ là cơ sở để hàng dệt may xuất khẩu của ta tăng trưởng mạnh khi nền kinh tế Mỹ khởi sắc trở lại.
 

Giá nhập khẩu trung bình một số Cat. hàng dệt may của Mỹ từ các thị trường trong 10 tháng năm 2008 (USD/tá)

Cat. World Việt Nam Trung Quốc ấn Độ Băngladesh Indonesia
Giá TB (USD/m2) 1,85 3,03 1,57 1,81 2,11 2,61
338 31,93 47,83 67,67 43,76 22,76 41,02
339 35,47 36,20 58,00 37,65 22,55 35,24
340 79,98 36,20 85,02 81,35 49,29 74,11
341 64,36 45,75 63,49 64,92 40,08 68,15
438 205,47 99,23 186,60 146,59 58,73 291,19
440 298,60 85,37 191,41 156,29 19,19 86,19
638 36,77 63,54 56,67 58,33 34,37 59,68
639 55,44 52,11 57,85 71,28 39,14 54,78
640 57,56 53,85 50,44 76,25 27,34 64,80
641 49,27 44,48 48,61 58,15 42,50 48,86
838 112,33 78,61 112,10 43,56 18,43 76,94
840 98,92 118,22 90,14 117,09 63,84 97,63
347 73,18 65,20 88,81 84,09 54,55 56,01
348 62,89 55,85 77,63 62,52 49,58 54,37
447 270,29 165,35 209,12 170,03 130,98 199,27
448 333,01 227,32 318,70 252,70 248,93 187,49
647 55,78 69,03 72,83 80,55 38,63 53,21
648 62,60 60,84 73,14 119,66 51,26 63,22
847 66,96 86,07 63,70 112,65 57,28 70,25
345 91,40 73,73 91,21 110,31 53,84 72,99
445 369,90 106,64 337,61 266,12 153,88 79,49
446 273,38 173,20 253,76 211,74 59,42 92,68
645 72,34 70,58 70,28 86,55 33,10 69,49
646 69,69 58,92 74,29 90,85 41,86 56,00
845 99,86 32,30 99,55 76,20 42,14 165,91
352 11,20 11,55 18,16 13,11 8,99 18,48
652 16,97 13,91 15,01 16,38 11,65 13,01


Nguồn: http://www.tinthuongmai.vn

Quảng cáo sản phẩm