Muối, mía “chết lâm sàng”, nhập khẩu vẫn ồ ạt
01/02/2015 12:00
Trong khi lượng đường, muối trong nước tồn kho số lượng lớn thì việc nhập khẩu (NK) hai mặt hàng trên vẫn tuân thủ cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khiến người dân lo lắng
Tỷ lệ nghịch
Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm thu hoạch mía và muối, người dân lại như ngồi trên đống lửa! Mấy tháng trời ròng rã trên ruộng muối, liếp mía nhưng sản phẩm lại bán với giá bèo. Một số người dân ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do quá mệt mỏi đã chuyển đổi cây trồng.
Theo Cục Chế biến - Thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 15-1-2015 lượng đường tồn kho tại các nhà máy lên đến 338.530 tấn, trong khi đã vào thời vụ ép đường nên lượng tồn kho tiếp tục tăng. Tại TP.Vị Thanh (Hậu Giang) hơn 100ha mía trổ cờ do người dân gắng gượng chờ giá lên.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hậu Giang, diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh giảm 1.400ha so với năm trước. Tại Cà Mau, hơn 500ha đất trồng mía đã chuyển sang cây khác.
Cùng cảnh ngộ, diêm dân cũng không khá hơn bởi đang đối mặt với lỗ nặng. Năm nay thời tiết bất thường, sản lượng muối thất thu nhưng giá vẫn chẳng cao. Báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến ngày 20/12/2014 diện tích sản xuất muối cả nước ước đạt 14.814ha, sản lượng khoảng hơn 1 triệu tấn, lượng tồn trong diêm dân và một số doanh nghiệp khoảng 156.120 tấn.
Trong khi đó, giá trị NK muối từ tháng 1 đến tháng 11/2014 là 19 triệu USD, nâng tổng lượng NK mặt hàng này tăng 150.000 tấn (tương đương 3 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2013.
Tương tự, năm 2014 Bộ Công thương giao hạn ngạch NK 77.200 tấn đường, ngoài ra còn hàng trăm ngàn tấn NK trái phép từ biên giới. Mới đây, bộ này đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép NK 50.000 tấn đường từ Lào với mức thuế 0%.
Theo giải thích của cơ quan liên quan, việc NK này theo đúng cam kết khi gia nhập WTO, mặt khác do hai sản phẩm trên trong nước không đạt chất lượng.
Không thể để nông dân "bơi tự do"
Trước việc sản phẩm trong nước tồn kho, lượng NK lại tăng, ông Lê Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho rằng: “Thông tin đường được NK từ Lào cộng thêm giá mía sụt giảm bất thường là nguyên nhân khiến người dân chuyển đổi cây trồng. Tỉnh đang triển khai đề án chuyển đổi những vùng trồng mía để người dân có cuộc sống ổn định hơn”.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định do giá muối trong nước quá cao, trong khi đó muối NK từ nước ngoài về tính cả chi phí vận chuyển đều thấp hơn. Trước thực trạng trên, Chính phủ cần nghiên cứu, không thể để nông dân “tự bơi” mà cần có chính sách hỗ trợ vốn vay và kỹ thuật cho diêm dân. Cây mía cũng trong tình trạng tương tự.
Theo tính toán của chuyên gia, hiện giá mía của Việt Nam cao nhất khu vực, dao động từ 50 - 55USD/tấn trong khi ở Thái Lan chỉ 30USD/tấn và tại Lào 25USD/tấn. Đến năm 2016, Hiệp định về cộng đồng chung ASEAN có hiệu lực thì đường Thái Lan và Lào sẽ “giết chết” ngành mía đường trong nước. Cơ quan chủ quản cần nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ khoa học để hướng dẫn nông dân làm ra những sản phẩm hiệu quả, chất lượng mới có thể đủ sức cạnh tranh.
Nguồn: Báo CATP.HCM
Các tin khác
- Tổng thống Trump: Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đáng kể thuế đối ứng cho nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (05/07/2025)
- Vương quốc Anh thông báo kết luận rà soát biện pháp tự vệ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu (04/07/2025)
- Hiểu thế nào về mức thuế đối ứng 20% Mỹ áp cho Việt Nam? (04/07/2025)
- Chờ lối đi ‘sắc bén’ hơn cho xuất khẩu trước thỏa thuận thuế quan mới (04/07/2025)
- Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản chậm lại, đối mặt nhiều rủi ro từ chính sách thuế của Hoa Kỳ (04/07/2025)