Mức trợ cấp và biên độ trợ cấp được xác định như thế nào?

17/12/2024 03:15 - 85 lượt xem

Mức trợ cấp là khoản lợi ích mà nhà xuất khẩu nước ngoài nhận được từ chương trình trợ cấp bị kiện của Chính phủ nước xuất khẩu trong giai đoạn điều tra cho các lô hàng là đối tượng bị kiện, ví dụ:

 

- Trường hợp trợ cấp dưới dạng Nhà nước cho vay một khoản với lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại bình thường: Mức trợ cấp là khoản tiền chênh lệch giữa hai mức lãi suất;

 

- Trường hợp trợ cấp dưới dạng Nhà nước bảo lãnh khoản vay (miễn phí hoặc chi phí thấp): Mức trợ cấp là khoản chênh lệch giữa chi phí doanh nghiệp phải trả cho bảo lãnh thông thường với chi phí doanh nghiệp trả cho bảo lãnh này của Nhà nước.

 

- Trường hợp trợ cấp dưới dạng Nhà nước mua hàng hóa/dịch vụ với giá cao hơn giá thị trường hoặc Nhà nước cung cấp hàng hóa/dịch vụ với mức giá thấp hơn giá thị trường (trong cùng điều kiện): Mức trợ cấp là khoản chênh lệch giữa giá mua/cung cấp với giá thị trường

 

Biên độ trợ cấp được tính là tỷ lệ phần trăm của “mức trợ cấp” mà nhà xuất khẩu nhận được trong giai đoạn điều tra trên “trị giá của các lô hàng nhận trợ cấp” trong khoảng thời gian đó của doanh nghiệp.

 

Công thức tính biên độ trợ cấp

Biên độ trợ cấp (%)= (Mức trợ cấp*100) / Trị giá các lô hàng được trợ cấp

 

Lưu ý: Các lô hàng được nhận trợ cấp được xác định căn cứ vào tính chất của loại trợ cấp mà không phụ thuộc vào việc lô hàng có thuộc diện bị điều tra trong vụ việc CTC hay không, ví dụ:

 

- Trường hợp trợ cấp là khoản trợ cấp nội địa: “Trị giá lô hàng nhận trợ cấp” là trị giá của tất cả các lô hàng mà doanh nghiệp có sử dụng trợ cấp trong sản xuất, bán hàng (bao gồm cả các lô hàng bán nội địa, xuất khẩu) trong giai đoạn điều tra;

 

- Trường hợp trợ cấp thuộc chương trình trợ cấp xuất khẩu: Trị giá lô hàng nhận trợ cấp là trị giá tất cả các lô hàng xuất khẩu trong giai đoạn điều tra (bao gồm cả các lô hàng là đối tượng của vụ điều tra CTC và các lô hàng xuất khẩu khác).

 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

Quảng cáo sản phẩm